Cán bộ đoàn về với cơ sở

03:12, 02/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo "chủ trương 1+2" của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, mỗi cán bộ đoàn sẽ đi cơ sở tối thiểu 2 tháng/năm. Hoạt động này đã dần đi vào nền nếp, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của cán bộ đoàn và tạo mối liên hệ gần gũi, gắn bó giữa cán bộ đoàn các cấp với đoàn viên, thanh niên.
 
Sâu sát cơ sở
 
Hằng năm, 100% cán bộ cơ quan Tỉnh đoàn đều đi cơ sở đảm bảo thời gian theo quy định để nắm bắt tình hình tại cơ sở và đánh giá tình hình hoạt động của các cấp bộ đoàn trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên; giải ngân các chương trình tín dụng vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội địa bàn dân cư... Từ đó chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi phù hợp với từng đơn vị, địa phương.
 
 Tỉnh đoàn hỗ trợ bò giống cho thanh niên tại Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, xã Sơn Bua (Sơn Tây).
Tỉnh đoàn hỗ trợ bò giống cho thanh niên tại Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, xã Sơn Bua (Sơn Tây).
Gắn với việc xây dựng dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua (Sơn Tây), nhiều cán bộ cơ quan Tỉnh đoàn đăng ký đi cơ sở tại xã Sơn Bua và một số địa phương tại huyện Sơn Tây. Để có thể nắm bắt tình hình, cũng như những khó khăn, vướng mắc các hộ dân đang gặp phải, cán bộ cơ quan Tỉnh đoàn cùng với địa phương đã "cùng ăn, cùng ở", cùng dự sinh hoạt chi đoàn định kỳ... Đồng thời, cán bộ Tỉnh đoàn hướng dẫn 30 hộ gia đình trẻ ở Làng Thanh niên lập nghiệp thực hiện đúng kỹ thuật canh tác... Nhờ vậy, hoạt động Đoàn, Hội nơi này đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hộ thanh niên nay đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gắn với đặc điểm thổ nhưỡng địa phương và hướng đến mục tiêu vươn lên thoát nghèo, từng bước tạo nên diện mạo mới cho vùng cao này.
 
Bên cạnh đó, nhiều mô hình, giải pháp hoạt động của cơ sở được nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh, góp phần tăng cường đoàn kết, xây dựng mối quan hệ gần gũi với các cấp bộ đoàn và cá nhân tại đơn vị, địa phương. Cụ thể là mô hình "Hỗ trợ học sinh học trực tuyến"; "Tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế", "Thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới", "Tuyến đường do thanh niên tự quản"; "Đội thanh niên phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19"; "Đội thanh niên xung kích phòng, chống thiên tai"...
 
Nâng cao chất lượng cán bộ đoàn
 
Ngoài việc hỗ trợ cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên các đơn vị, địa phương, đi công tác cơ sở còn giúp cán bộ đoàn rèn luyện, bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và trưởng thành, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
 
Tuy nhiên, việc tổ chức cho cán bộ đoàn chuyên trách đi cơ sở gặp một số khó khăn như lực lượng cán bộ đoàn chuyên trách từ cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay rất mỏng so với trước đây do thực hiện tinh gọn bộ máy. Cán bộ đoàn cơ sở nhiều nơi còn thiếu cả về số lượng lẫn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ công tác nên cần có nhiều thời gian hơn để hướng dẫn, hỗ trợ...
 
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Cao Lê Tùng Nghĩa, mỗi cán bộ đoàn cần xác định rõ mục đích, trọng tâm, trọng điểm, xây dựng kế hoạch cụ thể khi đi cơ sở để tham mưu triển khai thực hiện sát với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của thanh thiếu niên. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khi thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể từng năm và lấy chất lượng đi cơ sở làm tiêu chí đánh giá cán bộ với kỳ vọng chủ trương 1+2 sẽ ngày càng thiết thực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn, cụ thể hóa phương châm hoạt động đoàn hướng về cơ sở.
 
Bài, ảnh: TR.ÂN
 
 

.