Những vấn đề đặt ra trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản

10:08, 06/08/2010
.

(QNg) - Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản ở tỉnh ta diễn ra khá ồ ạt, trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng cạn kiệt; tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông (liên quan hoạt động khai thác cát) gây ra ngày càng trầm trọng. Vì thế các cấp chính quyền, các ngành chức năng và địa phương cần siết chặt công tác quản lý khai thác nguồn tài nguyên này.

Khai thác cát: Lợi bất cập hại
Mới đây chúng tôi đã có cuộc khảo sát dọc sông Trà Khúc. Hiện ra trước mắt chúng tôi là trên nền đất cát khô cạn giữa sông có hàng loạt bãi khai thác cát dã chiến mọc lên. Tại bãi khai thác cát thuộc phường Lê Hồng Phong (thành phố Quảng Ngãi), ngay từ mờ sáng đã có hàng chục xe tải nối đuôi nhau tập trung chờ máy đào xúc cát đổ lên chở đi tiêu thụ. Còn tại một số bãi cát thuộc thôn Liên Hiệp, thị trấn Sơn Tịnh; thôn Phước Lộc, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) tình trạng này vẫn xảy ra rất phổ biến. Chưa nói việc thu lợi cho ngân sách Nhà nước bao nhiêu từ hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp trên sông Trà, mà trước mắt chỉ thấy trong vài năm gần đây sau mỗi mùa lũ, dọc con sông này lại có thêm nhiều vết lở mới. Có nơi bị "ngoạm" sâu vào bờ đến hàng chục mét, thậm chí có nơi đã làm kè bêtông, nhưng vẫn bị dòng chảy "xé" vào.  
 
Tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Trà sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và gây sạt lở bờ sông.
Tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Trà sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và gây sạt lở bờ sông.

Được biết UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 358/QĐ-UBND phê duyệt phương án chung đấu giá quyền khai thác cát lòng sông làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành lập quy hoạch, xác định các mỏ cát tại các địa phương thuộc diện đưa vào đấu giá quyền khai thác (vị trí, tọa độ, diện tích, độ sâu khai thác, trữ lượng mỏ…).

Việc phân cấp cho các huyện quản lý, cấp phép khai thác cát các mỏ có diện tích, quy mô trữ lượng nhỏ, đã góp phần làm điều hòa nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên có một đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác đến 4 mỏ cát trên sông Trà: Bãi cát Doi số 10-Trần Phú- Lê Hồng Phong- thành phố Quảng Ngãi (Quyết định 441/QĐ-UBND); bãi cát thôn Liên Hiệp I, thị trấn Sơn Tịnh (QĐ 518/QĐ-UBND) và hai bãi cát tại thôn Phước Lộc, xã Tịnh Sơn (QĐ 1276/QĐ-UBND, QĐ 1277/QĐ-UBND). Tổng diện tích khai thác các mỏ này là 88,6 ha.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Toàn Việt (đơn vị được cấp phép khai thác các mỏ nói trên) thì đến ngày 30/4/2010 đã khai thác tại các mỏ với khối lượng 366.329 m3, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1,6 tỷ đồng. Với 4 bãi cát lớn như vậy và chứng kiến việc khai thác cát tại các mỏ, mới thấy con số do đơn vị được cấp phép báo cáo liệu có mâu thuẫn với thực tế!

Với những nguồn tài nguyên khác...
Bên cạnh việc khai thác cát trên các sông, thì một số hoạt động khai thác khoáng sản cũng đã và đang diễn ra khá ồ ạt như khai thác đá, vàng sa khoáng, ti tan, cát nhiễm mặn…

Theo số liệu của Phòng Tài nguyên khoáng sản-Tài nguyên nước- Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường), trong 6 tháng đầu năm 2010, đơn vị đã kiểm tra, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản cho 13 đơn vị. Trong đó thẩm tra, đề nghị UBND tỉnh gia hạn giấy phép khai thác cát cho 3 đơn vị; gia hạn, cấp phép thăm dò, phê chuẩn báo cáo kết quả thăm dò, cấp phép khai thác đá cho 9 đơn vị, như: mỏ đá Bàng- Sơn Tịnh; Rừng Giang- Bình Thuận, Núi Bạch- Bình An (Bình Sơn); Thuận Hòa- Hành Thịnh (Nghĩa Hành); Núi Máng- Nghĩa Phương (Tư Nghĩa); thôn Huy Măng- Sơn Dung (Sơn Tây); thẩm tra, đề xuất UBND tỉnh cấp phép khai thác Vàng sa khoáng khu vực lòng hồ Nước Trong; mỏ sắt Núi Đồi (Đức Hòa- Mộ Đức).

Trên thực tế có nhiều mỏ khai thác khoáng sản sau khi được cấp "giấy thông hành" (giấy phép), đã được các doanh nghiệp khai thác một cách tận thu, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn gây mất an toàn đối với những hộ dân sống ở lân cận (khai thác đá làm vật liệu xây dựng). Ngoài ra còn có tình trạng doanh nghiệp lén khai thác khi chưa được cấp phép, hoặc trong thời gian chờ cấp phép.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2009 đơn vị đã thực hiện 2 cuộc thanh tra tại 6 địa điểm/6 tổ chức hoạt động khai thác đá; 4 cuộc thanh kiểm tra đột xuất theo đơn thư phản ánh và chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó có việc khai thác Titan tại Dung Quất; vàng sa khoáng tại Trà Phong (Tây Trà)… Qua thanh kiểm tra đã xử phạt hành chính 2 đơn vị, thu về ngân sách Nhà nước 16 triệu đồng (DNTN Sơn Cường, khai thác đất đồi trái phép ở Bình Hiệp-Bình Sơn và Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ Quảng Ngãi, khai thác đá tại Phổ Phong-Đức Phổ). Trước đó (năm 2008), Thanh tra Sở đã thanh tra hoạt động khai thác vàng sa khoáng tại Tây Trà và đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt 3 đơn vị: Công ty TNHH Quảng Định; Công ty TNHH Thành Long và DNTN Vương Thịnh, mỗi đơn vị 60 triệu đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2010, Thanh tra Sở đã thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản của 4 tổ chức, trong đó có Xí nghiệp xây lắp Scitechimex (được cấp phép khai thác đá tại mỏ đá Thượng Hòa- Bình Đông từ năm 2008). Đến thời điểm thanh tra (tháng 3/2010), đơn vị này vẫn chưa ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác, không báo cáo tình hình hoạt động cho cơ quan thẩm quyền quản lý. Đoàn thanh tra đã yêu cầu Xí nghiệp tạm dừng hoạt động; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực của giấy phép khai thác cấp cho đơn vị này.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản khá "thoáng" đã gây ra hệ lụy kéo theo là "chảy máu" khoáng sản. Về lâu dài để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, việc cấp thiết là phải có chính sách khai thác hợp lý và phương án bảo vệ môi trường ở những khu vực khai thác. Nếu tỉnh ta không có chiến lược quy hoạch khoáng sản cho tương lai thì sau này sẽ không còn tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

P.D

.