Nỗi lòng cư dân “ốc đảo”

02:11, 26/11/2010
.

(QNĐT)- Ông Lý Hồng Sơn-Chủ tịch UBND xã Tịnh An (Sơn Tịnh) thở dài, bảo: “Ở ốc đảo An Phú có đến hơn 1.500 người dân sinh sống. Cấm đò hoạt động thì bà con sinh sống thế nào được”. Không có cây cầu, đò ngang thì bị cấm hoạt động, hàng nghìn người dân ở An Phú coi như bị “chặt đứt” con đường sống...

“Ốc đảo” ven sông Trà

Người dân ở xã Tịnh An gọi xóm cù lao An Phú là “ốc đảo”. Gọi thế  vì cứ vào mùa mưa, hàng nghìn người dân ở đây bị cô lập giữa bốn bề sóng nước mênh mông. Gọi chung là “ốc đảo” An Phú chứ kỳ thực hơn 400 hộ dân với khoảng 1.500 nhân khẩu ở cái cù lao này là bao gồm cả cư dân của thôn An Phú và xóm Tân Lập (thôn Ngọc Thạch).

Ông Bùi Tỏa-Trưởng thôn An Phú, kể chuyện: “Nghe các cụ kể lại thì An Phú có cách đây hơn 300 năm. Bao đời nay bà con giữ đất, giữ làng mà sống. Thế nhưng cuộc sống khó khăn lắm, khó nhất là con đường đi lại…”.

Nước sông Trà Khúc cuồn cuộn chảy, lòng người nơi đây cũng rối bời vì mọi sinh hoạt của cuộc sống thường nhật phụ thuộc phần lớn vào việc giao thương với đất liền. Vào mùa nắng, người dân đóng góp tiền để làm cầu tre bắc qua sông phục vụ việc đi lại.

Mùa mưa đến, nước sông Trà dâng cao, cuốn cầu tre trôi ra đại dương. Cầu mất, người dân trưng dụng đò để qua sông. Những người thợ đãi sạn, đãi cát ở sông Trà vào mùa nắng trở thành chủ đò vào mùa mưa. Dẫu cho chủ đò không có bằng lái hay đò chưa được đăng kiểm, dẫu không có áo phao cứu sinh, người dân vẫn qua đò vì sự sinh tồn.
 
Người dân An Phú đi mua lương thực và các vật dụng thiết khi đò hoạt động trở lại sau nhiều ngày bị cô lập do mưa lũ.
Người dân An Phú đi mua lương thực và các vật dụng thiết khi đò hoạt động trở lại sau nhiều ngày bị cô lập do mưa lũ.

Chị Bùi Thị Xuân (ở xóm Tân Lập), bộc bạch: “Không qua đò, không vào đất liền mua lương thực thì biết lấy thứ gì để ăn. Ở đây không trồng lúa, chỉ có trồng rau màu. Mà trồng rau thì cũng phải mang vào đất liền bán mới kiếm được tiền mua những thứ khác, đằng nào thì cũng phải vào đất liền. Trẻ con đẻ ra chẳng lẽ không đi học, ngoài này trường lớp ở đâu, phải tìm con đường vào đó mà thôi. Không có cầu thì đi đò chứ biết làm thế nào được”.

Có được cây cầu kiên cố để thuận tiện cho việc đi lại là ước mơ từ bao đời nay của người dân An Phú. Ước mơ đó những tưởng trở thành hiện thực khi vào tháng Giêng năm 2010-vào dịp lễ khánh thành nhà tránh bão cộng đồng ở An Phú, bà con nghe các vị lãnh đạo ở Trung ương và ở tỉnh ta bàn nhau sẽ hỗ trợ xây dựng cầu tràn để thuận tiện cho người dân trong việc đi lại.

Nghe thế bà con An Phú mừng như thể bắt được vàng. Thế nhưng từ đó đến nay cái tin “làm cầu” ấy chẳng nghe cơ quan chức năng nhắc đi nhắc lại, người dân ở An Phú vừa mừng vừa lo, lo vì chẳng biết có được cấp trên hỗ trợ tiền để xây cầu?  

* Xin cho đò vi phạm được hoạt động

Mặc dù tỉnh đã có quy định cấm đò hoạt động khi không đủ các điều kiện như tàu chưa đăng ký đăng kiểm, chủ đò không có bằng lái..., thế nhưng trước nhu cầu bức thiết của hàng nghìn người dân ở An Phú buộc lòng chính quyền huyện Sơn Tịnh và xã Tịnh An phải cho bến đò An Phú hoạt động để phục vụ người dân trong việc đi lại.
 
Vì nhu cầu bức thiết của người dân nên chủ đò vẫn phải chở  người dân qua lại mặc dù biết là vi phạm quy định.
Vì nhu cầu bức thiết của người dân nên chủ đò vẫn phải chở người dân qua lại mặc dù biết là vi phạm quy định.

Ông Lý Hồng Sơn- Chủ tịch UBND xã Tịnh An, cho biết: “Cả tháng nay xã cử 2 công an viên trực thường xuyên ở hai bên bến đò để nhắc nhở chủ đò và người dân đi lại. Nhắc nhở chủ đò không chở quá số người quy định và người dân phải mặc áo phao khi qua đò... Tạm thời phải cho đò hoạt động đến khi nước rút chứ không còn cách nào khác”.

Đợt mưa lũ vừa rồi, vì “lệnh” cấm đò hoạt động mà người dân ở An Phú bị cô lập suốt gần chục ngày. Nước sông quá lớn, để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, buộc lòng công an viên xã Tịnh An phải canh giữ ngoài bến sông không cho đò hoạt động qua lại.

Không chuẩn bị trước lương thực, đò thì bị cấm hoạt động nên nhiều hộ dân ở An Phú lâm vào cảnh khốn đốn vì hết sạch lương thực. Các cửa hàng tạp hóa ở An Phú cũng bán sạch những gì có thể ăn được.

Ông Nguyễn Nhì (70 tuổi, ở thôn An Phú), buồn rầu nói: “Mấy ngày đó, ngay cả gói mì tôm mua cũng chẳng có. Ăn thì bữa đói bữa no... Mọi năm đò còn qua lại được nhưng năm nay chịu chết... Mong sao có cây cầu cho người dân An Phú bớt khổ”.

Trời hửng nắng, nước sông Trà cạn dần. Đò ở An Phú mặc dù vi phạm theo các quy định chung của tỉnh nhưng “được phép” hoạt động vì sự sinh tồn của hơn 1.500 người dân. Người dân qua lại đò để giao thương. Hơn 400 học sinh ở An Phú cũng đi đò để vào đất liền học chữ. Có công an viên kiểm tra nên khách đi đò mặc áo phao, thế nhưng chủ đò thì chẳng có bằng lái.

Bến đò An Phú có 2 chiếc đò thay phiên nhau chở khách, cả hai chủ đò này đều không có bằng lái. Một nghịch lý là người lái đò ở An Phú không có bằng lái trong khi nhiều cán bộ ở An Phú và ở xã Tịnh An-những người không hành nghề lái đò thì lại có bằng lái.

Cán bộ ở xã Tịnh An giải thích: “Những người lái đò thực sự thì họ ngại bản thân có trình độ thấp nên không chịu đi học thi bằng lái. Họ quanh năm sống bên sông nước nên cầm lái rất vững. Còn những người có bằng lái, học bằng lái giúp biết thêm chút kiến thức, chứ thực ra không dám cầm lái. Sắp đến, xã sẽ vận động các chủ đò này đi học bằng lái”.

Người dân An Phú vì cuộc sống nên không thể không vào đất liền. Thế nhưng đi lại như thế nào để đảm bảo an toàn tính mạng là điều mà người dân rất cần sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt của các cấp chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyễn Triều-Phương Lý

.