Xây dựng chính quyền một cấp ở Lý Sơn: Nhiều bất cập cần được tháo gỡ

05:02, 22/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, đến ngày 15.3 tới sẽ hoàn thành việc bàn giao nhiệm vụ của chính quyền cấp xã và đi vào vận hành chính quyền một cấp huyện Lý Sơn từ ngày 1.4.2020. 
Đến nay, huyện Lý Sơn đang khẩn trương sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vừa giải thể và kiện toàn lại các tổ chức cơ sở đảng, nhằm chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, cả 2 nhiệm vụ này hiện đang gặp nhiều khó khăn vì vướng các cơ chế, chính sách.
 
Nhiều khó khăn, bất cập 
 
Sau khi giải thể chính quyền 3 xã ở huyện Lý Sơn có 57 cán bộ, công chức (CBCC) cần được bố trí nhiệm vụ mới. Để đảm bảo quyền lợi cho số CBCC này, huyện Lý Sơn đã đề xuất tỉnh cho chuyển về huyện và bố trí công tác ở các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, hội đoàn thể (29 CBCC) và khối chính quyền (28 CBCC). Việc bố trí như vậy sẽ không có cán bộ dôi dư. Tuy nhiên, chính sách cho số cán bộ này hiện chưa được cấp thẩm quyền quyết định. 
Từ ngày 1.4.2020, huyện Lý Sơn sẽ không còn chính quyền cấp xã.  Trong ảnh: Trụ sở HĐND - UBND xã An Vĩnh.
Từ ngày 1.4.2020, huyện Lý Sơn sẽ không còn chính quyền cấp xã. Trong ảnh: Trụ sở HĐND - UBND xã An Vĩnh.
Theo đại diện Ban Tổ chức Huyện ủy Lý Sơn, huyện phải hoàn thành công tác bàn giao công việc của chính quyền cấp xã trước ngày 15.3 tới. Trong khi đó, đến nay chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền về giao biên chế của cấp xã cho huyện sắp xếp, bố trí CBCC xã theo phương án đề ra. Một khó khăn khác là, với số CBCC cấp xã dôi dư hiện nay, đa số có trình độ, năng lực hạn chế, nên khó khăn trong bố trí theo vị trí việc làm khi chuyển về huyện. Hơn nữa, cũng chưa có chế độ, chính sách cho thôi việc đối với đội ngũ không chuyên trách cấp xã.
 
Sớm giải quyết những vướng mắc
 
Cùng với sắp xếp, bố trí lại đội ngũ CBCC cấp xã để đi vào vận hành chính quyền một cấp, đồng thời chuẩn bị tổ chức đại hội các chi, đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ mới, huyện Lý Sơn đã giải thể 3 đảng bộ cấp xã và kiện toàn lại các tổ chức đảng cơ sở trực thuộc đảng ủy các xã trước đây. Theo đó, thành lập Đảng bộ giáo dục và chuyển các chi bộ trường học về trực thuộc Đảng ủy giáo dục; nâng cấp chi bộ thôn thành chi bộ cơ sở trực thuộc đảng bộ huyện. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang gặp khó. Vì với chi bộ thôn, khi giải thể cấp xã, khối lượng công việc sẽ tăng lên, trách nhiệm, áp lực công việc của bí thư, phó bí thư, chi ủy viên khá lớn...
 
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết: Việc giải thể các đơn vị hành chính cấp xã, nhằm đổi mới, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được đông đảo CBCC, viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để vận hành chính quyền một cấp huyện Lý Sơn từ ngày 1.4 tới được thuận lợi, hiệu quả, thì Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan của tỉnh cần quan tâm, sớm có phương án để giải quyết những vướng mắc, phát sinh nêu trên.
 
Bài, ảnh: X. THIÊN
 
 

.