"Than tặc" tàn phá rừng phòng hộ

01:06, 08/06/2011
.

(QNg)- Nếu như lâm tặc tấn công rừng thường chỉ nhằm vào các cây gỗ quý, có giá trị cao; thì "than tặc" - những người chặt phá rừng để đốt than lại sẵn sàng triệt hạ cả cây lớn lẫn bé, miễn thu được nhiều than… 

* Phá rừng đốt than: Thảm họa kép!

Theo chân tổ bảo vệ rừng và các kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức truy quét "than tặc" hoành hành ở rừng phòng hộ đầu nguồn tự nhiên huyện Mộ Đức, quả không sai so với những gì tôi được nghe, bên cạnh những cái chòi tạm để qua đêm, xoong nồi vứt ngổn ngang, là những hầm than còn rực lửa nằm san sát, khói đen bốc ra ngùn ngụt, mùi khét lẹt; có những hầm đã cho thành phẩm là những mẻ than có khối lượng từ 300 - 500 kg, mà "than tặc" đang bốc dở để vận chuyển xuống núi.
 
Số gỗ này sắp được “than tặc” xếp vào hầm để đốt than, sau khi đã bốc hết số than cũ.
Số gỗ này sắp được “than tặc” xếp vào hầm để đốt than, sau khi đã bốc hết số than cũ.

Tiếp tục đi sâu vào trong rừng, chúng tôi chứng kiến những vạt rừng nham nhở, cây gỗ cả lớn lẫn bé đều bị triệt hạ, chỉ trơ lại lớp thực bì. Men theo con đường mòn từ hầm than đầu tiên, chúng tôi còn phát hiện thêm 11 hầm, mỗi hầm có sức chứa từ 2 - 4 khối gỗ, xung quanh là những đống gỗ to mà "than tặc" chuẩn bị xếp vào hầm để đốt. Hầu hết những cây gỗ bị triệt hạ thường rơi vào nhóm gỗ quý như: Sến đỏ, chò, dầu rái… có đường kính trung bình từ 15 - 20 cm, thậm chí nhiều cây trên 30 cm.

Tại khu vực bìa rừng của rừng phòng hộ đầu nguồn tự nhiên Mộ Đức - ở các tiểu khu của xã Đức Phú, đội bảo vệ đã bắt quả tang một cặp vợ chồng quê ở Phổ Phong (Đức Phổ), đang bốc than từ hầm ra, để vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Theo lời họ khai báo thì hầm than của họ có thể "xơi" mất 3 khối gỗ to, để cho ra lò hơn 300 kg than thành phẩm. Sau khi đốt và vận chuyển trót lọt, họ mang than đi bỏ mối với giá 3.500 đồng/kg. Như vậy, 3 khối gỗ hạng tốt chỉ đáng giá hơn 1 triệu đồng!

Hiện nay, khu vực rừng bị "than tặc" tàn phá dữ dội nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn tự nhiên của huyện Mộ Đức, với diện tích 1.192 ha, thuộc hai xã Đức Lân và Đức Phú. Đây được cho là khu rừng sống còn của ngành nông nghiệp Mộ Đức, vì nó có nhiệm vụ giữ và tích nước cho 6 hồ chứa nước lớn của 3 xã: Đức Lân, Đức Phú và Đức Tân, đảm bảo cung cấp nước tưới cho phần lớn diện tích lúa của huyện.

Ông Ngô Bá - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mộ Đức khẳng định: Việc phá rừng phòng hộ đốt than rất nguy hiểm, không chỉ triệt hạ rừng tận gốc, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng lớn, nhất là trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay. Hạt kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị kiểm lâm bạn ở hai huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ, tổ chức các đợt tuần tra, truy quét. Tuy nhiên rất hiếm khi bắt được các đối tượng này, vì diện tích rừng quá lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng, trong khi "than tặc" quen thuộc địa hình rừng nên lẩn trốn rất nhanh.

"Theo Nghị định 99, nếu bắt được đối tượng, bên cạnh việc tịch thu công cụ, phá hỏng hầm than, thì còn bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thường những đối tượng này hiếm khi bị đưa ra xử lý hình sự vì khó chứng minh được số diện tích rừng mà họ đã chặt phá. Vì vậy mặc dù bị xử phạt hành chính, giáo dục tại địa phương nhưng một thời gian thì đâu lại vào đó" - ông Bá ngán ngẩm nói. 
 
* An toàn rừng cộng đồng: SOS!

Rừng cộng đồng có diện tích hơn 1.012 ha, nằm ở địa phận ở hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ của xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). Riêng tại thôn Trường Lệ, với 608 ha đã được giao cho 130 hộ dân bảo vệ, quản lý. Đây cũng là thôn đầu tiên ở tỉnh ta được Nhà nước giao quyền quản lý và hưởng lợi từ rừng trong thời gian 50 năm. Hiện khu rừng cộng đồng này còn nhiều cây gỗ quý lâu năm như: Lim, sến, hương, ngát, chò, dầu rái...

Vì vậy, bên cạnh đội bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, truy quét, thì việc bảo vệ khu rừng cộng đồng đã nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương, góp phần hạn chế tình trạng khai thác, chặt phá rừng bừa bãi, nhất là nạn "than tặc" hoành hành như hiện nay. 
 
 Chủ hầm than này  đã “bỏ của chạy lấy người” khi bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, truy bắt.
Chủ hầm than này đã “bỏ của chạy lấy người” khi bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, truy bắt.

Tuy nhiên, khu rừng cộng đồng quý này lại giáp ranh với khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn tự nhiên của Mộ Đức - tại các tiểu khu thuộc xã Đức Phú, điểm nóng về nạn "than tặc". "Nếu không thường xuyên tổ chức truy quét, bảo vệ kịp thời thì việc "than tặc" tràn qua rừng cộng đồng là điều khó tránh khỏi" - ông Huỳnh Tấn Lân, đội bảo vệ rừng của thôn Trường Lệ cho biết.
 
Thật ra, lo lắng của ông Lân cũng như chính quyền địa phương nơi đây không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, khá nhiều hầm than được phát hiện chỉ nằm cách ranh giới rừng cộng đồng chưa đầy 200 m. Vì thế, sau khi không còn gỗ để triệt hạ, thì "than tặc" sẽ vượt rào, tàn phá rừng cộng đồng  là chuyện sớm muộn.

 Nhằm chủ động đối phó với tình trạng này, chính quyền địa phương xã Hành Tín Đông đã thành lập các tổ bảo vệ và cắt cử người trực chiến; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân; đồng thời thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét, phát hiện và ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng đốt than.
 
Đặc biệt là tăng cường mối liên hệ giữa các địa phương có rừng giáp ranh, để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ rừng. "Tuy nhiên việc thiếu trang thiết bị hỗ trợ, lực lượng bảo vệ mỏng cũng là những khó khăn, trở ngại của chúng tôi khi đối phó với nạn than tặc như hiện nay" - ông Nguyễn Ngọc Sinh - Phó trưởng công an xã Hành Tín Tây trăn trở.   

Bài, ảnh: MỸ HOA

.