Công tác VSATLĐ-PCCN ở Dung Quất: "Mỗi nhà một cảnh"

04:04, 21/04/2010
.

(QNĐT) - Hiện tại ở KKT Dung Quất hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp đã đi vào sản xuất. Thế nhưng, bên cạnh những đơn vị luôn đặt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động – phòng chống cháy nổ (VSATLĐ-PCCN) lên hàng đầu, thì cũng có lắm doanh nghiệp xem nhẹ vấn đề này.

* Mục kích Nhà máy Lọc dầu
Mới ngồi vào bàn làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành công tác VSATLĐ-PCCN của tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Phòng An toàn-Sức khoẻ-Môi trường & PCCC Công ty TNHH MTV lọc hoá dầu Bình Sơn Khương Lê Thành bảo: Các anh khỏi chê công tác an toàn lao động – PCCC ở đây. Nói đoạn, anh bảo Nghĩa, một nhân viên dưới quyền dẫn đoàn kiểm tra đi xuống các phân xưởng kiểm tra thực tế.

xc
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn chú trọng công tác VSATLĐ-PCCN. Ảnh M.Toàn (ảnh minh hoạ)
 
Trước khi xuống các phân xưởng sản xuất, cả đoàn được trang bị đồ bảo hộ gồm áo, mũ và giày. Nghĩa nói, "qui định an toàn là vậy, nếu không có đồ đó thì cả lãnh đạo cao cấp cũng không được bước chân vào". Và tôi cũng được tế nhị nhắc nhở: Không được mang máy ảnh vào phân xưởng, "nhà báo thì càng không được" - anh Tịnh, một cán bộ làm công tác an toàn nói cười cười, nhưng tôi biết là rất nghiêm túc. Thôi thì "nhập gia tuỳ tục" – dù tôi thấy tiếc thật.

Đến đội PCCC, Nghĩa giới thiệu cho chúng tôi các loại đồ chữa cháy để ngăn nắp, thuận lợi cho việc sử dụng và thuộc diện "xịn" nhất cả nước. Quan sát, tôi thấy có 3 chiếc xe đặc chủng chữa cháy, luôn sẵn sàng khi có sự cố xảy ra. Tìm hiểu, tôi còn biết đội PCCC này có hơn 100 người, chia ra trực 3 ca cả ngày lẫn đêm và tất cả đều "rành" công tác chữa cháy.

Đi xuống các phân xưởng, cả đoàn chúng tôi được giới thiệu là đường nội bộ ở đây, nếu ai thấy một cọng rác, tờ giấy nằm bên lề thì... phạt bao nhiêu cũng chịu.  Mà không có rác cũng phải, bởi ở đây có đội vệ sinh viên 35 người, đi dọn vệ sinh cả ngày. Trong khi đó, nếu ai vứt rác không đúng nơi qui định, đội an toàn bắt gặp thì coi như tiền thưởng tháng ấy "đi tong".

Không chỉ vậy, khi đến tất cả các kho, nhà chứa sản phẩm và các phân xưởng, đoàn kiểm tra như cố ý "bới lông tìm vết", nhưng quả là khó có "vết" nào lớn để "ra oai". Anh Trương Văn Hà – cán bộ của LĐLĐ tỉnh, thành viên đoàn kiểm tra bảo: Quá tốt, không thể chê được.

Vì thế, lý ra phải làm việc với Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn trong một ngày, thì đoàn kiểm tra đã rút ngắn lại còn hơn một buổi. Bởi khi về họp đoàn, kiểm tra cái gì đoàn cũng được Phòng An toàn-Sức khoẻ-Môi trường&PCCC của công ty cung cấp đầy đủ. Trong đó, đáng chú ý như: Công ty có hẳn phòng y tế, với 2 bác sỹ, 4 điều dưỡng, xe cứu thương; có 1.042 cán bộ, nhân viên được huấn luyện an toàn lao động hằng năm; 100% lao động ở đây được khám sức khỏe định kỳ, được bồi dưỡng giữa ca làm việc bằng hiện vật; gần 1.000 lao động được huấn luyện công tác PCCC và gần 1.000 máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về PCCC ở đây được kiểm định đầy đủ, đúng thủ tục, qui trình...

*Ầu sầu Quảng Liên...
Khác với Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn, khi đến Công ty Quảng Liên, KKT Dung Quất, chúng tôi chứng kiến một hình ảnh gần như trái ngược Trước tiên, khi đoàn kiểm tra đến nơi thì lãnh đạo công ty này "trợn mắt" với nhân viên, vì chưa nhận được thông báo kiểm tra của đoàn liên ngành về công tác VSATLĐ-PCCN.

Ổ cắm điện của công trình ký túc xá Công ty Quảng Liên được bắt vào các thanh sắt làm giàn giáo
Ổ cắm điện của công trình ký túc xá Công ty Quảng Liên được bắt vào các thanh sắt làm giàn giáo
 
Đi kiểm tra công trình xây dựng ký túc xá của cán bộ và nhân viên của Công ty Quảng Liên, cả đoàn kiểm tra mới thấy sự không an toàn lộ ra quá rõ ở đây. Ở một ổ cắm điện, chúng tôi bắt gặp nó được bắt vào các thanh sắt làm giàn giáo của công trình. Trong khi đó, các thanh sắt này được bắt đan xen với nhau, nên nếu lỡ xảy ra nhiễm điện là hàng chục người bị nguy hiểm.

Xe và búa đóng cọc bê tông chưa được kiểm định vẫn đưa ra công trường sử dụng
Xe và búa đóng cọc bê tông chưa được kiểm định vẫn đưa ra công trường sử dụng
Không những thế, giàn giáo ở đây bắt rất thủ công, không đúng theo quy định của một công trình lớn. Cây làm giàn giáo ở đây cũng quá hẹp, người lao động khi đứng lên rất dễ bị ngã. Trong khi đó, chỉ cần một cây làm giàn giáo bị gãy là cả giàn giáo sẽ đổ ập xuống và tính mạng của hàng chục công nhân lao động ở đây sẽ bị đe doạ.

Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trương Văn Nhân cho tôi biết, giàn giáo của công trình cỡ như thế này phải được thiết kế, sau đó mới đưa ra sử dụng. Thế nhưng ở đây, khi hỏi đến thì những người có trách nhiệm đều lắc đầu: Không có thiết kế.

Thấp thoáng trên các tầng cao, chúng tôi thấy công nhân đi trên giàn giáo nhưng không móc dây an toàn, đầu không được trang bị mũ bảo hiểm. Vì vậy có một số công nhân phải đội tạm mũ bảo hiểm xe môtô. Điều đáng nói là, những người công nhân ấy làm việc trước mắt của cán bộ kỹ thuật công trình, nhưng chẳng ai nhắc nhở họ.

Đó là chưa kể, các loại máy móc, thiết bị, xe nâng và búa đóng cọc bê tông... ở đây thuộc diện có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nay đã đưa ra sử dụng ngoài công trường. Vậy mà khi đoàn kiểm tra đến thì cán bộ kỹ thuật ở đây báo cáo là chưa được kiểm định của đơn vị chức năng.

Theo đoàn kiểm tra liên ngành, công tác ATVSLĐ-PCCN ở Công ty Quảng Liên hầu như "bỏ trống". Còn ông Trang Yung Tsai - Trưởng Phòng ATLĐ&PCCN của Công ty Quảng Liên cho biết: Đơn vị cũng rất coi trọng công tác an toàn lao động, nên đã thành lập đội ngũ làm công tác an toàn lao động; có quy định xử phạt tại công trường nếu phát hiện vi phạm.

Lật sổ theo dõi công trường, tôi thấy đội ngũ làm công tác an toàn ở đây ghi chép đầy đủ về giờ, ngày, tháng đơn vị thi công vi phạm công tác an toàn lao động. Thế nhưng khi hỏi là đã xử phạt bao nhiêu trường hợp rồi thì ông Tsai "gãi đầu": Làm vậy cho sợ thôi, chứ chưa phạt ai cả! Rồi ông Tsai bảo, ông đi làm việc nhiều nước, nhưng chưa có ở đâu "lạ" như ở đây, bởi các đơn vị thi công thường ít để ý đến công tác an toàn lao động, dù đơn vị chủ quản nhắc nhở. 

Công nhân xây dựng trên tầng cao nhưng không có dấy an toàn.
Công nhân xây dựng trên tầng cao nhưng không có dấy an toàn.
 
Nói thì nói vậy, nhưng nếu đơn vị chủ quản mà không cho đơn vị thi công vào làm việc nếu chưa đảm bảo công tác an toàn, thì đơn vị thi công có dám xem thường?

Bài, ảnh: MINH ÂN

.