Sân chơi cho trẻ em nông thôn, miền núi: Ước mơ còn xa...

08:06, 23/06/2011
.

(QNg)- Đối với trẻ em ở nông thôn, miền núi, mơ ước về một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi phù hợp, lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của các em là một ước mơ còn quá xa vời.
 
*Sân chơi ngoài trời: Ước mơ vẫn là mơ ước!

Tiết trời tháng 6 nắng nóng như đổ lửa. Ở huyện miền núi Sơn Tây cái nóng càng dữ dội hơn bởi khói bụi được phả ra từ các loại xe tải nối đuôi nhau chạy nườm nượp. Những chiếc máy xúc, máy đào đang xẻ núi để mở đường và bên cạnh những con đường mới rộng thênh thang ấy, đã xuất hiện những dốc đất cao chót vót, nằm vắt vẻo bên triền núi.
 
Khu vui chơi của trẻ em huyện Minh Long như bãi đất hoang, còn thiết bị trò chơi ngoài trời thì chẳng khác nào đống sắt vụn.
Khu vui chơi của trẻ em huyện Minh Long như bãi đất hoang, còn thiết bị trò chơi ngoài trời thì chẳng khác nào đống sắt vụn.

Mặc cho cái nắng nóng, khói bụi giăng kín, nhưng tại những điểm dốc cao ấy, tôi thấy rất nhiều em nhỏ đang say sưa với trò chơi ưa thích: Trượt dốc. Lần lượt từng em ngồi trên "con ngựa" là những bẹ dừa khô, rồi thích thú trượt từ đỉnh đến cuối dốc với tiếng cười giòn tan. "Nghỉ hè không phải đi học, nên chiều nào bọn con cũng ra đây chơi, vừa vui vừa mát" - em Đinh Văn Di (6 tuổi) hồ hởi khoe. Vì sao con lại thích trượt dốc mà không chơi các trò khác? Em hồn nhiên bảo: Con cũng thích bắn bi, đá bóng, nhưng chơi hoài cũng chán. Con thấy trong tivi các bạn cũng chơi trò trượt nước, trượt dốc nên bọn con cũng bắt chước. Nếu như điểm "trượt dốc" của các em ở nơi an toàn thì không phải bàn, nhưng ở đây điểm cuối dốc mà các em đáp xuống lại là con đường mà đoàn xe tải đang hối hả vận chuyển đất cát chạy qua, nên nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra.

Còn tại huyện miền núi Minh Long vốn đã có Khu vui chơi cho trẻ em được tỉnh đầu tư xây dựng bài bản (với kinh phí 100 triệu đồng vào năm 2004). Nhưng đó chỉ là… quá khứ, còn hiện tại thì điểm vui chơi này chẳng khác nào bãi đất hoang, nhiều thiết bị đồ chơi ngoài trời giờ chỉ còn là đống sắt vụn. Nguyên nhân được giải thích là do chưa có… tường rào cổng ngõ. Cộng với công tác quản lý yếu kém, nên Khu vui chơi bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.
 
Bà Trần Thị Lệ Diễm - Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Minh Long cho biết: Khu vui chơi này hiện đã bị khai tử và huyện vẫn chưa có điểm vui chơi nào dành cho trẻ em. Vì thế nên mỗi khi chiều xuống, chúng tôi dễ dàng bắt gặp các em tụ tập đá bóng ngay tại các ngã ba, ngã tư đường; hay đi tập bơi ở sông suối. Còn đối với những  gia đình có điều kiện muốn “đổi gió" cho con em, thì cũng phải vượt gần 30 cây số để đưa các cháu về Nhà thiếu nhi tỉnh tham gia vài trò chơi…  

Đối với trẻ em khu vực nông thôn thì tình hình cũng chẳng có gì khá hơn, bởi lẽ ngoài đá bóng, bắn bi thì thả diều là một trong những trò chơi được các em thích nhất. Tuy nhiên điểm thả diều lý tưởng của các em chính là trên những đồng ruộng mới gặt xong, vừa rộng rãi, an toàn, vừa không sợ bị vướng dây điện. Nhưng đó cũng chỉ là trong tuần đầu của kỳ nghỉ hè, vì sau khi con nước về, ruộng bắt đầu vụ gieo sạ thì các em cũng chẳng còn chỗ để chơi. "Con không dám thả diều, trên đường hay trong sân nhà vì sợ vướng dây điện lắm. Đá bóng cũng vui nhưng không có sân, hôm trước con chạy theo bóng nên suýt bị xe đụng" - em Nòng A Sáng (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành) bộc bạch.

*Không học thêm thì chơi games

Vì thiếu điểm vui chơi với những trò chơi phù hợp, nên nhiều em đã chọn mua vé dài hạn tại các tiệm internet, với các trò chơi games. Em Nguyễn Văn Thức (học sinh lớp 4) vừa lóng ngóng điều khiển chuột máy tính, vừa thích thú cho biết: Nghỉ hè nên các bạn trong lớp đều ra đây chơi. Lúc đầu con ra xem các bạn chơi cho vui. Nhưng giờ thì con tự chơi rồi, chơi trò chơi trên máy tính thích lắm. Các tiệm games chật chội, nóng bức, nhưng khá đông khách, mà chủ yếu là học sinh. Nhiều em đã trở thành games thủ, chơi rất thành thục và ra vẻ… đàn anh, nhiệt tình hướng dẫn cho các bạn mới tập tành thử games.

Cũng lường trước được thời gian hè rảnh rỗi, lại không có điểm vui chơi giải trí, thế nên chỉ sau 1 tuần xả hơi khi kết thúc năm học, nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách điều con tiếp tục "học kỳ 3" cho an toàn. Chị Trần Thị Thu Hà - một phụ huynh cho biết: Biết là làm như thế sẽ tạo áp lực nặng nề về việc học cho con, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Bởi lẽ cả vợ chồng tôi đều đi làm cả ngày, nên không có thời gian quản lý con. Sợ con ham vui rồi nghiện games nên chị đành "ép" cháu tiếp tục khóa học hè tại nhà cô giáo. Còn cu Hưng - con chị thì buồn rười rượi: Bạn bè được đi chơi, còn con cứ học hoài, chán lắm.

Quả thật đối với trẻ em ở nông thôn, miền núi, mơ ước về một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi phù hợp, lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của các em là một ước mơ còn quá xa vời. May lắm thì mỗi năm chỉ được vài ngày như: 1.6 Tết Trung thu các cháu còn được đến vui chơi tại các nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, nhưng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu hàng ngày của các em.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Lệ Diễm - Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Minh Long cho rằng: Chỉ cần chúng ta thực sự quan tâm và chăm lo cho trẻ, thì sẽ tìm được lời giải. Ví như hiện nay nhiều huyện đã có công viên, tại sao không dành một góc để xây dựng điểm vui chơi cho trẻ với nhiều trò chơi như: Cầu lông, bóng bàn, sân đá bóng mini…
 
Hay tại các sân vận động, nhà văn hóa thôn tại sao không tận dụng để tổ chức, hướng trẻ đến với các trò chơi dân gian? Vừa tạo điểm vui chơi cho trẻ, vừa giáo dục trẻ quan tâm, tìm hiểu về truyền thống quê hương qua các trò chơi dân gian này. Nếu cứ tiếp tục điệp khúc "thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí", thì không biết đến bao giờ trẻ em nông thôn, miền núi mới có được sân chơi để vui chơi, giải trí. Thế nên, việc các em sa đà vào các trò chơi nguy hiểm, hay game online không lành mạnh cũng là điều dễ hiểu.

    Bài, ảnh: MỸ HOA

.