Thực hiện tốt chính sách KHHGĐ: Để mọi người đều được quan tâm

02:07, 09/07/2010
.

(QNĐT) - Những năm qua, cả nước nói chung cũng như tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đã đạt được những thành tựu lớn trong việc kiểm soát thành công tốc độ gia tăng quy mô dân số, phong trào nhân dân tự nguyện thực hiện KHHGĐ ngày càng phát triển. Mô hình "Mỗi cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con" đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người và đang dần trở thành một chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Những con số đáng mừng

Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tính đến ngày 1 – 4 – 2009, dân số Việt Nam là 85,79 triệu người, trong đó dân số nam chiếm 49,5%. So với năm 1999, cơ cấu dân số có sự thay đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33% năm 1999 xuống còn 25 %, tỷ trọng dân số của nhóm chủ lực của lực lượng lao động tăng từ 58% năm 1999 lên 66%.

Tổng tỷ suất sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế, từ 2,33 con trên một phụ nữ vào năm 1999 xuống còn 2,03 con trên một phụ nữ vào năm 2009. Kết quả điều tra cũng cho thấy, sau 10 năm, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của dân số Việt  Nam đã đạt 72,8 tuổi, tăng 3,7 tuổi đối với nam giới và 5,5 tuổi đối  với nữ giới. Tỷ lệ biết chữ theo từng nhóm tuổi không những tăng khá nhanh mà còn xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, đến nay, tỷ lệ người 5 tuổi trở lên từng đi học là 94,9%.
 
Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu của nước ta trong 10 năm qua được cải thiện rõ rệt
Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu của nước ta trong 10 năm qua được cải thiện rõ rệt
Những điều này giúp giảm áp lực về tăng trưởng dân số đối với phát triển kinh tế xã hội, cũng như hệ thống an ninh chính trị và xã hội. Tổng tỷ suất sinh giảm cũng góp phần giúp cho toàn xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác một cách hiệu quả, thuận tiện hơn và cũng minh chứng sự thành công liên tục của chương trình KHHGĐ, chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu của nước ta và cho thấy tình hình giáo dục của nước ta được cải thiện rõ nét qua từng giai đoạn.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Ngoài những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên mật dộ dân số tăng từ 231 người/km2 năm 1999 lên 259 người/km2 năm 2010. Việt Nam là nước đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới, chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn còn ở mức thấp, các tố chất về tầm vóc, nhất là chiều cao, cân nặng và sức bền... thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Trong 10 năm qua, dân số đã tăng thêm 9,47 triệu người, bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 1,1 triệu người, bằng dân số của một tỉnh. Gia tăng dân số đã gây áp lực không nhỏ đến an sinh xã hội. Hiện nay, cứ 10.000 hộ thì vẫn còn 5 hộ chưa có nhà ở, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ này cao nhất, trong đó có Quảng Ngãi. Vẫn còn 4 triệu người chưa được đi học, chiếm 5% số người trong độ tuổi được đến trường, tỉ lệ người được  đào tạo chuyên môn kĩ thuật còn rất thấp. Tỉ lệ người được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế và sức khỏe sinh sản ở đồng bào các dân tộc ít người, nhóm các dân tộc thiểu số và các nhóm dân số dễ bị tổn thương khác vẫn còn hạn chế.

Nhằm gửi tới thông điệp về tác động của dân số tới mọi khía cạch của đời sống con người và sự phát triển kinh tế-xã hội, chủ đề của Ngày Dân số thế  giới năm nay (11/7) là "Mọi người đều được quan tâm" nhắc nhở các quốc gia trên thế giới quan tâm đến việc thu thập, phân tích và phổ biến số liệu về động thái dân số để có thể xây dựng và quản lý chính sách phù hợp cũng như giải  quyết các vấn đề dân số nảy sinh hiện tại và tương lai một cách tốt nhất.
Thực hiện tốt DS-KHHGĐ để chăm sóc và nuôi dạy trẻ em tốt hơn
Thực hiện tốt DS-KHHGĐ để chăm sóc và nuôi dạy trẻ em tốt hơn
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, Chính phủ kêu gọi người người, nhà nhà cùng ủng hộ chính sách KHHGĐ của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện KHHGĐ; các cán bộ, công chức hãy gương mẫu thực hiện chính sách này, đồng thời vận động gia đình và những người xung quanh cùng thực hiện; các bậc cao niên, già làng trưởng bản, các chức sắc tôn giáo tham gia vận động con cháu, giáo dân thực hiện tốt chính sách này.

Có được sự chung tay, góp sức của cộng đồng thì công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam sẽ thành công vững chắc, tạo thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ và hạnh phúc./.
 

Bài, ảnh: Ái Kiều

.