Nhận diện hành vi tham nhũng (kỳ 1)

01:10, 26/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi, gây xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Do đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) là công việc cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Mặt khác, để công tác PCTN thực sự có hiệu quả, thì yếu tố quan trọng đầu tiên là cần nhận diện rõ động cơ, hành vi của đối tượng tham nhũng, từ đó đề ra giải pháp xử lý...
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Hệ lụy của nạn “tham nhũng vặt”

“Tham nhũng vặt” thường có giá trị không lớn, nhưng được ví như “ổ mối ăn mòn chân đê”, nếu không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Bởi lẽ, đây là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn, nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi cho cá nhân.

“Tham nhũng vặt” xuất hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng nhiều nhất là trong lĩnh vực đất đai, xin việc làm; trật tự giao thông, đô thị; giải quyết các chế độ chính sách, thủ tục hành chính, “chạy trường, chạy lớp” cho con... Thực trạng đó đã và đang gây ra nhiều bức xúc cho xã hội.

Khởi nguồn của “tham nhũng vặt”

Qua điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, một số cán bộ công an, tòa án nhận định, khởi nguồn của hành vi “tham nhũng vặt” bắt đầu từ những bữa tiệc, món quà đơn giản mà một số người dùng để “trả ơn” cho những người có chức quyền đã giúp đỡ một công việc nào đó... Tuy nhiên, vì lòng tham mà một số người có chức quyền đã “gây khó” cho tổ chức, cá nhân nhằm để nhũng nhiễu, vụ lợi.
Xã Bình Chương (Bình Sơn), nơi có cán bộ chủ chốt có hành vi “vòi tiền” doanh nghiệp, bị xử lý kỷ luật.             ẢNH: PV
Xã Bình Chương (Bình Sơn), nơi có cán bộ chủ chốt có hành vi “vòi tiền” doanh nghiệp, bị xử lý kỷ luật. ẢNH: PV
Theo một cán bộ Công an tỉnh, vụ việc liên quan đến hai cán bộ chủ chốt ở xã Bình Chương (Bình Sơn) nếu không có sự tố giác và ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự. Bởi lẽ, hai người này “đã đặt vấn đề” yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền mới được khai thác cát, nhưng rất may là hành vi này chưa xảy ra. Đây là hành vi biểu hiện của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, làm mất uy tín bản thân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Với hành vi đó, hai cán bộ chủ chốt ở xã Bình Chương đã bị cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bình Chương, nhiệm kỳ 2015 - 2020.  

Thực tế cho thấy, khởi nguồn của hành vi “tham nhũng vặt” xuất phát từ lòng tham, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây mất niềm tin trong nhân dân. Hành vi “tham nhũng vặt”, nếu không phát hiện, xử lý kịp thời thì sẽ để lại những hậu quả rất lớn, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan công quyền. Điển hình như vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Thượng (Sơn Hà) và kế toán, do không kiểm soát được “lòng tham” của bản thân, nên đã tham ô của Nhà nước 30 triệu đồng. Hay như vụ bà Đào Thị Vân Anh, kế toán Đài Truyền thanh huyện Sơn Hà, bị truy tố, xét xử 2 năm tù về tội “tham ô tài sản”... Những hành vi đó là mầm mống làm suy thoái, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên; đe dọa sự vững bền của chế độ.

"Tình trạng “tham nhũng vặt” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã  làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường thu hút đầu tư, cải cách hành chính của tỉnh; nghiêm trọng hơn là giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc chấn chỉnh nạn “tham nhũng vặt”; xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, phục vụ người  dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn".

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VIẾT CHỮ

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện “tham nhũng vặt”, một cán bộ công tác ở Ban Nội chính Tỉnh ủy nói: “Dù chưa phải là phổ biến, nhưng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua chúng ta vẫn thường xuyên nghe người dân, doanh nghiệp “rỉ tai” nhau chuyện phải “lót tay”, “bôi trơn”... khi làm thủ tục liên quan đến đất đai, nhà ở, việc làm, xin dự án...”.

Thực tế cho thấy, đây không còn là câu chuyện của dư luận, mà đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Như vụ cán bộ hợp đồng xã Phổ Vinh Nguyễn Trung Tỉnh (đã khởi tố) và Huỳnh Tấn Lực, công chức địa chính xã Phổ Hòa (Đức Phổ), bị tố giác có hành vi “vòi tiền” của người dân khi làm nhiệm vụ. Tại Phòng TN&MT huyện Trà Bồng và xã Trà Tân (Trà Bồng), hiện cơ quan công an cũng đang điều tra dấu hiệu tham nhũng trong tham mưu giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ dân tại suối Loa (Trà Tân) không thuộc diện được giao đất. 

Điều đáng lo ngại là, phần lớn các vụ việc tham nhũng, tiêu cực không phải do cơ quan, đơn vị phát hiện, mà chủ yếu là qua đơn thư khiếu nại, tố cáo, hoặc qua kiểm tra, giám sát của cấp trên. Như vụ ông Nguyễn Văn Toàn, cán bộ địa chính xã Bình Long (Bình Sơn), cùng một số cán bộ khác đã “nhận tiền bồi dưỡng” của người dân khi làm thủ tục đất đai, với tổng số tiền trên 200 triệu đồng. Riêng ông Toàn đã “mượn và nhận” tiền của người dân gần cả tỷ đồng, bị tòa kết án 6 năm tù giam...

Ngay trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự tưởng chừng khó xảy ra tiêu cực nhưng rồi vẫn có. Điển hình là vụ ông Hà Quốc Vũ (1984), Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đức Lân (Mộ Đức), đã nhận 33 triệu đồng của 5 gia đình và hứa không gọi con của 5 hộ gia đình này đi nghĩa vụ quân sư, nên bị tòa kết án 3 năm tù giam. Cũng với hành vi trên, UBKT Huyện ủy Đức Phổ đã kỷ luật cảnh cáo đối với Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phổ Thuận Lữ Thiện Nguyên; Đảng ủy xã Phổ Thuận có quyết định cách chức Chi ủy viên Chi bộ Vùng 5, xã Phổ Thuận đối với ông Nguyễn Của.

Điểm lại những vụ án đã xảy ra trên địa bàn tỉnh trong những năm qua để thấy rằng, ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên bị đồng tiền cám dỗ, dẫn đến thoái hóa, biến chất.

“Tham nhũng vặt” là hành vi nguy hiểm

Khoản 2, Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ  lợi. Còn theo từ điển tiếng Việt, từ “vặt” ở đây có nghĩa là nhỏ bé, không quan trọng, nhưng thường xảy ra. Như vậy, “tham nhũng vặt” được hiểu là hành vi nhũng nhiễu, trục lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp...


 Nhóm PV Nội Chính

-------------
*Kỳ cuối: Cuộc đấu tranh đầy cam go





 

 


.