Về thăm quê ngoại Bác Đồng

02:02, 17/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lịch sử quê hương, đất nước không bao giờ xưa cũ, bởi đó là bài học giá trị, nuôi dưỡng niềm tự hào và khát vọng cống hiến để dân tộc mãi trường tồn và phát triển. Cũng vì lẽ đó mà câu chuyện về những người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi vẫn luôn truyền cảm hứng, là gương sáng cho thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau noi theo, dốc sức dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp.
[links()]
Lời bộc bạch chí tình
 
Trong lần về Quảng Ngãi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuối tháng 10.2020, dù trời đã tối muộn, nhưng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng vẫn về quê hương Mộ Đức để dâng hương, tưởng niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lần nào cũng vậy, việc đầu tiên khi đồng chí Tòng Thị Phóng về Quảng Ngãi là đến viếng hương cụ Tô, cách gọi thân mật của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thể hiện sự gần gũi như chính con người của bác Đồng vậy.  
Anh Lê Trình thường xuyên chăm chút những kỷ vật gắn với cuộc đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.  ẢNH: PHƯƠNG LÝ
Anh Lê Trình thường xuyên chăm chút những kỷ vật gắn với cuộc đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. ẢNH: PHƯƠNG LÝ
"Mỗi lần về viếng hương cụ Tô, chúng tôi đều rất xúc động. Chúng tôi đã viết trong sổ lưu niệm là xin học ở đồng chí đức tính khiêm tốn, giản dị, ý chí cách mạng tất cả vì dân, vì nước...", đồng chí Tòng Thị Phóng chia sẻ với tất cả đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX. Đây không chỉ là lời bộc bạch từ sâu thẳm tấm lòng của vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, mà như lời nhắn gửi đến tất cả cán bộ, đảng viên của Quảng Ngãi rằng, hãy noi gương bác Đồng để sống, lao động, học tập và cống hiến cho xứng đáng là người con của quê hương núi Ấn - sông Trà vốn giàu truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, vượt khó vươn lên, hào sảng, khẳng khái...
 
 
Trong cái nắng hanh vàng, dịu nhẹ của ngày đầu Xuân mới, mang theo tình cảm nồng ấm từ lời bộc bạch của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, chúng tôi về thăm Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Giữa lúc mọi người, mọi nhà tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, thì anh Lê Trình - Phó phòng phụ trách Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn tỉ mẩn chăm chút các hiện vật ở nhà trưng bày. "Bác Đồng sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch giống như Bác Hồ vậy, tất cả các hiện vật ở đây toát lên điều đó. Nhiều lần thuyết minh cho khách, tôi vẫn cứ bùi ngùi khi nhắc đến lúc cuối đời bác Đồng nói với người con duy nhất của mình là chú Phạm Sơn Dương rằng: Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ để lại một sự nghiệp để tiếp tục... Bác Đồng là thế đấy, tôi luôn tự hào vì được phục vụ ở nơi ghi dấu cuộc đời của Bác, với tôi đây là nhà", anh Trình xúc động chia sẻ.
 
Hai con người, một chí hướng
 
Trên hành trình về nguồn, chúng tôi đến viếng hương tại Nhà Lưu niệm đồng chí Trần Kiên ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Đồng chí Trần Kiên nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình và nhiều tỉnh Tây Nguyên. Những người trẻ chúng tôi đều chung một suy nghĩ, bác Đồng và bác Kiên, hai con người, một chí hướng. Cả hai cụ sống mãi trong lòng dân vì họ trọn đời vì dân, vì nước, sống một cuộc đời liêm khiết, giản dị mà thanh cao. Chiếc xe đạp bác Đồng sử dụng năm xưa nay vẫn còn được trưng bày ở khu lưu niệm. Bác Trần Kiên năm xưa cũng với chiếc xe đạp cũ, ông đi khắp các địa phương hướng dẫn nhân dân cách thức sản xuất, phát triển kinh tế, đặc biệt hình ảnh của ông luôn hiện hữu trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. 
Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đến thăm Nhà Lưu niệm đồng chí Trần Kiên.  ẢNH: PHƯƠNG LÝ
Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đến thăm Nhà Lưu niệm đồng chí Trần Kiên. ẢNH: PHƯƠNG LÝ
Lúc về hưu, chỉ với những vật dụng đơn sơ, thuộc sở hữu của riêng mình, vợ chồng bác Trần Kiên về sống trong căn nhà cấp 4 ở TX.Quảng Ngãi. Khi mọi người đề nghị sửa lại nhà, bác Kiên khước từ ngay với lý do dân mình còn nghèo lắm, bác ở thế này đã hơn người nghèo nhiều rồi... Nhiêu đó thôi cũng đủ bùi ngùi xúc động về một nhân cách thanh cao. Đồng chí Trần Kiên từng kể lại rằng, trong những ngày đầu đi bộ đội, bài học lý luận chính trị đầu tiên ông được học từ chính người thầy là đồng chí Phạm Văn Đồng. Suốt cả cuộc đời hơn 70 năm theo Đảng làm cách mạng, ông vẫn luôn nhớ và vận dụng bài học đầu tiên ấy vào thực tiễn công tác. 
 
Về sau, kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, đồng chí Trần Kiên vẫn thường đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nghe những lời căn dặn để làm sao chăm lo xây dựng Đảng, lo cho nhân dân được tốt hơn. Khi về hưu, trong những lần về thăm quê nhà, bác Đồng luôn dành thời gian đến thăm bác Kiên. Câu chuyện làm thế nào để Quảng Ngãi đi lên luôn được các cụ trăn trở, bàn bạc, bởi đó là tâm nguyện. Nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền xúc động cho hay: "Đời anh Trần Kiên là cách mạng. Từ ngày tham gia cách mạng đến khi trút hơi thở cuối cùng, anh là người đứng mũi chịu sào, thường ở nơi đầu sóng ngọn gió, cống hiến trọn đời cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Anh sống một cuộc đời đạm bạc, giản dị".
 
Là câu chuyện dài nếu nói đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Trần Kiên, đó là chuyện vẫn luôn mới đối với thế hệ hôm nay và mai sau, nhắc nhớ mọi người về những người con ưu tú của quê hương suốt một đời cống hiến cho dân, cho nước mà không màng đến lợi ích cho riêng mình. Như lời bác Đồng căn dặn người con trai duy nhất trước lúc đi xa: "Ba chỉ để lại một sự nghiệp để tiếp tục...". Đó chính là một sự nghiệp cao quý, đặt lên trên hết lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân mà tất cả cán bộ, đảng viên có trách nhiệm kế tục, với một niềm tự hào, niềm tin và khát vọng vươn lên...                                                                                                                                 
PHƯƠNG LÝ
 
 
 
 
 
 

.