Ngành y tế đang khát nguồn nhân lực

10:05, 13/05/2009
.

Tình trạng khát nguồn nhân lực y tế có trình độ cao  tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh chưa có lời giải từ nhiều năm nay. Hiện nay ngành y tế lại đang đối mặt với nguy cơ chảy "chất xám", do sức hút từ các cơ sở y tế tư nhân mới ra đời và các bệnh viện ở các thành phố lớn.  

Kỳ 1: Thiếu nhân lực có trình độ cao ở tất cả các tuyến

 

 Các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh đều thiếu bác sĩ gây mê.

 Các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh đều thiếu bác sĩ gây mê.

*Cả tỉnh thiếu trên 1.120 cán bộ y tế

Toàn tỉnh có gần 250 cơ sở y tế, bao gồm cả tuyến xã với khoảng 1.980 giường bệnh. Đến cuối năm 2008, toàn ngành có trên 3.349 CBCC, trong đó có 539 bác sĩ và 32 dược sĩ đại học. Như vậy tỉnh ta mới chỉ đạt 4,02 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ dược sĩ đại học 0,2/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh  14,48/vạn dân và số trạm y tế xã có bác sĩ chiếm 67,4%... Mặc dù nhiều năm qua ngành y tế tỉnh đã chú trọng đến công tác đào tạo, nhưng đến nay tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ đại học vẫn thấp so với bình quân chung cả nước. Thiếu hụt nguồn nhân lực, là tình trạng diễn ra cả 3 tuyến xã, huyện và tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đơn vị y tế lớn nhất tỉnh với quy mô 600 giường bệnh cho biết: Hiện tại BV có 150 bác sĩ, so với quy mô giường bệnh vẫn cần đến 50 bác sĩ, dược sĩ đại học nữa. Mặc dù hằng năm tỉnh cho biên chế những chức danh này, nhưng tính toán giữa số bác sĩ nghỉ hưu hoặc chuyển công tác với số bác sĩ được phân bổ về bệnh viện vẫn không tăng. Do vậy, bệnh viện phải tự điều phối nhân lực giữa các khoa với nhau hoặc phải hợp đồng lao động có thời hạn, để bổ sung cho các khoa bù vào nhân lực giảm do nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

 

Không chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh, mà ngay cả bệnh viện tuyến huyện cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc BVĐK huyện Tư Nghĩa cho biết: Nhiều năm nay bệnh viện luôn thiếu bác sĩ, hơn nữa đã có nhiều cán bộ sau khi đi học nâng cao về lại rút lên tuyến trên. Theo quy mô dân số (với gần 190.000 dân của huyện như hiện nay), thì Tư Nghĩa cần khoảng 40 - 50 bác sĩ, nhất là bác sĩ dự phòng, bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, dược sĩ đại học, cử nhân Y. Riêng tại 6 huyện miền núi, tỷ lệ bác sĩ đạt thấp như: Sơn Tây (4 bác sĩ); Tây Trà (3 bác sĩ); Trà Bồng (7 bác sĩ) và chỉ có 12/63 trạm y tế có bác sĩ (trong đó huyện Sơn Tây và Tây Trà 100% trạm y tế xã trắng bác sĩ). Nhiều trung tâm y tế các huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà chưa có bác sĩ chuyên khoa (chuyên khoa mắt, da liễu, sản, ngoại...) và không có bác sĩ gây mê, nên hầu hết những ca bệnh cần mổ đều phải chuyển xuống bệnh viện tỉnh, gây nên tình trạng quá tải ở bệnh viện tỉnh và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Một số bệnh viện Lao, Tâm thần, Trung tâm Y tế dự phòng thì nhiều năm nay không có thêm bác sĩ mới. Có một nghịch lý là trong khi các tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện điều chuyển bác sĩ từ tuyến tỉnh xuống cơ sở, thì ở tỉnh ta ngược lại. Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị định 171, 172 bộ máy cấp huyện từ chỗ chỉ có một trung tâm y tế, nay chia ra 3 bộ phận: Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng và Phòng y tế cấp huyện. Do sự chia tách này mà số lượng cán bộ y tế đã mỏng lại càng mỏng, hơn.

 

Bác sĩ tuyến trên về tăng cường khám bệnh cho BV tuyến huyện
Bác sĩ tuyến trên về tăng cường khám bệnh cho BV tuyến huyện
* Môi trường làm việc và thu nhập kém hấp dẫn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ ở các tuyến hiện nay, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là môi trường làm việc tại các cơ sở y tế chưa hấp dẫn, chưa đủ sức thu hút bác sĩ, dược sĩ về làm việc. Một lãnh đạo BVĐK huyện tâm sự rằng, dù bệnh viện có tạo điều kiện đến mức nào đi chăng nữa thì cũng không thoát khỏi quy định của Nhà nước về thu nhập, về ngạch, bậc lương trong các đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó nhiều bệnh viện tư nhân, công ty dược lớn trong và ngoài nước luôn sẵn sàng chào đón họ, với mức thu nhập cao gấp nhiều lần; một môi trường làm việc hấp dẫn để họ có điều kiện thực hiện khả năng của mình. Nếu so với mức lương của bệnh viện thì họ ra đi cũng là điều dễ hiểu. Còn điều kiện làm việc cũng chưa đủ sức giữ chân họ vì ít có cơ hội để thể hiện khả năng, nâng cao trình độ chuyên môn của mình nếu làm việc tại cơ sở. Khoảng cách về thu nhập, cơ hội, điều kiện làm việc giữa các bệnh viện công lập với bệnh viện tư, doanh nghiệp ngày một lớn. Tất cả những yếu tố về vật chất, tinh thần đó đã tác động đến sự lựa chọn của rất nhiều bác sĩ, dược sĩ và số sinh viên mới ra trường hiện nay.

 

Một nguyên nhân nữa là UBND tỉnh vẫn chưa có chính sách khuyến khích cho bác sĩ về công tác ở cơ sở, nên những năm gần đây đã xuất hiện một số trường hợp bác sĩ (sau khi được cho đi đào tạo đa khoa, chuyên khoa) tự ý bỏ ngành đi nơi khác làm việc hoặc đầu quân cho các bệnh viện tư nhân. Rõ ràng mức thu nhập chênh lệch quá lớn giữa bệnh viện công với bệnh viện tư và môi trường làm việc không thuận lợi, cộng với chỉ tiêu đào tạo hạn chế là những nguyên nhân chính khiến cho nguồn nhân lực ngành y tế thiếu trầm trọng, nhất là tại các bệnh viện công. Theo ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Sở Y tế thì toàn tỉnh vẫn thiếu 1.121 biên chế (kể cả tuyến xã) trong đó thiếu 590 cán bộ y tế ở tuyến tỉnh (nhu cầu khoảng trên 300 bác sĩ, dược sĩ đại học). 

                 Thanh Thuận

                 (còn nữa)


.