Đổi mới - một yêu cầu bức thiết của cách mạng

02:09, 08/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hai từ đổi mới được gắn liền với Đại hội VI của Đảng, năm 1986. Nhưng quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi đây là một yêu cầu bức thiết, một vấn đề có ý nghĩa sống còn. Để làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, Đảng đã sáng suốt chỉ đạo “Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có một đường tổ chức mới” (Văn kiện Đảng toàn tập, T 6, tr 222). Bài học quý ấy vẫn nguyên giá trị trong tiến trình đổi mới của đất nước ta ngày nay.
 
Để dân tộc có được niềm vui chiến thắng “từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi), Đảng đã phải chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao thác ghềnh cam go. Trước nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản chủ trương tập hợp các lực lượng dân chủ, hòa bình, chống chế độ phản động và chủ nghĩa phát xít. Nhiều nước trên thế giới đã hình thành mặt trận dân chủ rộng rãi.
 
Vì thế, từ hội nghị tháng 6.1936 và được bổ sung trong các hội nghị sau đó, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định mục tiêu trực tiếp và trước mắt của cách mạng lúc này là chống phát xít, chống chiến tranh, chống chế độ phản động thuộc địa, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình; tạm thời chưa nêu khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp” và “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”. Con đường chính trị mới ấy không hề làm thay đổi mục tiêu chiến lược của Đảng mà là do “hoàn cảnh mới tất nhiên phải định nhiệm vụ mới” và “cứ theo hoàn cảnh mới theo điều kiện mới hiện tại mà thi hành” (SĐD, tr 13). 
Thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế đã đưa nước ta đạt được những thành tựu quan trọng.  Trong ảnh: Cụm cảng Dung Quất được đầu tư đã thúc đẩy kinh tế Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển vượt bậc. ẢNH: MINH THU
Thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế đã đưa nước ta đạt được những thành tựu quan trọng. Trong ảnh: Cụm cảng Dung Quất được đầu tư đã thúc đẩy kinh tế Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển vượt bậc. ẢNH: MINH THU
 
Khi nói về chiến sách mới, Đảng khẳng định, người cộng sản cũng như người quan binh cầm quân đi đánh vậy, phải hiểu rõ chiến sách và chiến lược. Chủ trương của Đảng lúc bấy giờ rất rõ ràng, không bỏ nguyên tắc giai cấp đấu tranh, không thủ tiêu cách mạng phản đế và thổ địa, không lãng bỏ nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động dân tộc giải phóng, nhưng do hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới mà liên hiệp hành động với các đảng phái, các đoàn thể, các lớp dân chúng, chống chính sách thuộc địa dã man của đế quốc, đòi quyền tự do dân chủ, đòi luật lao động, ân xá, bỏ các độc quyền, thuế thân, bớt các thứ thuế khác, đòi cải thiện sinh hoạt cho các tầng lớp nhân dân.
 
Muốn thực hiện nhiệm vụ đó, các đảng viên “phải mật thiết liên lạc với quần chúng, phải có quần chúng ủng hộ mới có thế lực”; phải lập nhiều hội quần chúng; “tổ chức quần chúng phẫn nộ đấu tranh, đòi những quyền lợi hàng ngày của họ và bệnh vực những quyền lợi chung của cuộc cách mạng” (SĐD, tr 19, 20). Phương châm là thay đổi triệt để các phương pháp, sử dụng mọi khả năng công khai và bán công khai để xây dựng các tổ chức quần chúng rộng rãi hơn.
 
Tình hình trong Đảng lúc bấy giờ có nhiều khó khăn, hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị địch bắt; một số đảng bộ quan trọng cũng không còn, nhưng Ban Trung ương Đảng đã vững tâm thiết pháp (tìm cách) đào tạo cán bộ mới gửi về các địa phương để tổ chức lại các mối giao thông bị đứt, khôi phục lại các đảng bộ bị phá, dẫn dắt quần chúng đấu tranh và từ đó lập thêm nhiều đảng bộ mới. Có thể nói đây là thắng lợi quan trọng trong điều kiện hết sức khó khăn, song Đảng vẫn nhận thấy còn một số cán bộ hiểu lầm rằng công tác tổ chức đảng là bộ phận quan trọng, còn công tác quần chúng là phụ thuộc... “Vì lẽ đó mà cứ cặm cụi tổ chức đảng viên trong xó tối, mà quên hẳn công tác vận động quần chúng, vì chính sách đóng cửa do đó mà Đảng ít phát triển, ít có liên lạc với quần chúng...” (SĐD, tr 19).
 
Trong Thông cáo ngày 20.3.1937, Ban Trung ương Đảng nêu rõ, các hội quần chúng cần chỉnh đốn và cải tổ lại cho thích hợp hoàn cảnh mới. Cùng với đó, Trung ương Đảng yêu cầu các đảng bộ điều tra lý lịch và hoạt động của mỗi đảng viên cho kỹ càng, “nếu có những phần tử phản động, khiêu khích mà lọt vào Đảng thì phải bí mật khai trừ ngay”; “những đảng viên lười biếng không chịu nghiên cứu đường chính trị của Đảng, không chịu đi hoạt động thì cần khuyến khích họ một cách rất thân ái và huấn luyện cho họ về đường chính trị để giúp họ sửa đổi những lầm lỗi...” (SĐD, tr 212, 213). Mỗi đảng viên phải là một người chỉ đạo, một người chịu sứ mạng đi phổ biến tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản; phải lựa chọn đảng viên cho khôn khéo, đừng để phần tử phức tạp vào Đảng, chẳng thà có đảng viên ít mà tốt hơn là đảng viên nhiều mà bị động và phức tạp.
 
Có đường chính trị mới chưa đủ, Đảng luôn hướng tới sự thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong đội ngũ của mình và có một đường tổ chức mới để tập trung công nhân, nông dân, phụ nữ, binh lính vận động và liên hiệp với các hội sinh viên, các hợp tác xã... để thực hiện con đường chính trị ấy; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm cần khắc phục. Cụ thể như, cơ sở của các đảng bộ ở thành thị còn ít hơn so với khu vực thôn quê; nhiều tỉnh có đảng bộ, nhưng các châu thành lại không có, gây khó khăn và chậm trễ sự chỉ đạo; việc tổ chức quần chúng còn mắc bệnh biệt phái và hẹp hòi. Đặc biệt trước những khuynh hướng tư tưởng phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích (7.1939) để phê phán các tư tưởng sai lầm; tìm ra những nguyên nhân thất bại, nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ.
 
Với tư tưởng đổi mới trong chỉ đạo và tinh thần cách mạng ấy, Đảng đã hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn 1936 - 1939 đầy gian khó, làm tiền đề cho những năm đấu tranh tiếp theo để dân tộc ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đến nay, bài học đó vẫn nguyên giá trị. Trong mọi gian nguy, Đảng luôn giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng rất linh hoạt trong đối sách phù hợp từng điều kiện cụ thể để phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; đồng thời không ngừng chỉnh đốn, xây dựng đội ngũ đảng viên của mình xứng đáng là người lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng nhân dân đấu tranh giành thắng lợi.
 
Nói đến đổi mới, lại nhớ về những ngày đầu thành lập Đảng. Ngay từ việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2.1930 đã thấy trong sâu xa ở đó sự đổi mới. Đó là yêu cầu tất yếu, là đòi hỏi của cách mạng. Không chỉ thế, tư tưởng đổi mới ngày càng trở thành bản chất của một đảng cách mạng chân chính. Những năm trước 1986, chúng ta đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, lạc hậu về nhận thức lý luận; vừa bảo thủ, trì trệ bởi những tư duy cũ, vừa nóng vội muốn tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội một cách duy ý chí. Đất nước đối mặt với bao thách thức; cuộc sống của nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.
 
Trước bối cảnh ấy, Đại hội VI của Đảng khẳng định “Đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại”; “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. “Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”. Gần 35 năm qua, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là do thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đúng đắn mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
 
BẮC VĂN
 
 
 

.