Cần quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, miền núi

08:06, 08/06/2011
.

(QNg)- Những năm gần đây, ở tỉnh ta ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của người dân  nhiều địa phương. Trong đó người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là miền núi đang phải "sống chung" với tình trạng ô nhiễm môi trường, do thiếu nhà vệ sinh và ô nhiễm nguồn nước...

Đã từ lâu, vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực miền núi nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã và đang là vấn đề bức xúc. Nguyên nhân một phần do nhận thức của người dân chưa đầy đủ về tác hại của sự ô nhiễm môi trường, một phần do thói quen của đồng bào, nên nhiều nơi bà con không có nhà vệ sinh, hoặc sử dụng nhà vệ sinh 1 ngăn (hố xí 1). Không có nhà vệ sinh nên người dân phóng uế bừa bãi, không kể đó là vườn tược, đồng ruộng hay sông, suối... Gia đình nào khá hơn thì làm nhà vệ sinh một ngăn, nhưng luôn phải chịu đựng mùi hôi thối khó chịu bốc lên và nó trở thành ổ cho các loài ruồi, muỗi sinh sôi, nảy nở...
 
Không có nguồn nước hợp vệ sinh, nhiều người dân ở huyện Sơn Hà phải ra đồng ruộng tắm, giặt
Không có nguồn nước hợp vệ sinh, nhiều người dân ở huyện Sơn Hà phải ra đồng ruộng tắm, giặt.

Chị Đinh Thị Dây, thôn Mang Hin, xã Sơn Long (Sơn Tây) bộc bạch: Biết là làm nhà vệ sinh sạch sẽ như người Kinh ai cũng muốn, nhưng bà con làm gì có tiền để xây nhà tiêu tự hoại? Hơn nữa bà con vùng này có ai làm nhà vệ sinh đâu, mà mình làm. Ở gần rừng nên bà con tiện đâu đi đó cho thoải mái. Cũng biết là đi vệ sinh như vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhưng cuộc sống của người dân còn khổ lắm, không có điều kiện thì phải chịu chứ biết làm sao...


Bên cạnh đó hiện nay ở nhiều vùng nông thôn, miền núi của tỉnh ta nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt còn thiếu, nguồn nước chưa được xử lý, hệ thống giếng đào nhiều nơi gần đồng ruộng, nên nước có màu đục, lại không qua xử lý song người dân vẫn phải sử dụng.

Chị Đinh Thị Ba, ở thôn Cà Đáo, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) cho biết: Đem nước này đun lên thì ở dưới đáy ấm thường có các lớp cặn lắng xuống. Đã vậy về mùa hè, nhiều giếng nước ở khu vực cạn nước, nên người dân phải ra suối hoặc lên hồ chứa nước Di Lăng gánh nước về dùng, dù nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Qua tìm hiểu một số địa phương ở khu vực nông thôn, miền núi chúng tôi nhận thấy, người dân ở đây dùng nước giếng đào và nước suối là chính, một số nơi dùng nước tự chảy dẫn từ trên núi cao về. Gia đình nào ở xa sông suối, thì phải đào giếng, nhưng do độ dốc cao nên lượng nước không đủ dùng và nước rất khó uống. Có rất nhiều thôn người dân dùng nước giếng nhưng giếng lại đào cạnh các chuồng gia súc, gia cầm (trâu, bò, gà...) nên nguồn nước thường bị ô nhiễm.

Ngoài ra ở các vùng nông thôn, miền núi còn chịu sự ô nhiễm do tập quán sinh hoạt, nấu ăn, chất thải của các loại gia súc, gia cầm thả rông... Từ đó vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ra các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, các bệnh phụ khoa và bệnh về mắt...

Một thực trạng cho thấy là dường như chính quyền, các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương chỉ tập trung vào xoá đói giảm nghèo, sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng... mà thiếu quan tâm đến việc khắc phục ô nhiễm môi trường, vệ sinh, bảo đảm sức khoẻ nhân dân, để chủ động phòng bệnh cho người dân, chứ không phải để đến khi người dân phát bệnh, phát dịch rồi mới lo chữa chạy như đã từng xảy ra ở một số địa phương.

Việc xây dựng hố xí, nhà tắm, chuồng trại trâu bò xa nhà ở, phát quang đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh... tuy cũng được các địa phương quan tâm phát động và thực hiện dẫn nguồn nước sạch về thôn xóm song chưa thu hút toàn dân tham gia; sau khi phát động xong rồi không giám sát, đôn đốc thường xuyên, nên không đạt hiệu quả. Rất mong các địa phương, các cơ quan chức năng có sự quan tâm đúng mức hơn nữa đến vấn đề vệ sinh, ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, miền núi; tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia làm cho môi trường ngày càng trong sạch hơn, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Bài, ảnh: Hương Minh

.