Xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (kỳ 1)

09:10, 31/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây gần tròn 90 năm, Đảng ta đã ra đời. Dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng ta đều vượt qua và không ngừng lớn mạnh; đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thì cần tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là nền tảng để Đảng ta tiếp tục lớn mạnh, vững vàng trước mọi thử thách.
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Khi Đảng ta “nhìn thẳng, nói thật”

Thừa nhận sai lầm, không giấu giếm khuyết điểm... là bản chất quý báu của Đảng ta. Tính ưu việt đó bắt nguồn từ truyền thống và tính cách trung thực của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng đi đến bến bờ vinh quang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên là có sai lầm”; đồng thời cho rằng, điều quan trọng ở đây là cần thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và có quyết tâm sửa chữa thì Đảng ta, cán bộ ta mới tiến bộ hơn. Bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chỉnh đốn để Đảng ta mạnh hơn

Ông Vũ Tùng Vi, cán bộ hưu trí ở phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi cho biết: Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam". Do đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải thực hiện thường xuyên; coi đó là nhiệm vụ lâu dài, bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng, vì đây là nền tảng của Đảng.

 

Lãnh đạo Đảng ủy phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) nghe cán bộ báo cáo kết quả công tác tuần và chỉ đạo xử lý những phản ánh của người dân.    Ảnh: PV
Lãnh đạo Đảng ủy phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) nghe cán bộ báo cáo kết quả công tác tuần và chỉ đạo xử lý những phản ánh của người dân. Ảnh: PV
Thực tế cho thấy, Đảng mạnh là nhờ chi bộ tốt; chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt. Điều này được đúc kết từ thực tiễn trong suốt gần 90 năm hoạt động của Đảng. Từ Đại hội VI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị… liên quan đến công tác xây dựng Đảng. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ... được xem là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng.

Theo ông Vũ Tùng Vi, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) là tất yếu khách quan, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay và thời gian đến; thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là “nhìn thẳng, nói thật”; không giấu giếm sai lầm, khuyết điểm. Minh chứng cho quan điểm đó của Đảng là, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ cao cấp (có một số phải xử lý hình sự) và kỷ luật 7 tổ chức đảng…“Đa phần cán bộ, đảng viên đều đồng tình với quan điểm chỉ đạo, xử lý những cán bộ sai phạm, tiêu cực trong thời gian qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Điều đó chỉ làm Đảng ta mạnh thêm, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; nâng cao uy tín của Đảng và sự tin cậy của các đối tác với Việt Nam…”, ông Vi nhấn mạnh.

“Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

 Chủ tịch HỒ CHÍ MINH

Không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, Đảng ta khẳng định là “không có vùng cấm”. Vì thế, nhiều cán bộ sai  phạm từ trung ương đến cơ sở đều được xử lý công khai, nghiêm minh, kể cả xử lý hình sự; nên không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hoặc “đóng cửa bảo nhau”.

Từ đầu nhiệm kỳ XIX đến nay, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, UBKT các cấp và chi bộ trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 744 đảng viên (có 200 cấp ủy viên), gồm khiển trách 449, cảnh cáo 142, cách chức 20 và khai trừ 48. Trong đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 5 đảng viên (3 tỉnh ủy viên), gồm khiển trách 3, khai trừ 2... Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Hồ Ngọc Thịnh cho rằng: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Đồng thời, kiểm tra, giám sát là công việc của toàn Đảng và từng đảng viên, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của UBKT”.
Năm 2018 và 2019, UBKT Tỉnh ủy đã ban hành và công khai nhiều Kết luận kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng.   Ảnh: PV
Năm 2018 và 2019, UBKT Tỉnh ủy đã ban hành và công khai nhiều Kết luận kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng. Ảnh: PV

Theo nguyên Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu, việc công khai nội dung kết luận kiểm tra, giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát đảng viên, góp phần răn đe, giáo dục cho nhiều cán bộ, đảng viên khác. Dung túng, bao che sai phạm của cán bộ, đảng viên là làm cho họ “hư thêm”, dân thì mất niềm tin.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ra đời là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi” lại mình và từng tổ chức đảng “gạn đục khơi trong”, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 44 tổ chức đảng, 41 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Sau kiểm điểm, các tập thể, cá nhân đều xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm và đã thực hiện xong. Một số tổ chức đảng có gần 20 năm xếp loại trong sạch, vững mạnh và tiêu biểu, nhưng khi có khuyết điểm cũng mạnh dạn nhận trách nhiệm, như Đảng bộ phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), thị trấn La Hà (Tư Nghĩa)...

Mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ thay mặt lãnh đạo tỉnh xin lỗi nhân dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) về những sai sót của cán bộ cấp dưới khi thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đức Phổ. Đây là minh chứng cho tinh thần không giấu giếm khuyết điểm; thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm với dân và quyết tâm sửa chữa của người đứng đầu Tỉnh ủy khi cấp dưới để xảy ra sai sót. Một số cấp ủy trong tỉnh còn tổ chức tiếp công dân, đảng viên định kỳ hằng tháng; tiếp xúc, đối thoại và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những bức xúc của dân… “Đây cũng là cách để Đảng gần và hiểu dân hơn, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời, sát, đúng với thực tiễn”, nguyên Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu nói.

Nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Lê Nam Hà thì nhìn nhận: Kết quả lớn nhất mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) mang lại là đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xốc lại sức mạnh của Đảng; loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đảng viên, tổ chức đảng trong tỉnh thực hiện còn hình thức, ngay cả việc học tập và làm theo Bác cũng vậy. Tình trạng dĩ hòa, vi quý, ngại nói thẳng, không dám đấu tranh ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán… vẫn còn diễn ra ở một số chi bộ. Việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu một số nơi chưa tốt, nói không đi đôi với làm; còn để cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật.

Những tồn tại đó tuy không phổ biến, nhưng sẽ là thách thức không nhỏ đối với Đảng nói chung và Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nói riêng trong thời gian đến, nếu các cấp ủy không quyết liệt xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Tránh xa những cám dỗ vật chất

Nói về việc xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “...Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi rọi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường...”

 P.ĐỨC - SA HUỲNH - B.SƠN
----------------------------
Kỳ 2: Hạt nhân của Đảng phải thật sự “sáng và chất lượng”



 

.