Nhân ngày Phòng chống thiên tai Việt Nam 22/5:
Việt Nam đứng thứ 4 trên bản đồ rủi ro

08:05, 22/05/2011
.

(QNĐT) - 15% dân số tại các nước đang phát triển đang sống tại những khu vực có nguy cơ cao về thiên tai. Trên bản đồ rủi ro thì Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan trong hai thập kỷ trở lại đây và đứng thứ 3 nếu chỉ tính riêng trong năm 2008. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về giảm nhẹ thiên tai được tổ chức tại Thụy Sỹ vào ngày 10/5 vừa qua.

*Bức tranh toàn cảnh

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chịu tác động trực tiếp của ổ bão Châu Á -Thái Bình Dương - một trong 5 ổ bão lớn của thế giới. Cùng với đặc thù đó, những nguyên nhân chủ quan do con người tạo ra như chặt phá và khai thác rừng bừa bãi khiến rừng bị tàn phá nặng nề, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không có kiểm soát làm đất đai bị xói mòn, sự gia tăng ồ ạt của các chất thải gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai phổ biến như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, rét đậm, rét hại. Nước ta nằm trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới. 
 
Những năm gần đây, thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan hơn và gia tăng về quy mô. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thể quên cơn bão Chanchu và Ketsana. Nó đã đi qua song còn đó những nỗi đau trong trái tim của những người trực tiếp gánh chịu hậu quả. Gần 10 năm không có bão lớn, chỉ vì sự chủ quan của các cơ quan chức năng và người dân đã khiến siêu bão Chan Chu (2006) gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Sau đó 3 năm, cơn bão Ketsana (2009) đã tàn phá 14 tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.

Theo thống kê, trong những năm từ 1996-2008, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập hạn hán và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9. 600 người. Giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Năm 2005, thiên tai đã cướp đi 399 sinh mạng và làm thiệt hại vật chất 5.800 tỷ đồng. Con số này tăng lên kỷ lục vào năm 2006 với 18.566 tỷ đồng. Với mức thiệt hại này, 2006 được coi là năm có mức thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra lớn nhất kể từ năm 1971 đến nay.

Đặc biệt, năm 2009, thiệt hai do các đợt thiên tai, lũ lụt trên cả nước gây ra là 23.745 tỷ đồng với 426 người chết, 28 người mất tích, 1.390 người bị thương cùng nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu và các công trình công cộng.
 
aass
Theo thống kê, trong những năm từ 1996-2008, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập hạn hán và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.600 người. Giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Con số này năm 2010 là hơn 16.000 tỷ đồng. Thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, càng tác động mạnh tới các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Ngoài bão lũ, mưa lớn, sạt lở, xâm nhập mặn... các hiện tượng như động đất, sóng thần cũng luôn rình rập đe dọa cuộc sống của người dân.

Trong năm 2010, đã xảy ra một số trận động đất cường độ nhẹ ở các tỉnh, thành như Cao Bằng, Thanh Hóa, Bình Thuận, Sơn La, Hà Tĩnh, Hà Nội… Tuy chúng không gây thiệt hại gì về con người và vật chất nhưng đây là dấu hiệu cho thấy vỏ trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn.

Tại buổi thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tổ chức ngày 15/5 vừa qua ở Đà Nẵng, các chuyên gia đã đưa ra nhận định miền Trung Việt Nam có thể bị sóng thần cao trên 10m.

Theo Tiến sỹ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), sở dĩ vừa qua liên tục xảy ra động đất vì Việt Nam còn các hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp, như: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, sông Mã, Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Cả... Các trận động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua chứng tỏ các đới đứt gãy ở nước ta đang hoạt động mạnh và không loại trừ một chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại ở Việt Nam.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh chịu nhiều sự khắc nghiệt của thời tiết mà ảnh hưởng lớn nhất là lũ lụt, hạn hán. Nhìn chung năm nào thiên tai lũ lụt cũng xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải của nhân dân, làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng biển. Chỉ tính riêng trong năm 2009, Quảng Ngãi đã chịu ảnh hưởng của 11 cơn bão, 5 đợt lốc, gây thiệt hại tới 4.465 tỷ đồng về kinh tế và 51 người chết.

Cũng theo nhận định của Tiến sỹ Lê Huy Minh, nếu các trận động đất xảy ra tại các vùng biển lân cận Việt Nam lên đến 8.3 độ Richter có thể tạo sóng thần cao 5.2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Nếu mạnh 9,2 độ Richter thì sóng thần ở Quảng Ngãi sẽ cao 10,6m và ở Nha Trang là 5m. Sóng thần đi từ rãnh nước sâu Manila tới bờ biển Việt Nam chỉ mất khoảng 2 giờ sau khi xảy ra động đất.

Đó là những con số minh chứng cho thiên tai ngày càng khốc liệt, diễn biến bất thường trong thời gian gần đây. Nó không còn là chuyện của tương lai mà thực tế đang hiện hữu và cần quan tâm.

*Thách thức vẫn luôn phía trước

Những năm gần đây, công tác phòng, chống lụt bão của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Mỗi năm, thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, Chính phủ đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng, tu bổ đê điều, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Các hồ thủy điện đã và đang tham gia hiệu quả vào việc trị thủy, “cắt” lũ, trong đó hồ thủy điện Sơn La bắt  đầu tham gia cắt lũ sớm hơn dự kiến, góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và dân cư ở hạ du  đồng bằng Sông Hồng; các công trình giao thông vượt lũ, công trình tiêu thoát lũ, cụm tuyến dân cư vượt lũ…đã tạo nên kỹ thuật vững chắc góp phần tăng khả năng ứng phó với những tình huống thiên tai lũ, bão.

Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nhân dân, đặc biệt là nông dân trogn việc khôi phục sản xuất ổn định đời sống, đồng thời khi thiên tai xảy ra đều có sự hỗ trợ kịp thời, đó là nguồn động viên, khuyến khích to lớn đối với nhân dân và tạo cơ sở giữ vững ổn định sau mỗi đợt thiên tai xảy ra.

Nhiều địa phương đã đầu tư với tỷ trọng lớn kinh phí cho việc tu bổ đê điều, hồ đập; cụm tuyến dân cư; di dân tái định cư; khu neo đậu, trú, tránh tàu thuyền, trồng và bảo vệ rừng…góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng trước thiên tai.

Là một trong những  địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, Quảng Ngãi có tới 93/184 xã, thị trấn nằm trong vùng đồng bằng ngập lũ thuộc hạ lưu 4 con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc, Sông Vệ và Trà Câu và một  số xã, thị trấn miền núi thuộc vùng trũng thấp ven sông, suối thường xuyên bị ngập lụt.

Từ năm 2005 đến năm 2010, thông qua một  số chương trình, dự án, Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực và cung cấp bản đồ ngập lũ cho thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp xã tại 16 xã ngập lũ, trong đó có 10 xã được tập huấn đến cấp thôn và hỗ trợ lập kế hoạch phòng ngừa rủi ro.
 
Mặc khác, Quảng Ngãi cũng đã  đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng một  số công trình phòng chống thiên tai như: đê bao, đê biển, đê cửa sông, công trình chống sạt lở bờ sông, bờ suối, bờ biển, cảng neo trú tàu thuyền, nâng cấp hồ chứa nước, xây dựng nhà cộng đồng phòng chống thiên tai; nâng cấp, mở rộng một số cầu cống qua đường giao thông, kênh mương nhằm tăng khả năng thoát lũ. Đồng thời tổ chức tốt các phương án tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
 
 
aa
Nhà cộng đồng phòng chống thiên tai được xây dựng ở nhiều nơi đã phát huy hiệu  quả, là nơi  tránh trú của người dân khi xảy ra bão lũ.

Tuy nhiên, điều kiện phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão cũng như kinh phí, trang thiết bị chưa đảm bảo. Công tác dự báo còn nhiều hạn chế nên gây khó khăn, bị động đối với công tác chỉ đạo phòng tránh.

Cơ sở hạ tầng công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, việc san lấp mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư, nhà cửa chưa lồng ghép với công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Số lượng tàu thuyền bao gồm cả tàu đánh bắt thủy sản và tàu vận tải hoạt động trên biển của nước ta hiện nay rất lớn, trong khi đó, công tác khai thác ngư trường, quản lý tàu thuyền, bố trí sắp xếp tàu thuyền nơi neo đậu không được thực nghiêm túc, việc chấp hành các quy định về an toàn trên biển chưa tốt nên khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy gây khó khăn cho việc thông báo, hướng dẫn phòng tránh.

Bên cạnh đó, người dân chúng ta vẫn mang tư tưởng chủ quan dẫn đến thiệt hại đáng tiếc. Trong những nguyên nhân gây thiệt hại về người, số người thiệt mạng do bất cẩn vì thiếu kỹ năng, thiếu ý thức trong phòng chống lụt bão.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong năm 2011 sẽ có 10-12 cơn bão nhiệt đới trên biển Đông và sẽ có một nửa trong số ấy ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, đồng thời mưa lũ năm nay cũng diễn biến hết sức phức tạp. Lũ sẽ đến sớm hơn so với mọi năm.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lụt bão diễn ra vào ngày 31/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh “Diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường vì vậy các tỉnh, thành phố phải tập trung xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai bão lũ; kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai nhất là phương châm “4 tại chỗ” từ các hộ gia đình đến thôn, bản, phường, xã cụ thể, sát thực, đặc biệt phải chú trọng công tác diễn tập.

Tiếp tục tăng cường chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thi công để nhanh chóng đưa vào sử dụng một số đài trực canh cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng, sau đó xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các vùng có nguy cơ cao xảy ra sóng thần”.

Thiên tai và biến đổi khí hậu gây bao mất mát, đau thương cho con người không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại ấy cần sự phối hợp của cả cộng đồng. Hơn bao giờ hết là ngay từ bây giờ, mỗi người cần nâng cao sự hiểu biết, có thái độ tích cực, chủ động và sẵn sàng phòng tránh khi có cảnh báo để kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra.
 
Ái Kiều
 

.