Báo động mất cân bằng giới tính ở Quảng Ngãi

10:07, 07/07/2010
.

(QNg) - 3 năm trở lại đây, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của tỉnh ta đã tăng đột biến... 6 tháng đầu năm 2010, theo điều tra thống kê của Chi cục Dân số tỉnh, cứ 100 bé gái sinh ra thì có đến 124 bé trai, cao hơn mức trung bình cả nước (khoảng 110/100). 

*Từ những số liệu đáng báo động…

Hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính (MCBGT) đã và đang xảy ra, đặc biệt là một số xã ven biển.Tình trạng "khát" con trai ở một số địa phương là những vấn đề nổi cộm đáng quan tâm. Nhiều gia đình thậm chí đã có 5-6 con trai, vẫn muốn sinh con tiếp để có nguồn lao động nghề biển. Chúng tôi đến 2 xã Nghĩa An, Nghĩa Phú  (Tư Nghĩa) vào dịp thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản đợt II. Cán bộ dân số ở đây khá vất vả, họ phải kịp thời "bám" các đối tượng nam giới sau những chuyến đi biển dài ngày trở về, để vận động họ  thực hiện chiến dịch.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng chênh lệch giới tính trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa của gia đình cho biết: Tỉ lệ MCBGT 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại. Năm 2007 tỉ số giới tính nam trên 100 nữ là 125/100; năm 2008 (124/100); năm 2009 (126/100). 6 tháng đầu năm 2010, tỷ lệ giới tính khi sinh cũng không khả quan hơn cứ 100 bé gái sinh ra thì có đến 124 bé trai ra đời, cao hơn mức trung bình cả nước (khoảng 110/100).
 
Từ 6 huyện trong tỉnh có tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (năm 2007), thì đến nay đã có 11 huyện có giới tính nam cao hơn nữ. Trong đó 3 huyện cao nhất là Lý Sơn (cứ 100 bé gái có đến 160 bé trai); kế đến là Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi.
 
Ở Lý Sơn tỉ lệ chênh lệch giới tính đang diễn ra cao nhất trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.
Ở Lý Sơn tỉ lệ chênh lệch giới tính đang diễn ra cao nhất trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.

Dự báo trong thời gian tới, sẽ có nguy cơ tăng hơn nếu chúng ta không có những giải pháp khống chế kịp thời"- ông Quang nói. Giải thích những nguyên nhân trên thì theo nhiều người làm công tác dân số cho biết. Theo điều tra, chủ yếu là nguyên nhân về văn hóa, phong tục tập quán. Quan niệm muốn có con trai để nối dõi tông đường - một tư tưởng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, mỗi gia đình và dòng họ của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung.
 
Ngày nay việc chẩn đoán giới tính thai nhi để can thiệp lựa chọn theo yêu cầu, đã tác động mạnh đến tình trạng mất cân bằng giới tính càng rõ rệt. Thêm vào đó tỉnh ta nằm trong vùng duyên hải miền Trung, kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp rất cần nguồn lao động chân tay, sức khỏe nam giới, các ngành nghề lao động chính luôn đòi hỏi lao động nam.

* Đến những giải pháp tháo gỡ…

Tình trạng mất cân bằng giới tính nếu cứ tiếp tục tăng, dẫn đến nhiều hệ lụy, sẽ thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai; thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình, dẫn đến một tỷ lệ nam giới trì hoãn việc xây dựng gia đình, khó khăn trong việc tìm vợ, đặc biệt là nam giới nghèo; cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể; gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục. Nhiều người vợ phải cố sinh con trai, do bị sức ép từ phía gia đình và người chồng hoặc phải nạo phá thai, vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe phụ nữ và sự phát triển bền vững kinh tế gia đình. 
 
Giải pháp đã và đang được đưa ra trước hết là, nghiêm cấm các hành vi xác định và lựa chọn giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính quy định tại Pháp lệnh Dân số; các Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính.

Trong tình hình hiện nay Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình đã lập kế hoạch để thực hiện đề án "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" ở 70 xã, phường, thị trấn tại 6 huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức. Kế hoạch được triển khai năm 2010, với mục tiêu từng bước khống chế tốc độ gia tăng MCBGT, tiến tới ổn định hạn chế tình trạng MCBGT giữa nam và nữ.
 
Bên cạnh đó Chi cục phối hợp với các cơ sở đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho cộng đồng, tuyên truyền cho các cặp vợ chồng sắp đăng ký kết hôn tại các xã phường hiểu biết tác hại của thực trạng trên; đồng thời tăng cường các lớp tập huấn phổ biến kiến thức đối với các cán bộ y tế, những người cung cấp dịch vụ tư vấn và kỹ thuật sinh con theo ý muốn, để họ hiểu rằng việc lựa chọn giới tính thai nhi là bất hợp pháp...

Với thực trạng MCBGT  hiện nay, đề nghị trong thời gian sắp tới, các cấp, ngành và các địa phương cần quan tâm hơn đến việc quản lý mức sinh, ổn định cân bằng giới tính, góp phần thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.               
   
          Bài, ảnh: KIM NGÂN

.