Tây Trà: Những ngày cuối năm

06:01, 22/01/2011
.

(QNg)- Trong sớm cuối năm, Tây Trà hiện ra với cảnh sắc khác. Trên các con đường trung tâm huyện lỵ là những trụ sở xây dựng kiên cố nằm tựa lưng vào núi, phía trước là cánh đồng bậc thang lúa lên xanh mượt. Xa xa trên các  triền đồi  là những xóm nhà tái định cư  trong màu ngói mới. 

Ông Hồ Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà phấn khởi cho biết: Năm 2010 giá trị sản xuất đạt hơn 38,7 tỷ đồng (tăng 30,3% so với năm 2009). Cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm 42,94%, công nghiệp xây dựng chiếm 54,14% và thương mại dịch vụ chiếm 2,92%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2,540 triệu đồng/năm; lương thực quy thóc bình quân đầu người 161,6kg/người/năm (tăng 21,5% so với năm 2009).
 
Trung tâm huyện Tây Trà hôm nay.
Trung tâm huyện Tây Trà hôm nay.

Những kết quả đạt nêu trên với một vùng đất còn nhiều gian khó là đáng ghi nhận. Nhớ lại khi triển khai nhiệm vụ (giai đoạn 2006 -2010),  lãnh đạo huyện Tây Trà xác định: Để cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc ở huyện nghèo nhất nước này, trước tiên phải thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ miền núi.

Trước hết là tận dụng các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn JBIC; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn ngân sách huyện; vốn mục tiêu giáo dục; Chương trình 30a... để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người nghèo, nhà công vụ cho giáo viên; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con biết cách làm ăn... Trên cơ sở này, cuối năm 2010, Tây Trà đã có hàng loạt công trình mọc lên. Riêng nguồn vốn xây dựng cơ bản hơn 64,5 tỷ đồng huyện đã xây dựng 31 công trình. Đi đôi với việc xây dựng cơ bản, huyện Tây Trà đã chú trọng chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cây con giống mới đến bà con.

Ông Vương Trung Xi - Cán bộ khuyến nông Tây Trà, cho biết: Đồng bào Cor Tây Trà hôm nay đa phần đã biết áp dụng lịch thời vụ gieo sạ lúa nước, biết tiếp thu kỹ thuật làm đất, bón phân, phun thuốc trừ sâu. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng, chứ không còn chăn nuôi thả rông như trước. Họ đã biết tận dụng đất đồi để trồng cây công nghiệp như quế, đót, chuối, làm của để dành nuôi con đến trường; tận dụng đất ruộng bên khe suối chân núi trồng lúa nước, đậu xanh, gieo mè... làm thức ăn hàng ngày. 

Trong những ngày cuối năm, trên đường lên Tây Trà chúng tôi gặp nhiều tư thương  từ miền xuôi chở hàng hóa lên bán dịp giáp Tết. Còn ngay ở khu vực trung tâm huyện lỵ có nhiều quán bán hàng và thu gom các mặt hàng nông thổ sản của đồng bào. Chị Hồ Thị Hạ - dân tộc Cor ở  thôn Trà Niêu (xã Trà Phong) cho biết: "Đã lâu rồi mình đi thu mua nông, lâm thổ sản của bà con, để chuyển về xuôi bán.

Cứ đến mùa vụ tháng 2 sau Tết Nguyên đán là thu mua đót, quế; đến tháng 6 -7 thì thu mua đậu xanh, lúa, mè... Ngày nào mình cũng chở về xuôi trên xe vận tải khoảng 2 tấn, có ngày đi đến 2 chuyến". Những chuyến nông lâm thổ sản được chuyển về xuôi chị Hạ lại mua hàng hóa, vật dụng trong nhà vận chuyển ngược đường lên trao đổi cho bà con. Trong những ngày cận Tết Tân Mão, tại khu vực trung tâm huyện lỵ có rất nhiều đồng bào Cor từ Trà Quân, Trà Xinh về sắm hàng tết. Họ vui cười nói với nhau sau khi mua áo mới, dép mới, lương thực để chuẩn bị cho những ngày Tết.

Khi cuộc sống ấm no bà con cũng chăm lo hơn cho trẻ em học tập. Đến nay tỷ lệ học sinh ra lớp ngày một tăng dần. Hầu hết các bản làng đều có lớp mẫu giáo. Toàn huyện có 1 trường mầm non và 9 trường mẫu giáo, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 97,5%, tỷ lệ học sinh 5 tuổi ra lớp đạt 98,3%. Có ý thức ra lớp từ tấm bé, nhiều con em đồng bào đã tiếp thu kiến thức nhanh, tiếp tục học lên cao và nay nhiều em đã trở thành cán bộ của huyện, của xã, của bản làng. Tuy những nỗ lực của Tây Trà trong sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh là đáng ghi nhận, nhưng toàn huyện hiện vẫn còn gần 81% hộ nghèo (trong tổng số 4.226 hộ dân toàn huyện theo tiêu chí cũ).

Trong năm 2011 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ II và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, huyện phấn  đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao so với năm 2010; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân đạt vốn bố trí trong năm; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh cho dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường thông qua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.           

                MAI HẠ

.