Đảng bộ huyện Minh Long: Chú trọng xóa nghèo, chăm lo đời sống nhân dân

02:02, 12/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trung bình mỗi năm huyện Minh Long giảm 7,2% hộ nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của Minh Long chỉ còn 18%. Đây là kết quả giảm nghèo tốt nhất trong số các huyện miền núi của tỉnh. Kết quả đó đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ huyện Minh Long trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống cho nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Xác định thế mạnh của địa phương là phát triển nông - lâm nghiệp, liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Minh Long tập trung chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Từ nhiều nguồn vốn, huyện đã tập trung đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi trọng điểm; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; triển khai thí điểm nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả cao... 
Diện mạo trung tâm huyện Minh Long ngày càng khởi sắc.          Ảnh: X.Hiếu
Diện mạo trung tâm huyện Minh Long ngày càng khởi sắc. Ảnh: X.Hiếu
Hiện nay, ngoài những cây trồng chủ lực như keo, mì, chè truyền thống, huyện Minh Long chú trọng phát triển và hình thành nhiều mô hình sản xuất mới mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Đinh Văn Tiến, ở xã Long Sơn cho biết: "Trước đây gia đình tôi làm nương rẫy, trồng keo, mì. Mấy năm gần đây chuyển đổi sang chăn nuôi vườn - ao - chuồng. Tôi nuôi những giống cá mang lại giá trị kinh tế cao và gà thả vườn với 300 -  500 con/lứa. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng, đời sống tốt hơn trước rất nhiều".
 
Huyện Minh Long hiện có trên 150ha chè và dự kiến đến năm 2023, địa phương sẽ phát triển thêm 500ha nữa. Để đảm bảo nguồn giống cung ứng, huyện khuyến khích phát triển các cơ sở ươm giống chè bản địa. Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết: "Để phát triển cây chè thì phải là giống chè địa phương. Chúng tôi khuyến khích người dân cùng tham gia ươm giống. Chính các hộ dân sẽ liên kết với các doanh nghiệp để có nguồn cung ứng giống chè bản địa, phục vụ nhu cầu phát triển diện tích chè của huyện".
 
Từ những chủ trương, định hướng đúng đã góp phần nâng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp huyện Minh Long và tăng bình quân 8,5%/năm. Sản lượng lương thực đạt trên 7.000 tấn. Đàn trâu bò tăng lên gần 8.000 con. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,5%. Đến nay, huyện Minh Long có xã Long Sơn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên toàn huyện là 14,2 tiêu chí/xã.  
 
Một trong những đột phá của huyện Minh Long là ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Sau khi được công nhận là đô thị loại V vào năm 2015, huyện tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu đưa xã Long Hiệp trở thành thị trấn vào năm 2020... Ông Nguyễn Tấn Diệu, ở xã Long Hiệp bày tỏ: "Diện mạo của quê hương từ nông thôn đến đô thị đổi thay rất lớn, ngày càng khang trang. Đường làng ngõ xóm được khai thông. Người dân có điều kiện giao thương, phát triển kinh tế".
 
Theo Bí thư Huyện ủy Minh Long Huỳnh Thị Ánh Sương, thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục chọn những giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là tập trung triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm”; quảng bá thương hiệu chè Minh Long, tìm đầu ra để mở rộng diện tích cây chè. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. "Tiếp nối những thành quả đạt được, Đảng bộ, quân và dân huyện Minh Long tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh và văn minh", bà Huỳnh Thị Ánh Sương chia sẻ.
 
THANH THUẬN
 
 
 

.