Huy động nguồn lực đầu tư phát triển: Bám sát thực tiễn, tận dụng tốt cơ hội

03:07, 13/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Quảng Ngãi đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cụ thể về phát triển kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư, thu ngân sách và xây dựng nông thôn mới. Những con số này được tính toán dựa trên kết quả kế thừa của khóa XIX. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặt ra mục tiêu phải có tính khả thi cao.
Tận dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư
 
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đánh giá: Giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ngãi đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư; thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm và là lực lượng phát triển chủ yếu. Vì thế, đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trong huy động nguồn lực đầu tư xã hội. 
 
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, huy động 5 năm ước đạt 143.558 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 25.102 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tăng từ khoảng 51% năm 2015 lên khoảng 76% năm 2020. Dự thảo báo cáo lần này tiếp tục đề ra mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư xã hội lớn hơn, đạt ít nhất 170.000 tỷ đồng/5 năm, cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 26.500 tỷ đồng.
 
Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà, đây là con số không nhỏ và không dễ dàng thực hiện, nhất là trong những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Có nhiều lĩnh vực phải mất nhiều năm mới có thể ổn định, tiếp tục đầu tư phát triển. 
Thu hút doanh nghiệp FDI sẽ là mục tiêu quan trọng góp phần tăng nguồn lực đầu tư phát triển của Quảng Ngãi.  Trong ảnh:  Sản phẩm cẩu trục RMQC siêu trường siêu trọng của Doosan Vina cung ứng ra thị trường.
Thu hút doanh nghiệp FDI sẽ là mục tiêu quan trọng góp phần tăng nguồn lực đầu tư phát triển của Quảng Ngãi. Trong ảnh: Sản phẩm cẩu trục RMQC siêu trường siêu trọng của Doosan Vina cung ứng ra thị trường.
Tuy nhiên, cơ hội cho Quảng Ngãi cũng đang rất lớn, kỳ vọng mang lại nguồn lực đầu tư dồi dào. Đó là, các hiệp định thương mại song phương, đa phương, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), sẽ cơ cấu lại các mặt hàng xuất nhập khẩu, đầu tư, tạo thế tự chủ, bớt lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Quảng Ngãi cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển, cải cách về môi trường đầu tư, đón đầu cơ hội, để huy động ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn trực tiếp nước ngoài. Từ nhìn nhận khách quan này, Quảng Ngãi vẫn có nhiều triển vọng đạt được chỉ tiêu "huy động nguồn lực đầu tư phát triển thấp nhất là 170.000 tỷ đồng".
 
Cân nhắc về chỉ tiêu thu ngân sách
 
Mục tiêu của huy động nguồn lực đầu tư phát triển trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, là kết hợp nguồn lực ngân sách và nguồn lực đầu tư xã hội, bao gồm nguồn lực từ vốn đầu tư nước ngoài, vốn trong nhân dân. Chỉ tiêu thu ngân sách không đưa ra con số cụ thể, mà chỉ ước lượng "Thu ngân sách hằng năm vượt mức chỉ tiêu do Trung ương giao trên 5%". Những khó khăn, thách thức trong thu ngân sách cũng không đề cập đến, trong khi dự báo giai đoạn đến nguồn thu sẽ giảm, do nhiều khoản thu bấp bênh, một số nguồn dần thu hẹp. 
 
Theo số liệu thống kê của Cục Thuế tỉnh, kết quả thu ngân sách từ năm 2015 đến nay tăng, giảm bất thường. Cụ thể: Năm 2015 là 26.900 tỷ đồng, năm 2016 đạt 17.000 tỷ đồng; 2017 còn 14.000 tỷ đồng; năm 2018 tăng lên 16.800 tỷ đồng và năm 2019 là 17.600 tỷ đồng. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số thu sẽ giảm chỉ còn khoảng 9.800 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu Trung ương giao là 13.800 tỷ đồng; chỉ tiêu tỉnh giao là 15.300 tỷ đồng. Tính bình quân, giai đoạn 2015 - 2020, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt mức 11.000 tỷ đồng/năm.
 
Từ thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho rằng, việc đề ra chỉ tiêu thu ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2025 nên cân nhắc theo hướng "Thu ngân sách hằng năm đạt chỉ tiêu Trung ương giao". Căn cứ tình hình từng thời điểm, ngành thuế rà soát, bám sát nguồn thu, thu đúng, thu đủ. Có thể trong giai đoạn 5 năm đến, chỉ tiêu thu hằng năm cũng chỉ nên đưa ra ở mức khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Lý do nguồn thu hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào dầu, nhưng giá dầu thế giới liên tục biến động giảm; nguồn thu từ bia bình quân trước đó mỗi năm khoảng 1.500 tỷ đồng, nhưng năm 2020 chỉ còn 1.000 tỷ đồng, vì những tác động từ cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Nguồn thu từ đất cũng ngày càng giảm đi. Các khoản thu khác từ doanh nghiệp, nếu tăng cũng không đáng kể. 
 
Xây dựng nông thôn mới: Không nên chạy theo số lượng
 
Sau nhiều năm tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả tích cực. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhận định: "Đến nay, toàn tỉnh có 89 xã và 4 huyện đạt chuẩn quốc gia về NTM, 12 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu". Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách điều phối NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long, thì hiện nay toàn tỉnh mới có 70 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm 19 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 89 xã NTM. Riêng về huyện NTM, hiện mới có Nghĩa Hành, còn Tư Nghĩa đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 
 
Góp ý về chỉ tiêu mà dự thảo báo cáo đề ra: "Đến năm 2025, có ít nhất 80% xã và 60% huyện đạt chuẩn quốc gia về NTM, trong đó ít nhất 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu", ông Long cho rằng, đây là con số quá cao. Ông Long lý giải: Hiện nay, các xã dễ hoàn thành tiêu chí NTM đã về đích, chỉ còn lại những xã miền núi khó thực hiện. Nếu chỉ tiêu đưa ra là 80% xã đạt NTM, thì trong 5 năm đến Quảng Ngãi phải có 30 xã về đích, nhưng hiện tại chỉ có 8/30 xã này đăng ký thực hiện NTM. Cùng với đó, nhiều huyện còn thiếu thiết chế về y tế, môi trường, rất khó để có 60% huyện đạt NTM vào năm 2025. 
 
Về nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, ông Long phân tích: Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi tổng hợp nhu cầu vốn hơn 49.000 tỷ đồng. Đây là con số quá cao, nên nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM được dự báo sẽ rất khó khăn. "Tỉnh cần giảm chỉ tiêu "đến năm 2025 có ít nhất 80% xã và 60% huyện đạt chuẩn NTM xuống còn lần lượt là 70% và 50%", ông Long kiến nghị.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.