Xây dựng văn hóa, con người Quảng Ngãi trong giai đoạn mới

06:11, 24/11/2021
.
* Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN

(Baoquangngai.vn)- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người và bản sắc, cốt cách dân tộc. Ngày nay, văn hóa còn được xác định là một trong những yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Vì thế, xây dựng văn hóa Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam hiện nay.

[links()]

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc

Đối với tỉnh ta, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Tỉnh ủy khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Qua 5 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả khá quan trọng, nhưng đồng thời cũng còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế đã được Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa XX) nhận định và phân tích làm rõ.

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh dự triển lãm ảnh chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh dự triển lãm ảnh chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 635-KL/TU ngày 1/11/2021 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững, với những nhiệm vụ chủ yếu sau: Xây dựng văn hóa, con người Quảng Ngãi; xây dựng nếp sống văn hóa mới, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng và phát triển văn hóa lành mạnh gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị di tích văn hóa, các di tích lịch sử - văn hóa; phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách, đạo đức cho thanh, thiếu niên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; mở rộng giao lưu văn hóa và tiếp thu có chọn lọc để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Từ khi Đảng ta ra đời đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng đã ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và Người đã phát động phong trào “Đời sống mới”. Theo Người, “Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc".

Trong giai đoạn 1954 - 1975, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất; Cách mạng khoa học - kỹ thuật; Cách mạng tư tưởng - văn hóa, nhằm đưa nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, trong đó “tính chất dân tộc” của văn hóa được coi trọng, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa do các tộc họ trên đảo Lý Sơn tồ chức
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa do các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức
Thực hiện các nghị quyết trên, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, thiết thực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên lĩnh vực văn hóa, cùng với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối đổi mới, trong đó có lĩnh vực văn hóa, năm 1998, Đảng ta ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tiếp đó, năm 2014, Đảng tiếp tục ra Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Hướng đến những hệ giá trị mới

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đây là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta, là khát vọng chính đáng thay đổi toàn diện đời sống xã hội và vị thế của đất nước. Sự nghiệp ấy đòi hỏi con người Việt Nam nói chung và con người Quảng Ngãi cần có những phẩm chất theo một hệ giá trị mới trên cơ sở kế thừa và phát huy hệ giá trị truyền thống đã từng được thử thách và khẳng định qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hệ giá trị ấy bao gồm: 

Tuyên truyền, giáo dục để thể hệ trẻ có thêm kiến thức và thêm yêu lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.
Tuyên truyền, giáo dục để thể hệ trẻ có thêm kiến thức và thêm yêu lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

Thứ nhất là, yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc, nhất quyết không chấp nhận tụt hậu. Trong chiến tranh, yêu nước là tự hào truyền thống dân tộc, chiến đấu không sợ hy sinh, gian khổ, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thì ngày nay trong xây dựng đất nước phát triển, yêu nước phải tự tôn dân tộc, nhất quyết không chịu tụt hậu. 

Thứ hai là, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý, thượng tôn pháp luật. Phẩm chất nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý là những phẩm chất đặc hữu có tính truyền thống văn hóa của người Việt Nam được kiểm chứng trong lịch sử và được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tin tưởng đặc biệt thông qua công cuộc chống dịch Covid-19. Những phẩm chất này là tài sản vô giá cần phát huy trong thời đại ngày nay. Về pháp luật, người Việt Nam trong tiềm thức là người duy tình, nhưng trong xã hội hiện đại, trong xây dựng nhà nước pháp quyền, mở cửa, hội nhập thì thượng tôn pháp luật là cần thiết, là cần phải như thế! 

Thứ ba là, khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần, ý chí kiên cường, có nền tảng tri thức đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện đại. Không có hy vọng nhiều trong một cơ thể ốm yếu. Khỏe là yêu cầu đầu tiên để học tập, lao động có hiệu quả và sống có chất lượng. Tuy nhiên, trong con người khỏe mạnh phải chứa một tinh thần lành mạnh, một ý chí kiên cường, đồng thời phải có tri thức, trình độ chuyên môn cao mới thích ứng được với đời sống hiện đại với nhịp độ cao, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít áp lực, thách thức. 

Thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ tư là, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” - lời dạy của Bác là chân lý và cũng phản ánh tinh thần cố kết cộng đồng có tính truyền thống của người Việt Nam trong đấu tranh giữ nước. Đoàn kết thể hiện cụ thể bằng tinh thần và năng lực hợp tác trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh có trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong xây dựng đất nước, nhất là trong điều kiện hiện nay khi sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, phân công lao động ngày càng chi tiết, cụ thể thì sự hợp tác là yêu cầu tất yếu. Chúng ta gắn kết trong khó khăn gian khổ, nhưng hợp tác trong sản xuất, kinh doanh chưa phải là thế mạnh. Bởi vậy, cần cụ thể hóa, hiện đại hóa tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng thành năng lực hợp tác cùng phát triển. 

Thứ năm là, trong sản xuất nông nghiệp dù có công nghệ cao thì tính cần cù, kiên nhẫn, không ngại thức khuya, dậy sớm vẫn là phẩm chất cần có. Sáng tạo khi nào cũng cần, ngày nay càng cần hơn. Bên cạnh đó, trung thực hết sức cần thiết để tạo mối đoàn kết. Mỗi người trung thực, mọi người trung thực, lại có lòng tự trọng thì bệnh thành tích cũng sẽ thuyên giảm và chấm dứt, đồng thời cuộc sống cũng văn minh hơn.  

Hoàn thiện hàng lang pháp lý về quản lý nhà nước
trong lĩnh vực văn hóa

Để thực hiện đạt những mục tiêu nêu trên thì cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng để nâng cao nhận thức và quyết tâm trong tổ chức thực hiện. Hoàn thiện hàng lang pháp lý về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa và bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả. Có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giá trị chuẩn mực của con người Quảng Ngãi về lòng yêu nước, chí hướng và khát vọng phát triển, có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, khoan dung, thân thiện và có khả năng hợp tác. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức làm công tác văn hóa thông qua đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong cán bộ, đảng viên và sự đồng tình, chia sẻ của nhân dân trong tổ chức thực hiện.

 

 

 

.