Các địa phương: Nỗ lực dập dịch lở mồm long móng

09:02, 15/02/2011
.

(QNg)- Ngay sau khi dịch lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện tại một số địa phương ở Ba Tơ, Sơn Tịnh, Trà Bồng cuối năm 2010, đầu năm 2011, dịch bệnh đã lây lan, bùng phát trên đàn gia súc ở gần 20 xã của 5 huyện. Trước tình hình trên, các địa phương đã phối hợp với ngành thú y tỉnh tiến hành bao vây, dập dịch.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân dịch bệnh lây lan, bùng phát ở Ba Tơ, Sơn Tịnh, cũng như ở Đức Phổ, Trà Bồng là do tình hình thời tiết trước tết có nhiều bất lợi, người dân thả rông gia súc trên rừng, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc gia tăng. Thêm vào đó là việc phát hiện và khống chế dịch bệnh LMLM ở cơ sở chậm. Đặc biệt là cuối năm 2010, một số hộ dân ở huyện Sơn Tịnh được Trung tâm giống, cây trồng vật nuôi tỉnh hỗ trợ bò giống để nuôi.
 
Thả rông gia súc luôn là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch LMLM.
Thả rông gia súc luôn là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch LMLM.

Tuy nhiên trong số đó, có một số con nhiễm bệnh LMLM đã làm lây lan dịch bệnh ở xã Tịnh Hòa. Vì vậy, người dân xã Tịnh Thiện cho rằng, có thể dịch bệnh ở Tịnh Thiện bùng phát do bị lây lan từ Tịnh Hòa sang (bởi Tịnh Hòa và Tịnh Thiện giáp ranh nhau). Còn người dân xã Tịnh Ấn Tây thì cho rằng, dịch bệnh bùng phát có thể là do mầm bệnh từ các cơ sở kinh doanh, mua bán bò trên địa bàn xã lây lan sang?

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trước tình hình dịch bệnh bất thường xảy ra và có khả năng lây lan ra diện rộng, lãnh đạo các huyện: Sơn Tịnh, Trà Bồng, Đức Phổ, Ba Tơ và Minh Long đã báo cáo cơ quan chuyên môn ở tỉnh; chủ động phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh triển khai các phương án bao vây, dập dịch và phòng chống dịch bệnh như: Khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc, khử trùng môi trường; hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch; cách ly những con mắc bệnh chăm sóc điều trị; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả gia súc. Thành lập chốt kiểm dịch ở những vùng có dịch; cấm buôn bán, vận chuyển gia súc ra, vào vùng có dịch; tiêm phòng hàng ngàn liều vắc xin cho số gia súc trong diện tiêm phòng ở Sơn Tịnh, Ba Tơ, Minh Long, Đức Phổ, Trà Bồng và Minh Long..., không để dịch bệnh lan rộng.

 Nhờ kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã hiểu và tự nguyện để cán bộ thú y tiêm phòng; đồng thời thực hiện chữa trị theo hướng dẫn phòng dịch. Trong đó Chi cục Thú y tỉnh hỗ trợ Ba Tơ 7.000 liều vacxin đa tuýp, 320 lít hóa chất để phòng, chống dịch. Còn tại Trà Bồng, sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh đã hỗ trợ Trà Bồng 4.200 liều vác xin để tiêm phòng, 260 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng, lập chốt kiểm dịch động vật; vận động người dân đưa bò từ rừng về, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc... nên chỉ một thời gian, đàn bò ở 6/8 xã của huyện Ba Tơ, Minh Long đã dần khỏi bệnh và toàn tỉnh đã có 183 con gia súc khỏi bệnh.

Có thể nói, việc chính quyền và người dân phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y phòng, chống dịch bệnh kịp thời nên dịch bệnh đã dần được khống chế. Tuy nhiên mọi việc vẫn không thể chủ quan, lơ là mà phải tăng cường công tác tuyên truyền. Bởi vì ở nhiều nơi trong tỉnh, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn còn xảy ra nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Chính vì vậy, các Trạm thú y cần tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở các huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Bài, ảnh: HM

.