Công nhân, sinh viên: "Bất lực" với giá điện ở nhà trọ

06:06, 25/06/2011
.

(QNg)- Thời gian qua giá điện tăng cao, nên Nhà nước và ngành điện cũng đã đồng hành cùng người nghèo bằng các chính sách hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên đối với công nhân, sinh viên phải thuê nhà ở trọ, thì chủ nhà trọ mới là người quyết định giá điện. Vì vậy nhiều nơi người ở trọ phải gồng mình trả tiền điện cao gấp vài lần so với giá quy định của Nhà nước.
 

Những năm gần đây các trường đại học, cao đẳng cũng như các khu công nghiệp ngày càng nhiều, nên lượng sinh viên, công nhân đổ về Quảng Ngãi không ngừng tăng. Có cầu ắt có cung, số lượng phòng trọ cho thuê cũng nhờ thế "mọc lên như nấm". Và bất cập đã nảy sinh khi nhiều chủ nhà trọ định giá phòng, điện, nước theo... ý của mình. Điều này đã khiến người thuê phòng trọ, (chủ yếu là công nhân, sinh viên), lao đao.
 
Theo quy định của Nhà nước, cứ 4 người thuê trọ được tính là một hộ sử dụng điện. Trong ảnh: Sinh viên gặp khó khăn vì giá điện do chủ nhà trọ quy định quá cao.
Theo quy định của Nhà nước, cứ 4 người thuê trọ được tính là một hộ sử dụng điện. Trong ảnh: Sinh viên gặp khó khăn vì giá điện do chủ nhà trọ quy định quá cao.

Em Nguyễn Thị Nguyệt (sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh cơ sở miền Trung) đã phải chuyển nhà 3 lần trong 2 năm qua. Lý do được Nguyệt đưa ra là, sau vài ba tháng chủ nhà trọ lại rục rịch tăng giá nhà, giá điện, nước. Nguyệt kể: "Chủ nhà giải thích rằng tại giá cả biến động quá nên giá phòng tăng thêm 100 ngàn đồng, điện từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/kwh, nước từ 20 ngàn đồng lên 30 ngàn đồng/người/tháng".
 
Nhìn căn phòng rộng chưa đầy 9m2 mà Nguyệt phải trả cho chủ nhà mỗi tháng 300.000 đồng, khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Riêng tiền nước dù Nguyệt có ở hay không thì vẫn phải thanh toán đầy đủ. Nguyệt nói buồn: "Chắc em lại phải chuyển nhà trọ nữa rồi, tổng chi phí hàng tháng đã vượt quá khả năng của gia đình em...".

Khu vực xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) là nơi tập trung rất nhiều công nhân đang làm việc tại KCN Tịnh Phong. Nơi đây có hàng trăm phòng trọ các loại. Từ khi ngành điện áp dụng giá mới, chủ trọ đã tự ý tăng giá điện một cách vô lý, nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình mình. Cá biệt có chủ nhà trọ còn muốn thu lợi từ việc tăng giá điện đối với người ở trọ. Cũng là điện sinh hoạt, nhưng chủ nhà trọ lại mặc sức thu giá cao hơn rất nhiều so với Nhà nước quy định từ 1.500- 2.500 đồng/kwh.

Mặc dù chủ phòng trọ thu bất hợp lý, nhưng người đi thuê vẫn phải chịu đựng. Chị Huỳnh Thị Huyền, công nhân Công ty may Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong) cho biết: "Tụi em ở 4 đứa một phòng, mỗi tháng dùng gần 30kwh điện, chủ nhà tính 3.000 đồng/kwh thì mỗi tháng "đi đứt" khoảng 100.000 đồng. Đó là chưa kể tiền phòng, tiền nước cũng đã tăng. Khi chúng em có ý kiến với chủ nhà thì nhận được câu trả lời: "Nếu không đồng ý thì chuyển đi". Tụi em cũng đành chịu thôi, chứ bây giờ ở chỗ nào cũng vậy hết...".

Sở dĩ có sự tăng giá phòng, điện, nước như vậy là vì chủ nhà trọ cho rằng, họ phải bỏ chi phí xây phòng, bắc điện, nước. Hơn nữa số lượng tiêu thụ điện, nước nhiều nên phần đóng giá trị gia tăng cao. Do đó người ở trọ phải chia sẻ trách nhiệm với chủ nhà trọ.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các chủ nhà trọ cho thuê phòng đều không có hợp đồng; giữa người thuê trọ với chủ nhà chỉ là sự giao ước miệng. Còn nếu như hai bên có kí hợp đồng thì giá điện, nước chủ nhà trọ cũng đã "ấn định" luôn. Trên thực tế các chủ nhà đứng ra hợp đồng mua điện với ngành điện, nên khi họ lấy giá điện cao với người đi thuê, rất khó khăn cho ngành chức năng kiểm tra và xử lý.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt do Bộ Công thương quy định: Cho 50 kwh (hộ nghèo và thu nhập thấp) là 993 đồng/kwh; từ 0- 100 kwh (hộ thu nhập thông thường): 1.242 đồng/kwh; từ 101- 150 kwh: 1.304 đồng/kwh; từ 151- 200 kwh: 1.651 đồng/kwh; từ 201- 300 kwh: 1.788 đồng/kwh; từ 301- 400 kwh: 1.912 đồng/kwh; từ 401 kwh trở lên: 1.962 đồng/kwh.
Cần phải thấy rằng không phải không có chế tài để xử phạt chủ nhà trọ tự ý thu giá điện, nhưng chủ nhà trọ vẫn làm ngơ. Theo Thông tư số  8/2010/TT- BCT ngày  24/2/2010 của Bộ Công Thương, trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn từ 12 tháng trở lên, thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc uỷ quyền cho đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà).
 
Trong trường hợp này cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú) tính là một hộ sử dụng điện, để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng, do đơn vị bán lẻ điện phát hành.

Thiết nghĩ, các cấp, ngành, nhất là ngành điện cần rà soát tình hình mua điện sinh hoạt của các chủ nhà trọ, kiên quyết xử lý chủ nhà trọ nào vi phạm. Nếu thực hiện nghiêm, đời sống của hàng ngàn sinh viên, công nhân trong tỉnh cũng đỡ vất vả hơn. Các chủ nhà trọ cần biết rằng, Luật Điện lực quy định: Chủ nhà trọ tự ý bán điện cho người đi thuê giá cao là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo Nghị định 73/2003 của Chính phủ.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.