Nâng cao chất lượng lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

04:01, 09/01/2020
.
Tại phiên họp thứ 41 diễn ra vào chiều 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL).
Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL). 
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn  Hoàng
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan soạn thảo) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
 
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến vào 2 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật liên quan đến trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
 
Báo cáo, làm rõ về 2 nội dung nêu trên tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội lựa chọn Phương án 2 do Chính phủ trình là cơ bản giữ như Luật hiện hành quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; đồng thời đề nghị bổ sung các quy định nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của từng chủ thể, nâng cao sự chủ động cho các cơ quan của Quốc hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình.
 
Một số ý kiến tán thành Phương án 1 do Chính phủ trình là giao cơ quan trình dự án chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
 
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, tại kỳ họp thứ 8 cả 2 phương án của Chính phủ trình đã được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án; tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị lựa chọn Phương án 2 của Chính phủ.
 
Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong Luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.
 
Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật, thì quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo quy trình tại 2 kỳ họp và 3 kỳ họp.
 
Về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quy định về lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện nay.
 
Một số ý kiến đề nghị đổi mới công tác lập Chương trình theo từng kỳ họp Quốc hội.
 
Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của Quốc hội trong việc quyết định chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để các cơ quan trình làm căn cứ cho việc soạn thảo dự án.
 
Về vấn đề này, theo ông Hoàng Thanh Tùng, trong quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật BHVBQPPL năm 2015 đã có sự đổi mới căn bản về quy trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo dự án.
 
Những tồn tại, hạn chế trong công tác lập Chương trình thời gian qua như ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu một phần là do quy trình lập Chương trình có nhiều điểm còn khá mới, các cơ quan chưa theo kịp, nhưng phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt.
 
Do đó, không nên thay đổi quy trình, mà trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện.
 
Loại ý kiến thứ hai tán thành với đánh giá về những hạn chế trong lập và triển khai Chương trình phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện; tuy nhiên cũng đề nghị nghiên cứu tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu Quốc hội, làm rõ hơn trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc cho ý kiến, thông qua chính sách trong các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình để làm cơ sở cho cơ quan trình tiến hành việc soạn thảo.
 
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy trình lập Chương trình như hiện nay mới được sửa đổi và thực hiện trong thời gian ngắn. Việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định về từng chính sách trong tất cả các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình tuy thống nhất với quy trình 2 bước trong lập Chương trình, nhưng để thực hiện được đòi hỏi Quốc hội phải bố trí lượng thời gian lớn hơn nhiều cho việc xem xét, cho ý kiến đối với các chính sách này khi thông qua Chương trình, như vậy sẽ không phù hợp với quỹ thời gian của kỳ họp Quốc hội.
 
Tuy nhiên, có thể tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để đổi mới một bước công tác thẩm tra, cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lập dự kiến Chương trình trình Quốc hội.
 
Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho giữ quy trình xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp Quốc hội cơ bản như hiện nay, nhưng có sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình lập dự kiến Chương trình. Cụ thể, sửa đổi quy định trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải có “Đề cương chi tiết dự thảo luật, pháp lệnh” (thay cho Đề cương như hiện nay), trong đó thể hiện rõ những chính sách được đề xuất (điểm đ khoản 1 Điều 37).
 
Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra về sự cần thiết ban hành, các chính sách trong từng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực phụ trách trước khi gửi đến Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, báo cáo UBTVQH (khoản 2 Điều 47); UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về nội dung chính sách khi xem xét các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (khoản 1 Điều 48).
 
Bổ sung quy định cơ quan soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình lập Chương trình để soạn thảo dự án luật, pháp lệnh.
 
Đồng thời, đề nghị UBTVQH yêu cầu cơ quan trình dự án, các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh cần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, làm đầy đủ trách nhiệm của mình theo đúng quy định của Luật.
 
Đối với các vấn đề khác như: Quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản; mở rộng hình thức nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch; về lập đề nghị xây dựng một số nghị định, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; xây dựng văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; việc quy định thủ tục hành chính và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật…, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với hướng xử lý như Chính phủ đề xuất và có góp ý thêm về một số vấn đề cụ thể khác. Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo dự kiến sơ bộ những nội dung tiếp thu, giải trình như trong dự thảo Báo cáo đầy đủ.
 
“Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học… để tiếp thu, hoàn chỉnh, báo cáo UBTVQH trước khi trình Quốc hội”, ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
 
Theo Nguyễn Hoàng/Chinhphhu.vn
 

.