Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ: Đánh thức tiềm năng biển, đảo

03:04, 17/04/2011
.

(QNg)- Duyên hải Nam Trung bộ trải dài khoảng 800 km, gồm 8 tỉnh, thành là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Do sự biến đổi của địa tầng, địa chất, địa hình phức tạp, đồi - núi - rừng - biển đan xen tạo nên nhiều kỳ quan, thắng cảnh hùng vĩ và những bãi tắm với biển xanh, cát trắng, nắng vàng thơ mộng,...

Là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận "sở hữu" nhiều bãi biển, vịnh đẹp nhất Việt Nam và phần lớn biển, đảo Nam Trung Bộ vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên. Dọc các tỉnh thành trong khu vực đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những bờ biển dài từ vài chục đến vài trăm ki lô mét với phong cảnh hữu tình, môi trường trong lành.
 
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm ở Lý Sơn thu hút rất nhiều du khách.    Ảnh: BS
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm ở Lý Sơn thu hút rất nhiều du khách. Ảnh: BS

Biển Nha Trang (Khánh Hòa) từ lâu đã nổi tiếng với các bãi tắm đẹp và khu nghỉ dưỡng cao cấp, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến. Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận đã bắt đầu phát huy lợi thế các bãi biển, vịnh, đảo đẹp của mình, lấy đó làm điểm tựa để hình thành các khu nghỉ dưỡng nhờ chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ phong phú với nhiều trò chơi hấp dẫn như lướt ván, lướt sóng, câu cá, lặn biển ngắm san hô… Duyên hải Nam Trung bộ còn có nhiều bãi biển, đầm, vịnh hoang sơ, dân dã như biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), biển Ninh Chữ, Cà Ná (Ninh Thuận), đầm Cù Mông, Ô Loan, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên). Ngay cả đất võ Bình Định cũng có bãi tắm Hoàng Hậu rất đặc biệt, nằm bên đồi Thi Nhân và mộ Hàn Mặc Tử tạo sự hòa quyện rất đặc trưng giữa không gian biển và không gian thi ca…

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng phải thừa nhận rằng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vẫn chưa khai thác hiệu quả và chưa thể biến du lịch thành cú hích trong phát triển kinh tế, chưa thực sự là một thương hiệu gây ấn tượng và tạo được niềm tin trong lòng du khách. Trên thực tế, mặc dù mỗi năm khu vực này thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, song thời gian lưu trú và mức chi tiêu vẫn còn thấp khi so sánh với các điểm du lịch khác trong khu vực. Nguyên nhân của tình trạng này là do các địa phương chưa tạo được sản phẩm chuyên biệt.

Đơn cử như tại Phú Yên có các danh thắng như gành Đá Đĩa, mũi Điện nhưng lại thiếu sản phẩm du lịch khác phục vụ du khách. Có thể thấy duyên hải Nam Trung Bộ còn chưa khai thác đúng mức tài nguyên đặc sắc về du lịch văn hóa với hàng loạt di chỉ khảo cổ học như Sa Huỳnh, Chămpa rải đều khắp vùng. Nhiều lễ hội độc đáo của các dân tộc chưa được khai thác hiệu quả. Sự thiếu liên kết giữa các địa phương và công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn rời rạc, chưa quy thành một mối... đã kìm hãm sự phát triển của du lịch miền Trung. Nhiều ý kiến cho rằng hạn chế lớn nhất của du lịch khu vực này là chưa phát huy đầy đủ những lợi thế nổi bật về tài nguyên du lịch, còn trùng lặp trong phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa bàn, các địa phương trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Sự trùng lắp về sản phẩm du lịch biển đảo hoàn toàn có thể xảy ra. Để tránh việc khai thác trùng lắp, mỗi địa phương phải tạo ra những đặc thù riêng, dựa trên các yếu tố khác biệt về cảnh quan, địa lý, văn hóa. Mỗi nơi chọn ra một cách phù hợp với mình. Chẳng hạn Nha Trang vừa làm nghỉ dưỡng vừa làm sự kiện; Bình Thuận vừa làm nghỉ dưỡng vừa làm thể thao; Đà Nẵng vừa làm nghỉ dưỡng, kết hợp các tuyến sinh thái lên núi Bà Nà, Sơn Trà… Nếu khai thác phù hợp và có quy hoạch sẽ biến cái bất lợi thành lợi thế".

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn để khai thác tiềm năng du lịch biển đảo có hiệu quả, các tỉnh trong khu vực cần tìm ra những sản phẩm đặc trưng, tăng cường sự liên kết trong kinh doanh du lịch. Sự phát triển du lịch của các tỉnh có tính độc lập, nhưng phải nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của khu vực.  Ngoài ra một giải pháp mang tính dài hơi là, cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trên nhiều mặt, có quy hoạch phát triển loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương để tránh sự chồng chéo.

Bà Đinh Thị Loan- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Du lịch cho biết: Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ với chủ đề "Du lịch biển đảo" vừa được khai mạc tại Phú Yên là sự kiện ghi nhận tiềm năng và thế mạnh du lịch của khu vực này. Quảng Ngãi là tỉnh đang trên đà phát triển toàn diện về công nghiệp, nhưng du lịch thì chưa thật sự khởi sắc do xuất phát điểm thấp, nên dù được thiên nhiên ưu đãi về mặt tiềm năng, nhưng đến nay du lịch của tỉnh vẫn chưa phát triển. Do vậy muốn du khách cả nước biết đến Quảng Ngãi nhiều hơn thì chúng ta cần phải liên kết vùng, nối tour từ các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó phải xác định các tỉnh có lợi thế gì và Quảng Ngãi có lợi thế gì, để xây dựng thành chuỗi độc lập và có tính bền vững lâu dài. Vấn đề quan trọng nữa là công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng bộ thống nhất của cả hệ thống chính trị tham gia vào lĩnh vực du lịch. Có như vậy chúng ta mới đánh thức du lịch của các tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của khu vực.

Tuy nhiên việc biến tiềm năng thành hiện thực cần có những hoạch định mang tính chiến lược lâu dài. Song trước hết đây là cơ hội quảng bá thế mạnh du lịch biển đảo, với quy mô quốc gia, cũng là cơ hội để các tỉnh trong vùng liên kết đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên nền du lịch biển, đảo; liên kết xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Thanh Thuận

.