Chiếc "cần câu" hữu ích

02:01, 17/01/2011
.

(QNg)- Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ phụ nữ vay vốn. Đã có hàng chục nghìn phụ nữ trong tỉnh được hưởng lợi từ chương trình này. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội được ví như "chiếc cần câu cơm" giúp cho phụ nữ, nhất là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sớm ổn định cuộc sống. 

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập là hoạt động được Hội LHPN tỉnh xác định quan trọng hàng đầu. Hội đã tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau để giúp đỡ hội viên phụ nữ đầu tư phát triển sản xuất. Trong số đó nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh "chiếm" số lượng lớn nhất, có hiệu quả cao. Dư nợ của hội viên phụ nữ từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 584 tỷ đồng, với tổng số 46.821 hộ vay.
 
Chị Phạm Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen cho các  tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phụ nữ vay vốn.
Chị Phạm Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phụ nữ vay vốn.

Trong tổng dư nợ (chiếm 40% dư nợ cho vay các hội, đoàn thể của ngân hàng này). Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tổ chức tập huấn để phụ nữ sử dụng có hiệu quả nguốn vốn vay, đồng thời tập huấn nâng cao kiến thức cho chị em về các lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội… 

Chị em là những người có đời sống kinh tế khó khăn, như được tiếp thêm sức mạnh từ hoạt động thiết thực nói trên, từ đó vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đồng bằng, ven biển cho đến hải đảo xa xôi, nơi nào cũng có sự "góp mặt" Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tiếp sức nguồn cho hội viên phụ nữ. Và nơi nào phụ nữ cũng gặt hái được nguồn vui nhờ "chiếc cần câu cơm" hữu ích này.

Ở huyện đảo Lý Sơn, Hội LHPN huyện đã thành lập được 20 tổ vay vốn. Toàn huyện có 799 hộ phụ nữ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ hơn 19,7 tỷ đồng. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp hội phụ nữ và ngân hàng chính sách huyện, quy trình cho vay vốn triển khai thực hiện tốt. 100% hộ phụ nữ vay trả lãi, gốc đúng quy định và ngày càng có nhiều chị vay vốn làm ăn đạt hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Ở huyện Trà Bồng, phần lớn hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn. Thế nên nhu cầu vay vốn càng trở nên bức thiết. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách đã đến với phụ nữ nghèo ở tận các bản làng xa xôi. Hội Phụ nữ huyện Trà Bồng hiện quản lý nguồn vốn hơn 44,4 tỷ đồng, có hơn 2.800 hộ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mỹ (Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Long Hiệp, huyện Minh Long) cho biết: Toàn thôn có 50 chị vay vốn, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Các chị Nguyễn Thị Đào, Nguyễn Thị Hoa trước đây có đời sống rất khó khăn, nay đã vươn lên ổn định nhờ vay vốn. Các chị đều nuôi chồng bị bệnh nặng, khi chồng mất một mình phải nuôi đàn con nhỏ,  cuộc sống vô cùng khó khăn túng thiếu.

Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách thông qua hội phụ nữ, chị Đào sử dụng vốn vay mở cửa hàng tạp hóa ở chợ Minh Long, còn chị Hoa thì đầu tư trồng cây keo lai… Ở huyện Mộ Đức, tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Đức Nhuận được đánh giá là đơn vị quản lý và sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả hàng đầu.
 
Chị Bùi Thị Lệ Huyền (Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Đức Nhuận) chia sẻ: "Hội phụ nữ đã giúp chị em nghèo và cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay, để phát triển kinh tế gia đình. Có 111 chị được hỗ trợ vay vốn. Trong đó có 12 phụ nữ nghèo làm chủ hộ đã thoát được nghèo. Đến nay tổng nguồn vốn tổ đang quản lý 868 triệu đồng".

Bên cạnh việc trực tiếp sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, chị em còn thực hiện công tác tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Mỗi tháng bên cạnh việc trả tiền gốc theo quy định, các chị còn đóng tiền tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm này được sử dụng để giúp đỡ các chị chưa có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội... 
 
Chị Huỳnh Thị Tuyết Nga-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận định: "Hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng khác đã tác động tích cực đến việc tạo nguồn vốn giúp các hộ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Thông qua nguồn vốn ủy thác, các cấp hội phụ nữ có điều kiện làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, chăm lo bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, mang lại quyền lợi thiết thực cho phụ nữ nghèo cũng như thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia vào tổ chức Hội".

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

.