Người dân làng chài Phước Thiện: Mỏi mòn chờ đất

04:02, 22/02/2011
.

(QNg)- Đã hơn ba tháng, kể từ ngày cơn lũ kinh hoàng ập đến làng chài Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), gây thiệt hại nặng về tài sản cho người dân nơi đây. Nhưng đến nay  chín hộ dân bị mất đất, sập nhà vẫn chưa được hỗ trợ đất để tái định cư. Nhiều gia đình phải sống trong những ngôi nhà rách nát, tạm bợ, hoặc thuê nhà để mưu sinh qua ngày. 
 
Chúng tôi đến Phước Thiện khi trời đột nhiên trở lạnh sau những ngày nắng ấm. Gió quất từng cơn buốt vào da thịt. Anh Nguyễn Ngọc Thu- trưởng thôn Phước Thiện, tình nguyện dẫn chúng tôi đi thăm từng nhà bị ảnh hưởng nặng nề do cơn lũ năm ngoái gây ra.
 
Ngôi nhà sát mép biển của gia đình anh Tiêu Viết Sang rung bần bật bởi từng cơn gió mạnh. Nhưng đây cũng chỉ là nhà mà anh Sang thuê của hàng xóm để sống tạm thôi. Còn nhớ trận lũ kinh hoàng ngày 14/11/2010 đã cuốn phăng nhà của anh Sang và biển thì "lấy" luôn cả đất. Thế là gia đình anh chị phải dắt díu nhau sống tạm bợ trong ngôi nhà này. Vậy mà mỗi tháng anh chị phải trả cho chủ nhà 150.000 đồng.
 
Hiện việc có đất để xây dựng nhà là mong mỏi của anh Sang.
Hiện việc có đất để xây dựng nhà là mong mỏi của anh Sang.

Anh Sang thở dài: "Gia đình mình có sáu người, phải chen chúc trong ngôi nhà chật chội như vầy, bất tiện quá. Tôi chỉ mong có đất để xây dựng lại ngôi nhà cho đàng hoàng. Nhưng chẳng biết đến bao giờ mới có nữa...". Có lẽ cái Tết vừa qua là cái Tết buồn nhất trong cuộc đời của gia đình anh Sang.

Nhắc đến Tết, vợ anh Sang buồn bã nói: "Gia đình chị năm rồi không có Tết. Nhà cửa không còn, tài sản chẳng có gì, lòng dạ nào mà lo Tết, hở em?. Hơn ba tháng nay gia đình anh Sang đã được Nhà nước, các cá nhân, tổ chức hảo tâm hỗ trợ tiền, gạo, hay những chiếc áo ấm. Biết số gạo cứu trợ không thể ăn được mãi, hai vợ chồng chị đã ngày ngày thả lưới ven biển, kiếm ít tiền để chạy bữa. Nhưng biển bây giờ cũng khó kiếm sống quá, nên cả nhà phải chi tiêu dè sẻn từng đồng.
 
Trải qua cơn lũ kinh hoàng, gia đình anh Sang xem như trắng tay. Nhìn bốn đứa con khổ cực, anh Sang không giấu nổi những giọt nước mắt xót xa. "Tiền thì bao nhiêu ăn cũng hết. Chỉ khi xây được căn nhà, có như vậy mới bắt đầu được cuộc sống thôi, em à. An cư lạc nghiệp mà, dù là mảnh đất nhỏ, ngôi nhà đơn sơ nhưng nó là của mình, thì mình sẽ yên tâm hơn khi đi biển xa nhà, lũ trẻ cũng có nơi đàng hoàng mà học hành".  anh Sang tâm sự. 

Cùng chung hoàn cảnh như anh Sang là gia đình chị Dương Thị Tin. Tất cả đều trôi ra biển theo dòng nước hung dữ ngày ấy. Nhưng khó khăn hơn là gia đình chị Tin có mẹ già đã gần 90 tuổi, lại bệnh tật triền miền. Chị Tin cho biết, căn nhà chị đang ở được thuê với giá 200.000 đồng/tháng. Nhưng ngôi nhà này ở gần biển quá, mưa gió đến chị cứ nơm nớp lo sợ. Nếu có chuyện gì xảy ra, mẹ già, con yếu dìu nhau chạy sao cho kịp. Trải lòng mình, chị Tin tâm sự: "Nói xui, lỡ mẹ chị không may mà "đi", thì không biết phải làm sao nữa. Điều chị Tin lo không phải là không có cơ sở vì mẹ chị già yếu, đau ốm suốt. Cơn lũ vừa qua bà gặp bạo bệnh, tưởng không qua khỏi, nhưng nhờ thuốc thang tích cực, nên bà đã vượt qua thời khắc "sinh- tử" ấy. 

Anh Nguyễn Ngọc Thu cho hay, thời gian qua các gia đình ở Phước Thiện bị thiệt hại do lũ gây ra đã được Nhà nước và các tổ chức, cá nhân tích cực quan tâm hỗ trợ vật chất. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều không có việc làm ổn định, nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phải sử dụng số tiền này. Do đó, đến khi có đất thì số tiền được hỗ trợ chắc cũng không đủ để xây nhà mới. Anh Thu còn cho biết thêm, nhiều tổ chức cũng có kế hoạch hỗ trợ mỗi gia đình vài chục triệu đồng để xây dựng nhà, sẽ trao khi bắt đầu xây dựng móng và lúc hoàn thiện ngôi nhà. Nhưng điều quan trọng là đến nay các cấp, ngành và địa phương vẫn chưa có câu trả lời về việc hỗ trợ đất tái định cư cho người dân. Và như thế, người dân Phước Thiện vẫn phải mòn mỏi chờ... đất.

Thiết nghĩ, những khó khăn của người dân Phước Thiện là rất lớn. Do đó các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần nhanh chóng có phương án hỗ trợ đất, cũng như vật chất cho người dân sớm xây dựng được nhà, để ổn định cuộc sống.
 
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.