Cần khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng dân số biển, đảo và ven biển

09:07, 09/07/2010
.

(QNg) - Từ năm 2009, tỉnh ta tiến hành triển khai Đề án 52 về Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển. Đề án 52 đã từng bước cải thiện chất lượng dân số, giúp người dân có thêm nhiều cơ hội được quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Tuy nhiên việc triển khai Đề án hiện còn gặp nhiều khó khăn. 

Theo Chi cục dân số - KHHGĐ tỉnh, Đề án 52 được khiển khai tại 23 xã ven biển, 3 xã đảo, các KCN Quảng Phú, Tịnh Phong và KKT Dung Quất thuộc 7 huyện, thành phố của tỉnh ta. Mục tiêu của Đề án là kiểm soát dân số và nâng cao chất lượng dân số tại các địa phương. Theo đó, Đề án 52 sẽ giúp người dân vùng biển, đảo được chi hỗ trợ tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn trực tiếp và tư vấn tại nhà về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS, KHHGĐ; về kiểm tra sức khỏe, kiểm tra yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến việc mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn; về các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của bào thai do tác động của môi trường biển; về phòng, chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn…
 
Trẻ em nghèo xã Bình Châu (Bình Sơn) phải cật lực lao động, để mưu sinh trong dịp nghỉ hè.                                        Ảnh: P.DANH
Trẻ em nghèo xã Bình Châu (Bình Sơn) phải cật lực lao động, để mưu sinh trong dịp nghỉ hè.                                    Ảnh: P.DANH

Sau gần 1 năm triển khai, Đề án 52 đã góp phần nâng cao được chất lượng dân số tại nhiều xã biển, đảo và ven biển. Đến nay đã có 29 lượt xã/26 xã thực hiện truyền thông lưu động lồng ghép dịch vụ KHHGD; hơn 9.000 lượt phụ nữ đến khám phụ khoa; điều trị bệnh phụ khoa cho 4.860 trường hợp; thực hiện đặt vòng tránh thai cho gần 5.000 phụ nữ; thành lập được 32 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản; mua sắm 3 bộ trang thiết bị trang bị tại trung tâm DS-KHHGD huyện Lý Sơn và 2 xã An Hải, An Vĩnh...

Tuy nhiên hiện nay việc triển khai Đề án 52 gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Quang - Chi Cục phó Chi Cục Dân số - KHHGD tỉnh, cho biết: Đề án 52 được triển khai, cán bộ dân số sẽ tăng việc, nhưng đội ngũ những người làm công tác dân số vùng biển, đảo và ven biển ở tỉnh ta còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc thù chưa đầy đủ, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao hiệu quả các dịch vụ cho người dân. Đặc biệt các dụng cụ y tế, thuốc đặc trị cho những người lao động tại các khu công nghiệp, cảng cá và điểm có đông người lao động nhập cư còn thiếu. Ngoài ra, Đề án 52 là một đề án với những cách làm rất mới, do đó những người làm công tác dân số chỉ biết vừa làm vừa điều chỉnh. Giai đoạn 2009 - 2015, việc triển khai Đề án có tính chất thử nghiệm, để đến giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tiến hành nhân rộng tại tất cả các địa phương nằm trong Đề án 52 của tỉnh.

Một khó khăn nữa là, các cán bộ chuyên trách dân số xã, những người trực tiếp triển khai Đề án 52 đến từng người dân thì tăng việc, nhưng thu nhập lại không tăng. Do đó, khó đòi hỏi sự "nhiệt tình" của họ, khi mà lâu nay những người làm công tác dân số đã mang tiếng là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" rồi. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của Đề án. Chị Lê Thị Hồng Loan - cán bộ chuyên trách dân số xã Đức Lợi (Mộ Đức), cho biết: Việc Đề án 52 được triển khai tại xã đã tạo điều kiện cho việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về DS - KHHGĐ, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên công việc của chị cũng ngày một nhiều, nhưng chế độ cho cán bộ dân số như chị còn thấp (mỗi tháng chỉ  580 ngàn đồng). Đó là chưa kể xã Đức Lợi có 16 cộng tác viên dân số nhưng mỗi người cũng chỉ được hưởng trợ cấp... 50 ngàn đồng/tháng. Phải thấy rằng, những người làm công tác dân số ở khu vực ven biển gặp rất nhiều khó khăn như: Trình độ dân trí nơi đây thấp, tư tưởng sinh con trai vẫn còn nặng nề; người dân đi đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, nên công tác tuyên truyền vận động, cũng như cung cấp các dịch vụ khó thực hiện.

Được biết trong thời gian đến, cán bộ dân số tại các xã sẽ được tăng thu nhập lên gần 700.000 đồng (bằng 95% mức lương tối thiểu) và Chi Cục DS-KHHGD tỉnh đang kiến nghị UBND tỉnh tăng mức trợ cấp cho các cộng tác viên dân số. Thiết nghĩ, với vai trò quan trọng của mình trong việc triển khai thành công Đề án, những người làm công tác dân số các xã ven biển, đảo cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa về vật chất, cũng như các chế độ đào tạo về chuyên môn.              

                NGUYỄN TRIỀU

.