Thời tiết khí hậu ở Quảng Ngãi trong những năm gần đây có nhiều biểu hiện bất thường

02:04, 10/04/2010
.

(QNg) - Theo thống kê từ 2005 - 2009, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vào biển đông nhiều hơn, hàng năm có từ 13-17 cơn (trung bình nhiều năm ) (TBNN: 12 cơn); Bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Quảng Ngãi cũng gia tăng, đặc biệt năm 2007: 5 cơn; năm 2008: 7 cơn; năm 2009 có 3 cơn; bão mạnh điển hình như bão sangne vào Đà Nẵng ngày 27/9/2006; bão số 9 (KÉT SA NA) vào Quảng Ngãi cuối tháng 9 đầu tháng 10/2009.

Lượng mưa hàng năm tăng khá lớn. Tính trung bình của 10 năm (từ 1998 - 2007) tăng từ 700 - 900mm so với 10 năm trước đó (1988 - 1997). Song hành cùng lượng mưa tăng thì lũ cũng xảy ra nhiều (5-7 trận/năm), gần gấp 2 lần so với TBNN; lũ lớn và lũ. Đặc biệt lớn xảy ra dày hơn, đặc biệt trên sông Trà Bồng từ năm 2005 đến nay có 3 lần xuất hiện lũ đặc biệt lớn, trong đó trận lũ do bão số 9 năm 2009 gây ra cao hơn lũ lịch sử năm 1999: 1.13m. Sạt lở núi năm nào cũng có và ngày càng nghiêm trọng.  Nhiệt độ trung bình 10 năm qua tăng từ 0.2-0.3 độ, nhiệt độ thấp nhất trung bình tăng 0.4-0.6 độ.

Năm 2009 mưa lũ sớm (đầu tháng 9); bão số 9 đổ bộ trực tiếp; bão số 11 ảnh hưởng trực tiếp và có 5 trận lũ từ xấp xỉ BĐ3 trở lên (trong đó có 2 trận mưa lũ đặc biệt lớn do bão số 9 và số 11 gây ra).

Một nghịch lý cần phải được quan tâm là lượng mưa tăng, lũ xuất hiện nhiều hàng năm, nhưng lượng dòng chảy trên các sông về mùa cạn luôn bị thiếu hụt: Trên sông Vệ thường chỉ ở mức từ 30-50% so với trung bình nhiều năm; hiện nay mực nước trên sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc, mới đầu mùa khô đã xuống thấp hơn mức kiệt lịch sử 0.2m và mực nước trung bình tháng thấp hơn 1m so với TBNN cùng thời kỳ.
 
Sự thiếu hụt này đồng nghĩa với việc môi trường tự nhiên đã bị phá vỡ, lớp phủ thực vật trên các lưu vực sông không còn đủ khả năng để làm nhiệm vụ điều hoà dòng chảy trong sông; đồng nghĩa với những nguy cơ cao về thiên tai lũ lụt bất ngờ, lũ quét, sạt lở núi, hạn hán và triều mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các hoạt động đời sống kinh tế của nhân dân, đặc biệt đối với cộng đồng vùng ven biển và vùng núi.

Quảng Ngãi đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, đã chịu nhiều tổn thương hàng năm do thiên tai bão lụt và dự báo tương lai còn khắc nghiệt hơn, nếu không có hành động tích cực. Để ứng phó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể thiết thực như: Có chương trình truyền thông để  nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, nhân dân hiểu về biến đổi khí hậu và tác hại để góp phần hạn chế và ứng phó; thực hiện chương trình, dự án chiến lược quốc gia về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh từ  năm 2008 - 2020 với nhiều đề tài khoa học đang được ứng dụng và nghiên cứu, các dự án tái tạo và trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển...
 
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phòng tránh, giảm thiểu và ứng phó với thảm hoạ do biến đổi khí hậu gây nên, thì việc làm của chính quyền và các tổ chức là cần thiết nhưng chưa đủ, mà còn cần rất nhiều sự chung sức của nhân dân bằng những việc làm cụ thể như: Bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, không xả nước thải bẩn ra các hồ ao sông suối, rác thải hàng ngày phải được thu gom để đưa về nơi xử lý, trồng và bảo vệ rừng nghiêm nghặt, không phá rừng làm nương rẫy hoặc không đồng phạm với kẻ xấu để phá rừng và khai thác tài nguyên nhiên nhiên bừa bãi vì lợi ích cá nhân bất chính... các hoạt động kinh tế, sản xuất phục vụ đời sống hàng ngày đều phải được chính quyền cho phép, pháp luật công nhận.

Thiên tai, bão lũ luôn là hiểm hoạ đối với người dân Quảng Ngãi.
Thiên tai, bão lũ luôn là hiểm hoạ đối với người dân Quảng Ngãi.
Biểu hiện của sự biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay đó là nhiệt độ tăng: Sự dâng cao mực nước biển do tan băng dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên  biển; sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự  nhiên. Từ đó gây ra nhiều  loại hình thiên tai nguy hiểm, hạn hán mưa lũ thất thường, đe doạ sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người. Trong 50 năm qua nhiệt độ trung bình tại VN đã tăng 0,7 độ C, mực nước biển dâng 20cm.
 
VN đã và đang chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt hạn hán đã diễn ra khốc liệt hơn trước. Gần đây Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng, VN sẽ là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì tình trạng biến đổi  khí hậu và mực nước biển dâng cao. Hiện nay vùng đồng bằng sông cửu long và TP.Hồ Chí Minh, nhiều khu vực đã bị ngập mặn, không chỉ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp mà còn có nguy cơ khiến hàng triệu người thiếu nước dùng.

Như vậy hành động để bảo vệ môi trường tự nhiên nơi sinh sống là góp sức cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, là bảo vệ chính mình.

Phạm Ngọc Hiển

.