Giải pháp cho vấn đề lương hưu thấp

03:11, 16/11/2009
.

Bắt đầu từ 2010, mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ tăng từ 5% lên 6%. Chủ sử dụng lao động cũng phải nộp tăng từ 15% lên 16%. Đến 2014 mức đóng bảo hiểm xã hội lại tiếp tục tăng theo lộ trình định trước. Với mức tăng như vậy, liệu những người lĩnh lương hưu cũng như nguy cơ thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội có được cải thiện, trong bối cảnh nguy cơ thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội luôn luôn tồn tại?
 
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nói:
 
 
- Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 152/2006/NDD-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật này, bắt đầu từ năm 2010, mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ tăng từ 5% lương như hiện nay lên 6%, chủ sử dụng sẽ phải đóng 16% lương của người lao động thay vì 15%.

Mức đóng này sẽ tiếp tục tăng thêm 1% tiền lương vào năm 2012 và năm 2014 người lao động sẽ đóng 8% lương và chủ sử dụng lao động sẽ đóng 18%. Số tiền đóng tăng thêm này được bổ sung vào quỹ hưu trí, tử tuất cho người lao động nhằm đảm bảo sự ổn định của quỹ này. Còn hai quỹ bảo hiểm mang tính ngắn hạn là ốm đau thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn giữ nguyên mức đóng.

Việc tăng mức đóng là cần thiết nhằm đảm bảo sự cân đối của quỹ hưu trí, tử tuất. Để quỹ này cân đối, lẽ ra cùng với mức đóng tăng như đã nói thì cần phải giảm mức hưởng xuống.

Hiện lương hưu được hưởng chiếm tới 75% mức lương đóng bảo hiểm xã hội như của ta là tỷ lệ cao nhất thế giới. Ở nhiều nước, tỷ lệ này chỉ khoảng từ 60% đến 70%. Tuy nhiên, chúng tôi không giảm lương hưu cho nên chắc chắn sẽ không có chuyện tăng mức hưởng.

Nhưng với tốc độ tăng giá cả như hiện nay thì mức lương hưu quả thật khó đủ đảm bảo đời sống cho người hưu trí, liệu có giải pháp nào không, thưa bà?

Tôi nghĩ mức lương hưu có thể đang thấp, không đảm bảo đủ đời sống, nhưng thực tế thì trong mấy năm trở lại đây, tỷ lệ tăng lương hưu quá nhanh.

Ví dụ đầu năm 2008 lương hưu tăng 20%, tới tháng 10/2008 lương hưu tăng tiếp 15%, tới tháng 5/2009 lại tăng tiếp 5% nữa. Nếu vẫn giữ mức tăng lương hưu thế này mà không có giải pháp tăng đóng, chắc chắn quỹ hưu trí sẽ nhanh chóng bị mất cân đối.

Để người lao động có được mức lương hưu đủ sống và gần với thu nhập thực tế của họ hơn, phải thay đổi chính sách tổng thể, trong đó có chính sách về tiền lương. Hiện tại các doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm cách "lách" để phần đóng ít đi. Như vậy không thể có chuyện đóng ít mà lại hưởng nhiều.

Các doanh nghiệp nhà nước đều tuân thủ các thang bảng lương của Nhà nước, vậy theo bà, chúng ta có thể thay đổi chính sách tổng thể như thế nào?

Hiện tại đóng bảo hiểm xã hội dựa trên lương cơ bản trong khi tổng thu nhập của người lao động lại cao hơn rất nhiều so với lương cơ bản. Lương cơ bản ghi trong hợp đồng lao động có khi chỉ cao hơn một chút so với lương tối thiểu. Như vậy sẽ không thể có chuyện hưởng lương hưu cao được.

Theo tôi, nên quy định mức lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất phải bằng bao nhiêu % tổng thu nhập từ công việc tại nơi đóng bảo hiểm của người lao động. Trong đó, tổng thu nhập phải được cộng cả những phần phụ cấp, ăn trưa, tiền làm thêm vào.

Trong khi chưa có thể thay đổi chính sách tổng thể như bà  nói nhưng vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội lại "không thể tăng mức hưởng" dù mức đóng tăng liệu có mâu thuẫn không?

Để giải quyết vấn đề lương hưu thấp chúng tôi đã nghĩ đến việc thành lập một quỹ hưu trí bổ sung. Quỹ này khác với bảo hiểm nhân thọ, khác với bảo hiểm xã hội tự nguyện, quỹ có thể bổ sung thêm thu nhập cho người về hưu.

Tuy nhiên, để thực hiện được cần nghiên cứu rất kỹ. Thực tế  việc tăng mức đóng trong khi mức hưởng không tăng chủ yếu để phục vụ cho mục tiêu kéo dài thời gian cân bằng của quỹ bảo hiểm xã hội, trong khi để cân bằng quỹ này cần nhiều giải pháp tổng thể nữa.

Nguy cơ quỹ  mất cân bằng đã được dự báo vào khoảng năm 2032 nếu vẫn giữ mức đóng, hưởng như hiện nay. Ngoài việc tăng mức đóng, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để tăng đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội. Xu hướng đảm bảo an sinh xã hội là phải tăng đối tượng bắt buộc đóng lên.

Tiếp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu tăng dần tuổi nghỉ hưu lên, nhưng phải có lộ trình và thời gian chuẩn bị. Để tăng tuổi nghỉ hưu không phải quy định tăng là được, bởi nó còn ảnh hưởng rất nhiều tới các chính sách việc làm.

Theo VnEconomy


.