Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1.3.1906 - 1.3.2021):
Tháng Ba, nhớ bác Đồng

02:03, 01/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống mãi cùng hồn thiêng sông núi của dân tộc. Tháng Ba, nhiều người dân và du khách lại tìm về với xóm Cây Gạo, xã Đức Tân (Mộ Đức), nơi bác Đồng sinh ra và lớn lên, để ngưỡng vọng một vĩ nhân trọn đời vì dân, vì nước. Về đây, mỗi người có dịp soi rọi lại chính mình và học tập một nhân cách cao đẹp từ bác Đồng.
[links()]
Một nhân cách cao đẹp
 
Xóm Cây Gạo bình yên đến lạ. Tháng Ba, cây lúa đã lên xanh, hoa nở khắp vườn nhà nơi gắn liền với tuổi thơ của bác Đồng. Rảo bước trên con đường nhỏ với hai hàng cau xanh ở khu lưu niệm, chúng tôi mường tượng về hình ảnh bác Đồng với đôi kính râm đi bộ trong những lần về thăm quê thuở nào. Là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng bác Đồng rất gần gũi, giản dị. 
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng với các cháu thiếu nhi. Ảnh Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cung cấp.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng với các cháu thiếu nhi. Ảnh Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cung cấp.
Anh Lê Trình - Phó phòng phụ trách Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân cho biết: Sau ngày nước nhà thống nhất, dù bận trăm công nghìn việc nhưng bác vẫn cố gắng sắp xếp về thăm quê. Từ khi làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đến khi trước lúc qua đời, hằng năm cứ vào mùa xuân, bác lại về với quê nhà, thăm bà con nhân dân. Mỗi lần về thăm quê, bác Đồng đều để lại tình cảm sâu đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bác giống như người ông, người cha, người chú, người anh trong gia đình khi chuyện trò với cán bộ và nhân dân địa phương. Món quà bác Đồng dành tặng mọi người chẳng phải là vật chất, mà là tấm lòng, là lời động viên, căn dặn chí tình. vậy mà nhớ mãi khôn nguôi.
 
Trong những lần về thăm quê, điều mà bác Đồng quan tâm nhất vẫn là đời sống của nhân dân. Bác căn dặn: "Phải làm việc, làm việc và làm việc có ích cho nhân dân, cho đất nước". Bác thường hỏi thăm bà con nhân dân ăn có đủ no không, có nhà cửa để ở chưa, việc học hành của con cháu thế nào, trẻ sơ sinh cân nặng bao nhiêu... Bác Đồng căn dặn bà con, cô bác trong dòng họ chăm lo giáo dục con cháu để chúng từ thế hệ này đến thế hệ khác tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, kế tục sự nghiệp cách mạng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước...
 
Cảm động từ những bức ảnh đen trắng
 
Trong mạch câu chuyện về sự giản dị, gần gũi của bác Đồng, chị Tạ Thị Di Hà - cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đưa chúng tôi xem hai bức ảnh đen trắng, đó là hình ảnh bác Đồng chụp với các cháu thiếu nhi và bức ảnh bác Đồng cùng với cán bộ làm việc ở Phủ Chủ tịch. Suốt nhiều năm sưu tầm hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của bác Đồng, đây là một trong những bức ảnh chị Hà ấn tượng sâu sắc, bởi toát lên vẻ đẹp nhân hậu, thanh cao, giản dị, gần gũi của bác Đồng. 
Chị Hà cho biết: Bức ảnh bác Đồng với các cháu thiếu nhi là con cháu các đồng chí công tác tại Phủ Chủ tịch, chụp tháng 8.1981, khi các cháu vào tham quan nơi này. Hoa phong lan trước ngôi nhà Bác Hồ về ở từ năm 1954 thường nở rộ, hoa rất đẹp. Đồng chí Vũ Kỳ đã mời bác Đồng ngắm hoa cùng các cháu thiếu nhi. Còn bức ảnh bác Đồng với cán bộ làm việc ở Phủ Chủ tịch chụp ở trước sân nhà vào dịp tết Bính Thìn năm 1976. Trong ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng bế một em bé hơn hai tháng tuổi, là con của một cán bộ. Thủ tướng bế cháu bé trong không khí vô cùng ấm áp của mùa xuân đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Chuyện vui là trong lúc nhà nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng loay hoay tìm góc chụp ảnh sao cho đẹp thì Thủ tướng hài hước nói: "Anh Hồng làm chậm, cháu bé tè ra tôi thì tôi bắt đền anh đấy vì hôm nay tôi là chủ buổi tiếp khách mà". 
Thế hệ trẻ đến tham quan Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: P.Lý
Thế hệ trẻ đến tham quan Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: P.Lý
Cả hai bức ảnh trên là do bà Trần Thị Mộng Nam, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) hiến tặng. "Bác Đồng của chúng ta gần gũi như thế đấy. Mỗi lần nhìn bức ảnh tôi có cảm nhận về tình yêu thương luôn nồng ấm trong Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bác sống mãi trong lòng dân tộc là vậy, cả cuộc đời lo cho dân, cho nước, luôn dành tình yêu thương cho tất cả mọi người", chị Hà chia sẻ.
 
Tài sản cho đời sau
 
Trong chiếc tủ gỗ đặt tại một gian phòng ở nhà di tích, nơi bác Đồng ở lúc nhỏ, trưng bày rất nhiều sách. Lật giở những trang sách úa màu theo thời gian, chúng tôi nhận thấy đây là tài sản quý báu mà bác Đồng để lại cho đời sau, đó đều là sách, tài liệu do bác Đồng viết qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, bác viết ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong nhà trưng bày ở khu lưu niệm cũng có rất nhiều sách, đều do bác Đồng viết. Các cuốn sách cho thấy kiến thức uyên thâm của vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong từng trang sách là lời căn dặn chí tình, là tài liệu bác viết từ cách đây mấy mươi năm, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
 
Một sự tình cờ nhưng cũng là cái hay trong tháng Ba, tháng của yêu thương, trân trọng đức hy sinh, sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ, đó là chúng tôi đọc được tài liệu do Nhà Xuất bản Phụ nữ ấn hành, là bài nói của bác Đồng tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ năm (1982). Bác Đồng nhấn mạnh: "Phụ nữ Việt Nam suốt mấy nghìn năm đã đảm đang đích đáng trách nhiệm của mình đối với vận mệnh nước nhà: Làm người chiến sĩ dũng cảm đánh giặc, làm người lao động cần cù phát triển và xây dựng đất nước, làm người vợ giàu tình thương yêu và đức hy sinh trong gia đình, làm người mẹ sinh thành và nuôi dạy các thế hệ trẻ Việt Nam".
 
Bác Đồng căn dặn, vấn đề phụ nữ là vấn đề lớn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta phải đảm bảo cho phụ nữ làm tốt nghĩa vụ người lao động, người công dân, người vợ và người mẹ; phải chăm lo hơn nữa sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Các cấp ủy đảng phải quan tâm lãnh đạo công tác vận động phụ nữ; chăm lo đào tạo cán bộ nữ... Bằng sự cống hiến và trưởng thành, phụ nữ nước ta sẽ ngày càng đảm nhận và làm tốt những trách nhiệm nặng nề hơn trong cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành. Đây cũng là quá trình thực hiện nam, nữ bình quyền trong thực tế, trong đời sống.
 
PHƯƠNG LÝ
 
 
 
 

.