Ở nơi căn cứ cách mạng Long Môn

03:05, 04/05/2009
.

Dưới chân núi Mum (nơi căn cứ cách mạng Long Môn) bây giờ là những ngôi nhà ngói mới.

Con đường mòn trong chiến tranh ngoằn ngoèo, lởm chởm đá trái, vắt ngang lưng chừng núi lên vùng căn cứ cách mạng Long Môn, bây giờ đã được cấp phối mở rộng, ô tô đến được tận nơi. Ở Trung tâm xã, đưa tầm mắt nhìn quanh các bản làng tôi thấy những ngôi nhà ngói mới, đường, trường, trạm đã được xây dựng trên đất này, điện thắp sáng đã kéo về đến tận các núi xa. Già làng Đinh Văn Lợi ở thôn Làng Trê, kể: Ngày xưa trong chiến tranh, nơi đây rừng núi âm u, đồng bào H’re sinh sống theo các triền núi, chăm lo sản xuất lương thực (lúa, mì) rồi có gạo góp gạo, có mì góp mì để nuôi bộ đội chủ lực đánh giặc. Ngày đó đâu biết khoa học kỹ thuật như bây giờ, nên mùa được thì có gạo nấu, mùa mất thì lên rừng đào củ mài về ăn lót dạ. Trong chiến tranh đâu được bình yên, năm thuận trời, lúa lên xanh đồng, xanh cả đồi nương, nhưng có mấy khi đồng còn nguyên vẹn - bởi máy bay thả bom làm nát cả đồng ruộng. Những lúc vậy bà con càng khao khát đất nước hòa bình, nên quyết tâm cùng với bộ đội chiến đấu giữ đất, giữ làng.

 

Giờ hòa bình lập lại, các già làng thường hay kể những câu chuyện thời chiến để con cháu thấy được giá trị hòa bình  hôm nay mà ra sức làm ăn. Từ trong nội lực người dân xã Long Môn đã ý thức khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi, trồng rừng. Trạm khuyến nông huyện phối hợp với các địa phương triển khai các mô hình nuôi trồng, cây, con giống mới phát triển sản xuất. Đến nay trong xã đã có 186 ha diện tích gieo trồng cây lương thực, trong đó có 95 ha diện tích gieo trồng lúa nước, năng suất bình quân đạt 30tạ/ha, góp phần tăng sản lượng lương thực lên 295 tấn.

 

Do đặc thù là vùng cao, núi đồi nhiều, ruộng ít, nên để tận dụng lợi thế của miền rừng, những triền núi đồng bào trồng bắp, khoai lang. Nơi sỏi đá, sườn đồi bà con đã trồng keo. Bên cạnh trồng trọt, người dân Long Môn cũng đã biết chăn nuôi gia súc, chú trọng phát triển đàn trâu, bò (với tổng số 635 con trâu) được nuôi nhốt chuồng. Bà con đã biết phơi rơm rạ để làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa mưa.

 

Già làng Đinh Văn Hút, ở thôn Làng Ren nói trong niềm vui: Cái ăn của con cháu giờ đã no đủ, bởi tập quán sản xuất lạc hậu đã được xóa bỏ. Thế hệ chúng tôi vui mừng cho sự phát triển kinh tế của thế hệ sau. Tuy vậy để khỏi tụt hậu với thời đại, các già làng đã khuyên bảo các con cháu ngoài việc làm ruộng, nương còn cố gắng chăm ngoan học hành. Mai này có làm ruộng, làm nương, rẫy cũng phải biết chữ mà áp dụng kỹ thuật, để chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Có chữ, mới nhanh tiếp thu, linh hoạt trong suy nghĩ, trong cách làm.

 

Sự tác động của các già làng - (những người từ trong chiến tranh ra, nhận thấy rõ sự đổi thay của quê hương cũng nhờ dựa trên con chữ) đã giúp thế hệ trẻ ở xã Long Môn ý thức vượt qua bao khó khăn, để học tập tốt. Ở vùng căn cứ cách mạng Làng Ren - nơi cách xa trung tâm xã đến 8km đường đèo núi, nhưng lại là nơi có số lượng học sinh đến trường khá đông. Cứ mỗi mùa khai giảng cha mẹ các em mang theo cho các con nào là gạo, nước mắm, muối, xoong nồi. Còn các em cõng trên vai mình cả ước mơ học tập, để mai sau có cuộc sống khá hơn cha mẹ. 

 

Bí thư Đảng ủy xã Long Môn Đinh Xuân Trường, cho biết: Nhờ cố gắng học hành mà đội ngũ cán bộ ở xã đã được trẻ hóa. Nhiều chương trình khuyến nông, khuyến lâm đã được triển khai nhanh chóng đến các địa phương, giúp bà con mau tiếp thu và áp dụng vào sản xuất.

 

Sự nỗ lực của người dân trong vùng nay đã trông thấy, nhưng với một xã đặc biệt khó khăn (nơi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển) mà lại là nơi chịu nhiều hậu quả trong chiến tranh, thì làm sao không tránh khỏi sự lạc hậu so với các vùng miền? Những năm qua mặc dù Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, đường, trường, trạm để phục vụ dân sinh, nhưng trên các bản làng xa ở Long Môn, bà con cũng còn chịu nhiều thiệt thòi, như: ở Làng Mum và Làng Xen có 73 hộ chưa có điện thắp sáng. Nhiều nơi chưa có công trình nước sinh hoạt, dân trong vùng phải dùng nước sông, suối. Toàn xã có 4 thôn thì hiện nay thôn Cà Xen và Làng Ren có điều kiện hết sức khó khăn; ruộng lúa nước ít, dân cư thưa thớt, xóm này cách xóm khác phải băng qua đồi núi bằng con đường mòn... Vì điều kiện khó khăn, nên đến nay tổng mức bình quân lương thực toàn xã chỉ đạt 248kg/người/năm (con số thấp hơn nhiều so với một số nơi khác, mặc dù dân trong vùng đã ý thức làm ăn không trông chờ ỷ lại Nhà  nước).

 

Long Môn hôm nay rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước đầu tư những công trình phục vụ dân sinh, để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế địa phương. Làm được điều này cũng là cách để tri ân với những con người, những vùng  căn cứ cách mạng của quê hương.            

Bài, ảnh: MAI HẠ


.