Công tác tuyên truyền chính sách dân tộc: Yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện chính sách

08:08, 03/08/2010
.

(QNg) - Những năm qua, Quảng Ngãi luôn được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố đạt nhiều kết quả trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Đạt được kết quả này một phần là nhờ tỉnh chú trọng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm được quy định, hỗ trợ cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo thống kê hiện nay Quảng Ngãi có khoảng 159.000 người đồng bào dân tộc thiểu số, sống tập trung ở 6 huyện miền núi của tỉnh. Trong đó người Hrê chiếm khoảng 113.000 người, còn lại là Cor, Ca Dong và dân tộc khác. Hiện tại, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số đã có cuộc sống ổn định, không du canh, du cư đốt nương làm rẫy như những năm trước đây. Kết quả này cũng là nhờ nhiều năm qua Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt có sự tác động tích cực từ khi triển khai thực hiện Chương trình 135 và Chương trình 30a về chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững tại 6 huyện miền núi của tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã đặt vấn đề đúng mức về tầm quan trọng, từ đó đề ra nhiệm vụ để thực hiện. Nhiều năm liên tiếp tỉnh ta đã đầu tư 50% nguồn lực về tài chính của tỉnh cho các huyện miền núi để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm. Nhờ vậy diện mạo nông thôn miền núi ngày một khởi sắc, hứa hẹn tương lai tương sáng.

Để thực hiện hiệu quả các chính sách này, các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị thông qua ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện từ Trung ương, tạo sự nhất quán trong thực thi. Đặc biệt các hội, đoàn thể của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt điểm khu dân cư, để tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới cho đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt. Từ đó đồng bào nhận thức được mục tiêu, vai trò của các chủ trương chính sách trong việc xóa đói, giảm nghèo. Khi đã nắm bắt thấu đáo, người dân tích cực phối hợp tham gia tại địa phương.

Tuy nhiên qua đợt kiểm tra thực tế về công tác thực hiện chính sách dân tộc tại Quảng Ngãi cũng đã xuất hiện những vấn đề mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng ngành chức năng phải giải quyết. Đó là việc một số người dân tộc thiểu số  chưa nắm thấu đáo mục tiêu, ý nghĩa của chính sách dân tộc, nên chưa chủ động, sáng tạo, tìm tòi trong việc sử dụng sức hỗ trợ để vượt lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, cấp phát của Nhà nước, chưa chịu khó lao động để phát triển, duy trì kết quả xóa nghèo. Mặc dù qua thực hiện các chính sách, chương trình cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết qua,û nhưng tỷ lệ giảm nghèo không đáng kể; số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo cao.

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 6 huyện miền núi là 43,13%, ước trong 6 tháng đầu năm 2010 giảm còn trên 40%. Đây là vấn đề được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu tỉnh rà soát, đánh giá, báo cáo cụ thể hơn, để có hướng chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc. Qua thực hiện Chương trình 135 giai đoạn I và giai đoạn II, Trung ương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc phát triển kinh tế tại 43 xã đặc biệt khó khăn, nhưng qua 5 năm thực hiện toàn tỉnh không có xã nào thoát khỏi... diện đặc biệt khó khăn!

Trong đợt kiểm tra thực tế công tác thực thi chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã đánh giá cao công tác tuyên truyền về các chính sách này. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, đây chính là yếu tố quyết định đến thành công của Quảng Ngãi trong thực thi chính sách dân tộc, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền chính sách thì nơi ấy chính sách mới đến được người dân. Người dân nắm được các chủ trương chính sách để chấp hành thực hiện tốt, đồng thời để giám sát cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết chính sách có đầy đủ, đúng quy định hay chưa.

  THANH NHỊ

.