Sơn Hà: Có kinh phí chống hạn nhưng đành bó tay

04:07, 06/07/2010
.

(QNĐT) - 500 ha (chiếm trên 1/5) diện tích đã gieo sạ trên những cánh đồng ở huyện Sơn Hà đang bị khô hạn. Mặc dù, huyện đã nỗ lực tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, để dẫn nước về ruộng, nhưng nắng nóng kéo dài mực nước ở các ao hồ, đập dâng xuống rất thấp nên không “cứu” được những cánh đồng đang khô kiệt.
 
TIN LIÊN QUAN


Trên cánh đồng Chu xã Sơn Thành bà Đinh Thị Nót, dân tộc H’rê  đang làm cỏ lúa thở dài: Thời điểm này mọi năm là có mưa nguồn, nước từ các khe suối chảy ra đồng nên sau khi làm cỏ, bón phân, lúa lên rất nhanh. Còn năm nay khô hạn kéo dài, đồng khô cháy, lúa hiện giờ trong giai đoạn đẻ nhánh, nhưng thiếu nước nên èo uột. Nếu nắng kéo dài chắc phải bỏ khô thôi”.
 
Bà Đinh Thị Nót đang cố gắng chăm sóc lúa.
Bà Đinh Thị Nót đang cố gắng chăm sóc lúa.

Trên con mương nối từ đập bổi ra ruộng, ông Đinh Lê vét sâu mương chờ nước trời  mưa để dẫn vào ruộng, lắc đầu ngao ngán: “Chưa có năm nào  nắng nóng kéo dài như năm nay, cây trên đồi còn cháy lá thì dưới ruộng khô trắng đất thì lúa nào còn".

Nhìn quanh cánh đồng Chu lá lúa khô héo cuộn tròn. Mới hơn 10 giờ, trời nắng như nung, một lão nông lùa bò trên bìa ruộng ven rừng trở về, nghe nói chuyện cũng chen vào: “Đồng này ăn nước trời và nguồn nước nhỉ ra từ các hóc núi kia. Ngày xưa, màu xanh của cây phủ kín núi bao quanh ruộng đồng, còn mấy năm nay bà con phát rẫy trồng mì, trồng mía, trồng keo, núi trở thành đồi trọc thì nước nào còn”.

 Đúng là như thế. Khi trời mưa xuống, đồi trọc nước chạy tuôn đi hết không thấm được vào đất bao nhiêu, không giữ được độ ẩm, đến khi nắng kéo dài thì đồi khô, nước làm gì có mà tưới cho đồng ruộng.

Không chỉ có cánh đồng Chu, chúng tôi đi dọc những cánh đồng nằm dưới chân núi của xã Sơn Hạ, Sơn Thành vẫn thấy nhiều cánh đồng khô trắng nứt đất, lúa trở màu vàng cháy.

 Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sơn Hà, vụ hè thu năm nay toàn huyện có kế hoạch gieo sạ 2.700 ha lúa. Mặc dù theo quy định của ngành nông nghiệp đến 20/6 là kết thúc thời gian cấy sạ lúa hè thu nhưng, đến cuối tháng 6, nông dân huyện Sơn Hà mới gieo sạ được 2.500 ha, trong đó có 500 ha lúa đến giai đoạn cần chăm sóc nhưng thiếu nước trầm trọng. Còn 200 ha ở xa nguồn nước tưới nên chưa gieo sạ được, huyện đã có chủ trương khuyến cáo bà con chuyển sang cây trồng cạn. Nhưng không có mưa nên đất thiếu độ ẩm, muốn trồng cây trồng cạn cũng chẳng trồng được.
 
Nhiều cánh đồng huyện Sơn Hà vì thiếu nước tưới, nông dân phải chờ mưa xuống mới có thể trồng cây trồng cạn.
Nhiều cánh đồng huyện Sơn Hà vì thiếu nước tưới, nông dân phải chờ mưa xuống mới có thể trồng cây trồng cạn.

Ông Nguyễn Hữu Dương - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà cho hay: Theo dự báo của Ngành khí tượng thủy văn, năm nay nắng nóng kéo dài nên trước khi xuống giống vụ mùa hè thu, huyện đã tiến hành kiểm tra và vận động bà con nạo vét kênh mương dẫn nước ở 49 ao, hồ, đập dâng, đồng thời vận động người dân đắp đập bổi để lấy nước. Nhưng rồi nắng kéo dài nên mực nước hồ đập  đều xuống rất thấp, huyện đành phải khuyến cáo nông dân nếu vùng nào thiếu nước nghiêm trọng thì phải thực hiện tưới nước luân phiên, tưới ướt ráo.

Chủ trương như vậy, nhưng dưới cái nắng như đổ lửa hiện nay, mực nước ở các hồ đập xuống rất thấp nên những phương án đào ao, vét giếng mua máy bơm để tưới 500 ha lúa đang khô hạn là điều không thể thực hiện được. Nếu nắng kéo dài sẽ có hàng trăm ha nữa có khả năng thiếu nước tưới vì đập dâng, ao hồ tiếp tục cạn nước.

Cây lúa hiện nay đang trong giai đoạn làm cỏ bón phân dặm đều nếu không có nước tưới lúa sẽ bị "chững", ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thóc trong năm. Còn đối với bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc H’re ở huyện Sơn Hà cuộc sống vốn đã khó khăn, vụ mùa thất bát sẽ càng thêm khốn khó.

* Ông Nguyễn Hữu Dương - Trưởng Phòng NN&PTNT, cho biết: Phòng đã tạm ứng ngân sách của huyện hơn 100 triệu đồng để chống hạn, nhưng giờ cũng đành "bó tay" không thể giải ngân, bởi mực nước ở các công trình đập dâng, đập bổi, ao, hồ xuống rất thấp, nhiều công trình thủy lợi xuống đến mực nước chết nên không thể dùng máy bơm. Còn đầu tư máy giếng khoan như các huyện đồng bằng thì do đặc thù miền núi phía dưới tầng đất thịt của ruộng là đá bàn nên không thể triển khai.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

.