Ô nhiễm môi trường tại chợ Đá Hai: Cần tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân

08:06, 29/06/2010
.

(QNg) - Chợ Đá Hai thuộc thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) là nơi thông thương, buôn bán và vận chuyển hàng hóa của người dân giữa các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Lập (Tư Nghĩa); Hành Phước, Hành Đức (Nghĩa Hành) và một phần Đức Hiệp (Mộ Đức). Cùng với việc mở rộng quy mô buôn bán thì tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân.

Dù khu vực chợ chính được xây dựng khá khang trang, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì việc buôn bán vẫn diễn ra ngay tại lòng lề đường, những gian hàng nằm rất lộn xộn, cạnh khu vực giết mổ gia cầm là đủ loại các món ăn được trưng bày rất mất vệ sinh.

Phía sau chợ là một mảnh đất khá rộng "gồng" mình "gánh" vô số loại rác thải từ bao ni lông đến thực phẩm thừa, nước thải của những hộ bán cá và giết mổ gia cầm, thậm chí là xác động vật chết thỉnh thoảng cũng được vứt tại đây. Điều đáng nói là chợ không có người quản lý nên rác thải mạnh ai nấy vứt, cứ vài ba ngày, thậm chí vài tuần thì "nhờ" một người đốt, mùi khói cộng với mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.

Mùa nắng là vậy, vào mùa mưa thì rác không đốt được, hệ thống thoát nước thải cũng không có nên hầu hết các hộ kinh doanh buôn bán cũng như các hộ dân sống gần khu vực chợ phải hứng chịu vô số những mùi không tên bốc lên từ bãi rác, đồng thời đây cũng là nơi cư trú hấp dẫn của các loại côn trùng gây bệnh. Nhiều hộ dân còn phản ánh, những giếng nước xung quanh khu vực chợ có màu vàng đục, mùi tanh nên không sử dụng được mà phải đi gánh nước của những hộ ở xóm trên (gần thôn Hòa Vinh).

Chị Nguyễn Thị Họp - hộ dân gần đó cho biết: Khu vực chợ đã bị ô nhiễm lâu rồi, hầu hết những nhà  xung quanh chợ quanh năm phải hứng chịu những mùi hôi thối từ hố rác và nước thải của chợ, giếng nước cũng không sử dụng được, vào đầu mùa khô này thì hàng trăm giếng của bà con bị khô cạn nên vấn đề thiếu nước càng nghiêm trọng hơn.
Trong chợ là thế, còn phía sau chợ thì có những lò gạch lửa cháy quanh năm, khói bốc ra ngùn ngụt. Chị Phụ - một người buôn bán tại chợ cho biết: Khói của những lò gạch cộng với hàng trăm mùi hôi thối đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của những người sống quanh chợ như chúng tôi, nhưng hiện giờ chính quyền xã chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng.     

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Phước cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra tại chợ Đá Hai là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương. Xã đã nhiều lần cử người làm quản lý chợ nhưng những hộ buôn bán không đồng ý nộp phí chợ (mỗi phiên chợ nộp 500 - 1.000 đồng), mà cho rằng để họ tự nguyện dọn vệ sinh sau mỗi phiên chợ.

Nhưng cái "tự nguyện" của người dân cũng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đấy, rác mạnh ai nấy vứt vào bãi, trong khi người dân thì lại than phiền là chính quyền xã không quan tâm tìm người quản lý chợ? "Vì kinh phí xã có hạn nên đến tháng 12 Âm lịch - thời gian tập trung buôn bán mạnh nên xã có thuê xe xúc rác đổ tại hố rác trên núi, còn lại vẫn phải "trông chờ" vào ý thức của người dân" - ông Nghiệp cho biết.
 
Lều quán tạm bợ và mảnh đất phía sau chợ phải gồng mình “gánh” rác.
Lều quán tạm bợ và mảnh đất phía sau chợ phải gồng mình “gánh” rác.

Ông Nghiệp cho rằng, "thủ phạm" góp phần gây ô nhiễm tại khu vực chợ là những lò gạch nằm bên cạnh, mặc dù người dân bức xúc vì khói của những lò gạch này đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhưng khi xã thành lập đoàn kiểm tra và thu thập ý kiến của người dân (bỏ phiếu kín) để di dời lò gạch thì đa số người dân lại không đồng ý! Nguyên nhân "dở khóc dở cười" này là dù bị ảnh hưởng khói bụi nhưng những lò gạch này lại là "cần câu cơm" của hầu hết những gia đình xung quanh, bởi những lò gạch này đã tạo công ăn việc làm với thu nhập từ 70.000 - 100.000 đồng/người/ngày nên nếu di dời thì người dân lấy gì để sống?

Tuy nhiên ông Nghiệp khẳng định rằng, những lò gạch này đến cuối năm 2010 là hết hợp đồng thuê đất nên xã cương quyết di dời lên cụm lò gạch tập trung tại phía Nam núi Đình Cương, xã đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị di dời và nếu chủ lò gạch nào không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, đình chỉ sản xuất.

Như vậy, việc áp dụng các biện pháp để giải quyết nạn ô nhiễm môi trường tại chợ Đá Hai rõ ràng là chưa có tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân. Chính quyền xã thì đang "trông chờ" vào ý thức của người dân nhằm thay đổi thói quen tự nguyện bảo vệ môi trường của mình, người dân thì đòi hỏi chính quyền cần "mạnh tay" hơn trong việc đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước, lập lại trật tự chợ, vừa đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, vừa góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.      

             Bài, ảnh: MỸ HOA

.