Kiểm tra các phương tiện thuỷ nội địa - Đến đâu... buồn đó!

09:05, 12/05/2009
.

Chen chúc trên thuyền-cảnh thường thấy ở các bến đò ngang hiện nay.

Chen chúc trên thuyền-cảnh thường thấy ở các bến đò ngang hiện nay.

Thời gian qua các phương tiện thuỷ nội địa trong toàn tỉnh dù được kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần về mức độ an toàn khi tham gia giao thông đường thuỷ nhưng khi đoàn kiểm tra của tỉnh đi kiểm tra vẫn thấy tình trạng mất an toàn giao thông đang tiếp diễn.

 

CỤT CHÂN VẪN... ĐƯA ĐÒ

Trong tháng 4, Đội Thanh tra giao thông vận tải số 4 (Sở Giao thông Vận tải) đi kiểm tra hàng loạt các phương tiện thuỷ nội địa ở hai huyện Sơn Tịnh và Sơn Hà đã phát hiện nhiều sai phạm (hầu như năm nào công tác kiểm tra này cũng được tiến hành), nên không ít lần Thanh tra giao thông tỉnh và các cảnh sát giao thông đường thuỷ, trung tâm đăng kiểm... đã lập biên bản xử phạt, cảnh cáo, nhắc nhở các chủ phương tiện uốn nắn vi phạm, làm tốt hơn công tác của mình, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Có điều đến lần này tình trạng vi phạm vẫn như trước đó.

 

Đoàn kiểm tra thấy  huyện Sơn Hà có 3 bến đò/4 con đò đưa khách sang sông ở các xã: Sơn Nham, Sơn Bao, Sơn Hải. Trong đó có 3 con đò hoạt động 9 tháng và 1 con đò hoạt động quanh năm; 3 đò chèo tay và 1 đò gắn động cơ. Sự "tiến bộ" ở đây so với các năm trước là hầu như con đò nào cũng có trang bị các loại phao. Ngoài ra so với các quy định hoạt động bến đò và đò thì... xưa sao nay vậy, thiếu tất cả: Bằng cấp chứng chỉ chuyên môn lái đò; thuyền chưa  đăng ký đăng kiểm an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Nguy hiểm nhất ở đây là ở bến đò Chòm Rau (xã Sơn Nham) người lái đò tên Đinh Văn Anh điều khiển đò quanh năm, chở 20 học sinh qua lại hằng ngày, nhưng trên đò chỉ có 4 áo phao cứu sinh (2 phao tròn), ngoài ra "hỏi cái gì cũng không có". Còn khi kiểm tra 12 đò hoạt động ở các xã: Tịnh Minh, Tịnh Đông, Tịnh Sơn, Tịnh Kỳ, Tịnh Sơn (6 gắn động cơ; 6 chèo tay) hoạt động thời gian ngắn nhất là 3 tháng, còn lại từ 8 - 12 tháng. Trong đó lái đò có chứng chỉ chuyên môn là 5 người. Tất cả các con đò đều chưa đi đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ở bến đò Khê Tân - Cổ Luỹ, đoàn kiểm tra... “té ngửa” khi thấy người lái đò tên Trần Quang (1952) lái con đò máy có công suất 12 CV, nhưng... cụt một chân! Không hiểu khi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ thì ông Quang ứng cứu hành khách làm sao?

 

CHÍNH QUYỀN CHƯA VÀO CUỘC TÍCH CỰC

Không riêng gì các địa phương kể trên, mà ở TP Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn thì tình trạng các bến đò, con đò, người lái đò và các phương tiện thuỷ nội địa khác đều có chung tình trạng như vậy. Điển hình như ở TP Quảng Ngãi, ngoài các con đò, các cơ quan liên ngành còn phát hiện ở đây người dân có 36 con thuyền (15 thuyền máy) dùng để khai thác cát, trong đó số lái thuyền có chứng chỉ chuyên môn là 19 trường hợp.

 

Với những vi phạm các quy định về TTATGT đường thuỷ như trên chắc chắn các xã, phường đều biết. Thế nhưng nhiều năm nay các phương tiện thuỷ nội địa này vẫn hoạt động. Phải chăng chính quyền cơ sở làm ngơ trước những vi phạm này? Theo Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải), trước những thực trạng đó hầu như chính quyền các địa phương chưa thật sự quan tâm đến an toàn giao thông thuỷ nội địa. Ở các bến đò, đến nay rất nhiều nơi vẫn chưa có giấy phép hoạt động, mà hầu hết là tự phát; Bãi đáp, nơi neo đậu đò không đảm bảo an toàn, không có đèn chiếu sáng khi hành nghề ban đêm. Điều đáng nói là những năm qua, ngành giao thông vận tải tỉnh đã mở nhiều đợt học lái các phương tiện thuỷ nội địa để lấy chứng chỉ lái thuyền, nhưng số lượng người đi học vẫn không nhiều.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng vì cuộc sống mưu sinh, nên "thông cảm" cho họ kiếm "cơm". Vậy khi xảy ra sự cố chìm đò, thuyền, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản thì người "lãnh đủ" là chủ phương tiện và người lái đò; còn các cấp chính quyền xưa nay chưa hề bị "vạ lây". Có lẽ vì vậy mà chính quyền cơ sở không quan tâm(!?). Xem ra các ngành, các cấp lãnh đạo cần xử lý nghiêm túc không chỉ với các chủ phương tiện, người lái đò, mà còn cả với chính quyền cơ sở thì mới bảo đảm an toàn giao thông thuỷ nội địa.   

 Bài, ảnh: PHẠM ANH


.