Già làng người Cor với kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy rừng

09:05, 06/05/2011
.

(QNg)- Tây Trà có độ che phủ của rừng gần 40%; ngoài diện tích rừng tự nhiên còn có rừng sản xuất để trồng keo, trồng lô ô… Với lớp thực bì khô rất nhiều, nên cứ đến mùa nắng nóng là chính quyền và nhân dân huyện Tây Trà lo tập trung việc phòng cháy, chữa cháy rừng (chính quyền thì tập trung xây dựng phương án phòng cháy, người dân được hướng dẫn tuyên truyền việc phòng chống cháy rừng).
 
Để cho công tác này có kết quả tốt, thì những kinh nghiệm của các già làng ở các thôn cần được phát huy. Vì họ đã gắn bó sinh tồn hàng chục năm ở rừng núi, nên việc phòng cháy, chữa cháy rừng được các cụ thực hiện rất hiệu quả.
 
Cán bộ kiểm lâm Tây Trà xử lý một vụ cháy rừng năm 2010.
Cán bộ kiểm lâm Tây Trà xử lý một vụ cháy rừng năm 2010.

Cách đây đúng một năm, trên địa phận xã Trà Quân (Tây Trà) xảy ra vụ cháy rừng lớn, làm thiệt hại gần 10 ha rừng sản xuất. Ngành kiểm lâm, lực lượng cơ động phòng cháy của huyện đã có mặt kịp thời cùng nhân dân khống chế điểm cháy. Thế nhưng việc khống chế dập tắt được điểm cháy này chính là do các già làng hướng dẫn cho người dân địa phương khống chế đám cháy, nhất là làm xong đường băng cản lửa.

Theo các già làng, lúc xảy ra cháy rừng phải xác định được thời điểm nào và hướng gió theo mùa, gió thổi về hướng nào, để có hướng khống chế. Trước hết phải tập trung  người dân, chia ra nhiều tốp (mỗi tốp khoảng 5 người) làm ngay đường băng cản lửa rộng trên 7m, cách điểm cháy khoảng 100m, làm theo hình vòng cung đón được hướng điểm cháy; cần huy động ngay lực lượng nhân dân và cần xác định đúng hướng cháy rừng, thì sẽ khống chế, kiểm soát được điểm cháy rừng. Vì lúc ngọn lửa đến gặp đường băng cản lửa sẽ khống chế không cho ngọn lửa lan sang khu vực rừng khác, với kinh nghiệm này mà nhiều vụ cháy rừng đã được khống chế ngay trên địa bàn huyện Tây Trà.

Ngoài chuyện làm đường băng cản lửa, thì các cụ già làng còn có kinh nghiệm trong việc đốt nương làm rẫy. Thời gian phát nương làm rẫy từ tháng 4 đến tháng 6, cũng là thời điểm nguy cơ cháy rừng cao nhất, nên việc phòng chống ngay tại điểm đốt rẫy cần được thực hiện.

Theo kinh nghiệm của bà con thì sau thời gian phát rẫy trên 10 ngày, sẽ đốt rẫy và phải làm vào đầu giờ chiều, vì lúc này thời gian rẫy cháy không qua thời gian tối để còn kiểm soát được ngọn lửa. Thường thì thời tiết ở miền núi mùa mưa giông xảy ra vào chiều tối, nên già làng dự đoán được những ngày xuất hiện mưa giông, để tiến hành đốt rẫy.
 
Việc đoán thời gian mưa giông để đốt rẫy tưởng chừng như đơn giản, nhưng là một quá trình vừa khống chế được cháy rừng, vừa để đất trồng trọt tốt hơn. Đồng thời khi đốt nương rẫy, bà con cũng phải tự phát đường băng cản lửa quanh đám rẫy, sẽ khống chế được ngọn lửa cháy lan qua khu vực khác, tránh tình trạng cháy rừng vì đốt nương rẫy xảy ra.

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng là việc làm lâu dài, cần sự chung tay đồng bộ của toàn xã hội và những kinh nghiệm thực tiễn của người dân được phát huy tốt, thì việc phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ có kết quả.

Bài, ảnh: Đình Long

.