Tăng tốc về đích

05:02, 19/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Không chỉ là năm về đích, mà đây còn là năm chuẩn bị cho cả nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng. Những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt ra trong năm 2020 đã thể hiện quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015  -  2020.  
Dấu ấn công nghiệp
 
Công nghiệp được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Từ định hướng của Tỉnh ủy, các cấp, ngành triển khai thực hiện nhiều giải pháp thực thi nhiệm vụ. Trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn.
 
Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm tăng bình quân từ 6 - 7%. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn luôn chiếm tỷ lệ cao. Chỉ tính trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 126.400 tỷ đồng, tăng 8,8%, vượt 3,2% kế hoạch. 
 
Xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đặt mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2020.
Xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đặt mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2020.
Với mục tiêu sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa dầu, hóa chất; ưu tiên phát triển những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trên thị trường trong quá trình hội nhập.
 
Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà cho biết: Năm 2020, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị cao và công nghệ tiên tiến đảm bảo yếu tố môi trường, sản phẩm của doanh nghiệp làm ra có kết nối liên kết với trong nước và nước ngoài...
 
Hạ tầng giao thông và đô thị ngày càng hoàn thiện
 
Song song với phát triển công nghiệp, Quảng Ngãi xác định phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội. Tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội, cùng ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại. 
 Công nhân Nhà máy South Sea Leather Dung Quất (KKT Dung Quất) trong ca làm việc.                                                                                                              Ảnh: NHƯ Ý
Công nhân Nhà máy South Sea Leather Dung Quất (KKT Dung Quất) trong ca làm việc. Ảnh: NHƯ Ý
Các đô thị trung tâm như TP.Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà)... đã được đầu tư xây dựng và nâng tầm đô thị theo đúng lộ trình. Với vị thế là đầu tàu phát triển của tỉnh, TP.Quảng Ngãi đã tập trung phát triển hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ. Không gian thành phố phát triển theo hướng mở về phía biển, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa khu vực trung tâm và vùng ven. Đến nay, TP.Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, tỷ lệ đô thị hóa đạt 48%.
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 của thành phố gần 7.000 tỷ đồng và trong 4 năm qua là trên 23.000 tỷ đồng. Nguồn đầu tư này đã góp phần giúp diện mạo của thành phố và các xã, phường ngày càng khang trang. Năm 2020, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng các xã thành phường, thực hiện các công trình, dự án đã ghi trong danh mục đầu tư trung hạn 2015 - 2020 và các công trình, dự án trọng điểm, nâng cấp chỉnh trang đô thị, tiếp tục nâng cao chất lượng nông thôn mới...
 
Nông thôn khởi sắc
 
Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, ưu tiên 6 huyện miền núi là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, Quảng Ngãi đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch Trung ương giao đến năm 2020. Đến nay, huyện Tư Nghĩa đã đạt tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới, là huyện thứ hai của tỉnh về đích xây dựng nông thôn mới.
 
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết: Huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng không những tạo thuận lợi đi lại, mà còn giúp thông thương hàng hóa, tạo sức hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó giải quyết việc làm, tạo thu nhập bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN
 
 
 

.