Những vấn đề đặt ra trong cho vay hỗ trợ lãi suất

05:05, 11/05/2009
.

Đoàn khảo sát của Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh (khoá X) làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT Quảng Ngãi.

Đoàn khảo sát của Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh (khoá X) làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT Quảng Ngãi. 

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nước ta, làm cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu suy giảm, thậm chí có lĩnh vực đình trệ; đời sống của người dân, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Trước tình hình đó, Chính phủ đã tập trung điều hành, chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.


Giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; chính sách tiền tệ linh hoạt... đã và đang có những tác dụng tích cực đến nền kinh tế và đời sống của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

 Để góp phần thực hiện tốt các nhóm giải pháp trên, ngày 23/01/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg về "Hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh". Theo đó, hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn Quảng Ngãi đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình cho vay HTLS cần được Trung ương và tỉnh tháo gỡ, giải quyết.

 

Ông Phạm Duy Hùng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, tổng dư nợ cho vay  HTLS của đơn vị này tính đến 20/4/2009 là 479 tỷ đồng, chiếm trên 19% tổng dư nợ của Chi nhánh. Có 9.496 khách hàng vay được HTLS. Trong số này chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị tiếp nhận khách hàng đến giao dịch vay HTLS nhiều nhất trong tất cả chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn.

 

Theo ông Phạm Duy Hùng, chủ trương cho vay HTLS phù hợp với nguyện vọng của khách hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí sản xuất, an tâm phát triển mới và mở rộng sản xuất - kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lao động trong tỉnh. Ngành ngân hàng tăng trưởng khối lượng tín dụng đáng kể và mở rộng, phát triển dịch vụ mới. Tuy nhiên, trong quá trình cho vay vì lượng khách hàng đông, hồ sơ xin vay HTLS nhiều, nên áp lực công việc đối với cán bộ, nhân viên ngân hàng tăng lên rất lớn. Ở vùng nông thôn, việc giao dịch, mua bán thường không có hoá đơn tài chính, nên dù đúng đối tượng, nhưng ngân hàng không thể cho vay HTLS vì thủ tục không đảm bảo. Bên cạnh đó việc cho vay HTLS, làm cho chi phí của ngân hàng tăng lên, doanh thu lại giảm xuống, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của toàn chi nhánh. Trung ương và tỉnh cần có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời các chi nhánh ngân hàng và đơn vị, cá nhân có những đóng góp tích cực trong thực hiện Quyết định 131 của Chính phủ...

 

Vietcombank Quảng Ngãi là một trong những chi nhánh tiên phong trong cho vay HTLS. Thực hiện Quyết định 131, Vietcombank Quảng Ngãi đã sớm tổ chức hội nghị triển khai  đến 250 khách hàng; đồng thời tập huấn, quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị về cho vay HTLS.

 

Theo bà Phạm Thị Thuý Kiều - Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi, từ ngày 1/2/2009 đến 23/4/2009, tổng dư nợ cho vay HTLS của đơn vị đạt khoảng 526 tỷ đồng, với trên 100 khách hàng vay. Đây là ngân hàng có dư nợ cho vay HTLS cao nhất trong tổng số 11 ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn Quảng Ngãi (tính đến thời điểm này). Với kết quả đó, dự kiến đến 31/12/2009, dư nợ cho vay HTLS của Vietcombank Quảng Ngãi sẽ lên đến 2.685 tỷ đồng. Khó khăn đối với Vietcombank Quảng Ngãi trong quá trình triển khai gói kích cầu cho vay HTLS của Chính phủ là làm tăng nhu cầu vay vốn VND của khách hàng, gây áp lực về nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại; tăng chi phí vốn huy động trong khi lãi suất cho vay không thể tăng thêm (do Ngân hàng Nhà nước quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản); hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng chi phí hoạt động, chi phí nguồn vốn và chi phí phát sinh do bị chậm hoàn và hoàn không đủ tiền ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng... Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước sớm thanh toán và nên hoàn đủ khoản tiền mà các ngân hàng thương mại HTLS cho khách hàng; làm rõ về đối tượng được vay HTLS; hướng dẫn cụ thể hơn trường hợp cho vay để mua hàng hoá được thanh toán theo phương thức chậm trả...

 

Về việc triển khai, thực hiện Quyết định 131 tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Ngãi (BIDV), ông Nguyễn Bách Thọ - Phó Giám đốc BIDV đưa ra các thông tin: Qua 3 tháng triển khai, Chi nhánh đã giải quyết cho vay trên 700 bộ hồ sơ của 165 khách hàng, với giá trị 377 tỷ đồng. Tính đến 20/4/2009, dư nợ của các tổ chức, cá nhân được HTLS đạt gần 335 tỷ, chiếm 25% tổng dư nợ tại BIDV Quảng Ngãi; số lãi tiền vay hỗ trợ cho khách hàng 3, 442 tỷ đồng. Điều đáng nói là, hồ sơ tồn đọng trong cho vay HTLS tại BIDV không đáng kể. Ông Nguyễn Bách Thọ đề nghị tỉnh nên kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu có nợ vay ngân hàng, mà đối tượng vay vốn là nguyên vật liệu tồn kho trước ngày 1/2/2009 chưa tiêu thụ được, do mất thị trường. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách và kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và thị trường tiêu thụ, giúp các doanh nghiệp ổn định và duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

 

Đối với Chi nhánh Ngân hàng Công thương Quảng Ngãi, đến 20/4/2009 đã giải quyết cho vay 342 bộ hồ sơ với tổng số tiền 324 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2009 đơn vị này sẽ giải ngân theo chương trình HTLS 1.000 tỷ đồng. Ông Lê Hồng Tiêu - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương cho biết: Đơn vị đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vay HTLS của Chính phủ. Ông Lê Hồng Tiêu kiến nghị: Cần sớm thanh toán khoản lãi HTLS cho ngân hàng; việc triển khai cho vay trung hạn, dài hạn rất cần được bảo lãnh; các ngân hàng thương mại Nhà nước luôn đóng vai trò chủ lực trong thực hiện chính sách kích cầu của Chính phủ, vì vậy cần có cơ chế, chính sách phù hợp và động viên kịp thời...

 

Là một trong những ngân hàng hoạt động tại Khu Kinh tế Dung Quất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Dung Quất (Vietcombank Dung Quất) đã nhanh chóng vào cuộc triển khai thực hiện gói kích cầu của Chính phủ. Ông Nguyễn Thích - Giám đốc Vietcombank Dung Quất cho rằng: Chương trình HTLS là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đồng thời cũng là một cơ hội để các ngân hàng mở rộng tín dụng. Vì vậy đơn vị đã khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định 131 bằng những công việc cụ thể, thiết thực đối với khách hàng là doanh nghiệp, là cá nhân đang có dư nợ tại chi nhánh, là khách hàng đến chi nhánh giao dịch trực tiếp như: Gửi công văn và những quyết định, quy định liên quan; cử cán bộ trực tiếp quản lý khách hàng, thông tin về nội dung cho vay HTLS, để khách hàng nắm và có kế hoạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình... Qua 3 tháng cho vay HTLS, Vietcombank Dung Quất đã giải quyết 248 bộ hồ sơ HTLS của 41 khách hàng vay, với dư nợ trên 110 tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng dư nợ của đơn vị. Ông Nguyễn Thích kiến nghị: Cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp xác định vốn tự có khi khách hàng vay được cầm cố hoặc bảo lãnh bằng giấy tờ có giá; trả lời rõ hơn những khoản quá hạn kéo theo có được cho vay HTLS hay không?...

 

Trong quá trình khảo sát tình hình triển khai thực hiện HTLS theo Quyết định số 131/QĐ-TTg tại các chi nhánh ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khóa X, ghi nhận tính chủ động, tích cực của các ngân hàng trong việc thực hiện quyết định trên. Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: Việc chấp hành và nghiêm túc thực hiện Quyết định 131 và Quyết định 443 thể hiện rõ trách nhiệm chính trị rất cao của các ngân hàng thương mại Nhà nước hoạt động trên địa bàn Quảng Ngãi trước chủ trương kích cầu của Chính phủ.

 

Quá trình thực hiện các quyết định đó, ngân hàng gặp một số khó khăn nhất định, nhưng cũng có những thuận lợi cơ bản như: Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương; khách hàng minh bạch hơn về tài chính và tự tìm đến với ngân hàng; là cơ hội để ngân hàng mở rộng, phát triển các loại hình dịch vụ tín dụng và tập hợp, phát huy nội lực, trí lực của cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị... Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng tiếp tục khắc phục khó khăn, khai thác những thuận lợi để thực hiện tốt hơn nữa những giải pháp kích cầu của Chính phủ; hạn chế đến mức thấp thất những rủi ro trong hoạt động và không để xảy ra tiêu cực xảy ra trong quá trình cho vay HTLS; đồng thời, quan tâm tuyên truyền sâu rộng chủ trương này...

THANH TOÀN

 


.