Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

02:05, 23/05/2011
.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bảo hiểm xã hội VN tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH và BHYT ở cả hai loại hình bắt buộc, tự nguyện, đưa các chính sách bảo hiểm tới mọi người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các Bộ, Ngành xây dựng đề án mở rộng đối tượng tham gia BHXH và BHYT - Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các Bộ, Ngành xây dựng đề án mở rộng đối tượng tham gia BHXH và BHYT - Ảnh: Chinhphu.vn
Sáng 23/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về kết quả chính sách BHXH năm 2009 – 2010 và định hướng nhiệm vụ đến năm 2015.

Thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014

Báo cáo về tình hình thực hiện các chính sách bảo hiểm trong 2 năm 2009 – 2010, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Bạch Hồng cho biết, đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2009 có 8,84 triệu người tham gia, đến năm 2010 số người tham gia lên tới 9,47 triệu người (tăng 7,13% so với năm 2009).

Đối tượng tham gia BHXH không chỉ trong phạm vi bắt buộc mà còn mở rộng đến các đối tượng tự nguyện, tạo sự bình đẳng về BHXH đối với mọi đối tượng lao động ở các thành phần kinh tế.

Cùng với tăng số đối tượng tham gia, số thu BHXH tăng nhanh, năm 2009 thu được hơn 41 nghìn tỷ đồng, đến năm 2010 số tiền thu được lên hơn 54 nghìn tỷ đồng (tăng gần 34%).

Việc giải quyết chế độ chính sách thuận tiện cho người lao động, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đảm bảo đầy đủ, an toàn đến từng người được hưởng.

BHXH Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tăng thu, giảm nợ BHXH như phạt do chậm đóng; nêu tên các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ hàng quý báo cáo cấp uỷ và chính quyền địa phương tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn; thành lập Tổ thu nợ BHXH liên ngành ở cấp tỉnh, khởi kiện đơn vị nợ nhiều, thời gian kéo dài…

Về BHYT, số đối tượng BHYT tăng nhanh, chủ yếu tập trung ở các nhóm được nhà nước hỗ trợ như người nghèo, cựu chiến binh, đối tượng bảo trợ xã hội...

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, biểu hiện bằng các hình thức như lập hồ sơ bệnh án khống để thanh toán BHYT thống kê những chi phí không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BNYT…

Tổng Giám đốc Lê Bạch Hồng cho biết, nhiệm vụ trong tâm của BHXH Việt Nam đến năm 2015 là tăng cường thực hiện giải pháp để phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH, BHYT ở cả hai loại hình bắt buộc, tự nguyện, tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014 và BHXH cho mọi người lao động.

BHXH- bộ phận quan trọng của chính sách an sinh xã hội

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, thời gian qua, BHXH đã phát triển nhanh về số lượng, quỹ và mạng lưới tổ chức. Các chính sách dần được đưa vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần thấy rõ những tồn tại, trong đó vấn đề lớn nhất là khả năng mất cân đối quỹ do tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng thuộc diện bảo hiểm bắt buộc nhưng chưa tham gia; mức đóng của bảo hiểm tự nguyện nhất là BHYT cho người nghèo, hộ nghèo đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp trong khi đó giá các loại thuốc cao khiến người dân chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi.

Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH và BHYT ở cả hai loại hình bắt buộc, tự nguyện.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; quy chế, cách thức quản lý, nâng cao ý thức phục vụ của cán bộ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, chi phí khám chữa bệnh.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH, đảm bảo cân đối thu chi, chú trọng hơn nữa trong việc quản lý rủi ro. BHXH cũng cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ đọng như phối hợp cùng các đơn vị kiên quyết rút giấy phép hoạt động đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, mối quan hệ giữa BHXH và địa phương cần chặt chẽ hơn, cơ chế phối hợp phải được thảo luận cụ thể, cần thiết phải có công văn nhắc nhở các địa phương tăng cường công tác quản lý BHXH trên địa bàn.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan đánh giá lại việc thực hiện các thông tư, nghị định, nghị quyết về bảo hiểm để từ đó đề xuất sửa đổi các điều luật liên quan đến bảo hiểm theo hướng thiết thực, hợp lý hơn. Giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng đề án thực hiện mở rộng đối tượng tham gia BHXH đến năm 2015. Bộ Y tế xây dựng đề án phổ biến BHYT toàn dân.

Theo VGP

.