Triển khai đại trà kiểm soát chất lượng VTNN và sản phẩm NLTS

02:05, 31/05/2011
.

(QNĐT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) theo quy định tại Thông tư số 14 ngày 29/3/2011 và Chỉ thị số 1159 ngày 27/4/2011 của Bộ NN&PTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2011. Đây là giải pháp tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng, nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn như hiện nay.

*Bất ổn và lộn xộn
 
Dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vô tội vạ; phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng đang lan tràn trên thị trường; liên tiếp các vụ vận chuyển thịt bẩn, mở bẩn…được phát hiện. Điều đó cho thấy, thị trường VTNN và sản phẩm NLTS hiện đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và lộn xộn.

Quy định tại điều 17 Điều lệ quản lý thuốc BVTV ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ thì người kinh doanh thuốc BVTV buộc phải có trình độ trung cấp nông, lâm nghiệp trở lên hoặc có giấy chứng nhận đã tham gia lớp học chuyên môn về thuốc BVTV do Chi cục BVTV cấp.

Điều kiện của người xin giấy chứng nhận là phải có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV. Có cửa hàng bán thuốc và kho chứa thuốc được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền và UBND địa phương; có trang thiết bị cần thiết bảo đảm an toàn cho người, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật; đã đăng ký với những cơ quan kiểm tra chất lượng thích hợp… Nhưng thực tế không phải vậy.

Ở các vùng nông thôn hiện nay nhiều người không hiểu biết gì về các quy định sử dụng, quản lý thuốc BVTV nhưng vẫn đứng ra kinh doanh cho đến khi các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và bắt buộc phải tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ để cấp chứng chỉ hành nghề.
 
aa
Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh lĩnh vực này hầu hết là nhỏ lẻ, tự phát, len lỏi vào khu vực đông dân cư, đe dọa môi trường sống nghiêm trọng.
 
Mục sở thị các cửa hàng kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, các cửa hàng kinh doanh lĩnh vực này hầu hết là nhỏ lẻ, tự phát, len lỏi vào khu vực đông dân cư, chợ, thậm chí là trường học. Đặc biệt, một số cơ sở kinh doanh tổng hợp các loại hàng hóa như: Mỹ phẩm, lương thực, thực phẩm kết hợp với thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV mà không có kho thuốc, không cách ly thuốc với khu vực chăn nuôi hoặc nơi chứa lương thực, thực phẩm.

Một số khác có kho nhưng không đúng tiêu chuẩn, vệ sinh lao động chưa đảm bảo, làm ảnh hưởng đến môi trường sống nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV diễn ra phổ biến. Nhiều chủ vườn tranh thủ bán ngay để rau được đẹp mà không cần đảm bảo quy trình về số ngày sau khi phun thuốc, trong khi đó, người tiêu dùng lại ưa chuộng những mớ rau mơn mởn chứ ít ai ngờ rằng mình đang ăn phải thuốc độc vào người.

Cuối năm 2010, Chi cục BVTV đã tiến hành 4 đợt thanh tra đột xuất tại 56 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh thì phát hiện đến 54 trường hợp vi phạm vì không đủ điều kiện kinh doanh.

Thanh tra Chi cục đã tiến hành thanh tra việc sử dụng thuốc BVTV đối với một số hộ nông dân trồng rau ở huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn và TP. Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm sử dụng thuốc không đúng kĩ thuật như: Dùng quá liều lượng, không đảm bảo thời gian cách ly; bao bì, vỏ chai thuốc sâu sử dụng xong vứt bỏ trên đồng ruộng…
 
aa
Nhiều người trồng rau dùng quá liều lượng, không đảm bảo thời gian cách ly (ảnh minh hoạ)

Ghi nhận từ thực tế, số người bị ngộ độc, mắc các bệnh ung thư… mỗi ngày một gia tăng. Mầm mống dẫn đến tình trạng này chính là việc hàng ngày ăn phải thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn. Nếu ăn phải thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng như kẽm, tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến ngộ độc hệ thần kinh, ung thư, đột biến…

Bên cạnh đó tình trạng thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng giả đang đầy rẫy thị trường khiến nhiều nông dân sau suốt một vụ mùa dãi nắng dầm sương lại trắng tay.

Công tác giết mổ gia súc, gia cầm cũng bất ổn không kém. Tại Quảng Ngãi có 562 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 417 điểm giết mổ lợn ở hộ gia đình nhưng các điểm giết mổ này đều nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, không có giấy phép kinh doanh, hoạt động từ lúc 3-4 giờ sáng nên rất khó quản lý.

Hầu hết không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện giết mổ ngay trên nền nhà, đặc biệt hơn là cạnh nhà vệ sinh. Các loại chất thải như phân, phụ phẩm giết mổ chưa qua xử lý được thải bừa bãi ra đồng ruộng, kênh rạch, hệ thống thoát nước công cộng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong những tháng đầu năm 2011, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra và phát hiện gần 140 điểm giết mổ vi phạm vì không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, tình trạng nhập khẩu thịt kém chất lượng điển hình là các vụ vận chuyển thịt bẩn, mỡ bẩn liên tiếp bị phát hiện trong thời gian gần đây cho thấy khâu kiểm soát vẫn còn nhiều lổ hổng.
 
aa
Giết mổ gia súc ngay trên nền nhà.

*Tăng cường công tác quản lý

Trước thực trạng trên, vừa qua Bộ NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra thí điểm chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm NLTS ở các địa phương: Thanh Hóa, Tiền Giang, Phú Thọ, Yên Bái và 24 tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Công tác kiểm tra thí điểm tập trung kiểm soát 10 nhóm đối tượng thuộc 1.273 cơ sở bao gồm: Cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản; giống cây trồng lâm nghiệp; công trình cấp nước sinh hoạt; cơ sở sơ chế, chế  biến rau quả; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở sản xuất mắm và sản phẩm dạng mắm.

Các địa phương được thí điểm đã triển khai thống kê, kiểm tra đánh giá và phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh dựa trên biểu mẫu của Cục Quản lý chất lượng NLTS. Kết quả cho thấy, có tới hơn 30% cơ sở vi phạm các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tại cuộc họp trực tuyến với 64 tỉnh, thành trong cả nước về quản lý chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm NLTS vào chiều ngày 6/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lương Lê Phương nhấn mạnh: “VTNN, sản phẩm NLTS đóng vai trò quan trọng, nếu không kiểm soát kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân. Vì thế, các địa phương phải chủ động triển khai khi theo quy định tại Thông tư số 14 ngày 29/3/2011 của Bộ NN&PTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2011 và Chỉ thị số 1159 ngày 27/4/2011 của Bộ NN&PTNT”.
 
Theo Thông tư số 14 ngày 29/3/2011 của Bộ NN&PTNT thì Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS gồm kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị; nguồn nhân lực; chương trình quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa đang áp dụng; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm để thẩm tra điều kiện đảm bảo điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm trong trường hợp cần thiết.

Cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, không có lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng thì được xếp loại A (tốt). Cơ sở đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có ít lỗi nặng và không có lỗi nghiêm trọng thì được xếp loại B (đạt).
 
Loại C (không đạt) áp dụng cho cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, còn nhiều lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng, nếu không khắc phục sửa chữa trong thời gian do cơ quan kiểm tra quy định mà vẫn tiếp tục sản xuất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, gây mất an toàn thực phẩm.

Tần suất kiểm tra đối với  cơ sở xếp loại A là 1 năm/lần, loại B là 6 tháng/lần và loại C thì tùy thuộc vào mức độ sai lỗi của mỗi cơ sở được kiểm tra và do cơ quan kiểm tra quyết định. Tùy theo mức độ sai lỗi của cơ sở mà cơ quan có thẩm quyền  thực hiện xử phạt hành chính, đồng thời quyết định thời hạn khắc phục và tổ chức kiểm tra lại, nếu cơ sở không khắc phục, cơ quan kiểm tra đề nghị cơ quan chức năng thu hồi  giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở.

Trước thực trạng đáng báo động như hiện nay, việc triển khai Thông tư này sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng VTNN và NLTS, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung, cũng như môi trường sống và sức khỏe con người. 

Ái Kiều

.