Người dân tái định cư để thi công hồ chứa nước Nước Trong gặp nhiều khó khăn khi về nơi ở mới

10:11, 26/11/2010
.

(QNg)- Hồ chứa nước Nước Trong là công trình trọng điểm của tỉnh. Đây là công trình thủy lợi kết hợp thuỷ điện lớn nhất ở Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư ban đầu là 1.982 tỉ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ), trong đó công trình đầu mối 1.250 tỉ đồng; di dân, đền bù và tái định cư 247 tỉ đồng; công trình hoàn thành sẽ bổ sung nguồn nước đảm bảo cung cấp cho trên 52.000ha đất nông nghiệp; bổ sung nước cho công trình Thạch Nham; giảm ngập lụt cho vùng hạ du.

Đến nay công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và có kế hoạch lấp dòng trong thời gian đến. Thế nhưng để nhường đất xây dựng công trình, nhiều gia đình ở tổ dân phố Nước Nia đã phải di dân tái định cư về nơi ở mới cạnh đồi Gu (cách nơi ở cũ hơn 1km theo đường chim bay). Về nơi ở mới người dân lại gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
 
Bố trí khu dân cư bậc thang, dễ gây nguy cơ sạt lở.
Bố trí khu dân cư bậc thang, dễ gây nguy cơ sạt lở.

 Để người dân có điều kiện sinh sống, Ban quản lý hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong đã tiến hành xây dựng nhà cho 65 hộ, đã xây dựng gần hoàn thiện 35 ngôi nhà, đồng thời, tiếp tục san  ủi mặt bằng để làm 30 ngôi nhà còn lại. Trong thời gian thi công từ tháng 4/2010, để tạo điều kiện cho con em mình đi học gần trường, đã có 17/65 hộ gia đình đến đây định cư, diện tích đất ở được cấp cho mỗi hộ hơn 100m2. Chính vì đất ở quá hẹp nên việc xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng gia súc liền kề nhau đã làm cho môi trường ở đây ô nhiễm.

Chị Đinh Thị Phương đưa gia đình về đây ở hơn 3 tháng, luôn nơm nớp lo âu, vì nhà của mình đang ở được xây ở lưng chừng đồi, mà trước mặt bờ ta luy đang bị xói trôi mỗi khi có mưa lớn, không có đất để trồng rau cải thiện cuộc sống, muốn ăn rau phải vào rừng tìm kiếm, còn không phải đi đến chợ Di Lăng, cách xa nơi ở hơn 5 km để mua. Chị Phương bức xúc nói: "Thực hiện chủ trương của Nhà nước xuống đây ở, nhưng cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi mưa lớn là chúng tôi sợ đất sập, muốn ăn rau cũng khó, vì không có đất trồng, mong Nhà nước xem lại vấn đề này".

Sau nhiều tháng thi công, nhà  ở của người dân vẫn chưa được hoàn thiện, nhiều ngôi nhà chưa có cửa để chống rét trong mùa mưa lũ, bà con đã lấy chiếu làm cửa để che chắn gió, nhiều ngôi nhà mưa thấm ướt cả nền. Một khó khăn nữa là, mặc dù đã có bể chứa nước sinh hoạt, nhưng không có nước cho bà con sử dụng, muốn lấy nước sinh hoạt các gia đình phải đi xa nơi ở hơn 300m. Do thiếu đất người dân phải làm nhà vệ sinh gần khu vực bếp ăn, nhà vệ sinh nổi không phải tự huỷ nên mùi hôi thối đến khó chịu, gia súc nhốt sát khu vực nhà ở tạo nên cảnh sình lầy, mất mỹ quan.

Công trình Hồ chứa nước Nước Trong đang dần hoàn thiện, đây là niềm vui lớn của cán bộ và nhân dân trong tỉnh nhất là cán bộ, nhân dân huyện Sơn Hà. Thế nhưng quyền lợi và chính sách đối với người dân đã nhường đất đai của mình để thi công công trình vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Ngô - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thị trấn Di Lăng mong nuốn: "Nhà nước sớm hoàn thành nhà ở cho người dân, giao đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống, sớm xây bờ ta luy để tránh sạt lở, quan tâm đến đời sống dân sinh như đường giao thông nội vùng, nước sinh hoạt cho dân".

Từ những yêu cầu của người dân tái định cư, rất mong Ban quản lý hợp phần Di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong sớm có kế hoạch hỗ trợ đời sống và có những đáp ứng cần thiết để người dân ổn định cuộc sống.

        Bài, ảnh: Đức Toàn

.