Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 -10.10.2019)
Xanh thẳm bầu trời thu Hà Nội...

10:10, 10/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đúng rồi, đang trong tiết thu mà! Tiết trời mùa thu có khác: Mây xanh, trời cao lồng lộng, gió nhẹ, không mưa... Mùa thu ấy đã đi vào lòng người, làm xao xuyến bao thế hệ người dân Hà thành và những ai mến yêu Hà Nội...
TIN LIÊN QUAN

Đi dạo trên các con phố Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, quanh hồ Hoàn Kiếm, ngắm nhìn tháp Bút, tháp Rùa soi bóng nước; dâng nén nhang thơm ở đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Tượng đài Lý Thái Tổ, Tượng đài Lê Lợi; dừng bước trước Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ngồi uống café ở Nhà hàng Thủy Tạ hay tìm đến quán trà sen, giải khát phố cổ... là những thú vui trong ngày nghỉ của người dân Hà thành và người dân mọi miền đất nước khi về với Thủ đô Hà Nội.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.                        ẢNH: HOÀNG HÀ
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. ẢNH: HOÀNG HÀ

Bên hồ Hoàn Kiếm, hàng trăm, hàng nghìn người, già có, trẻ có; những nam thanh, nữ tú ăn mặc đủ mốt tây, ta... an nhiên dạo phố. Lũ con trẻ tha hồ đùa nghịch; người lớn tuổi bước đi chậm rãi như đếm đá lát vỉa hè, khiến ai cũng cảm nhận một không gian thanh bình nơi đây...

Đâu đó, bên cạnh ngọn đèn trang trí ngang lưng thân cây sấu già, văng vẳng lời ca trong veo, thánh thót: “Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/ Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/ Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi, Hà Nội ơi! Ta chưa quên, ta chưa quên một mùa thu/ Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng”.

Sau 11 năm mở rộng địa giới Thủ đô (2008 - 2019), Hà Nội mang diện mạo mới của thành phố xanh - sạch - đẹp - sáng, “Thành phố Vì hoà bình” - Điểm đến của bạn bè quốc tế. Những con đường mới mở 6 - 8 làn xe, những cây cầu dài 4 - 5 cây số bắc qua sông Hồng, những khu đô thị hiện đại mới mọc lên ở các quận, huyện vệ tinh đang chia sẻ dân số cho các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là minh chứng cho một Thủ đô phát triển bền vững và hội nhập.

Ôi! Tác phẩm âm nhạc nổi tiếng viết về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Ký: “Trời Hà Nội xanh”! Đúng thật. Phải là Hà Nội vào thu, trời mùa thu, thì tác giả mới cảm thấy tràn ngập một màu xanh chủ đạo: “Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như tóc em xanh”.

Và mùa thu cũng xanh (chứ không phải thu vàng - mùa thay lá), xanh tươi đến trong veo của tiếng cười tuổi trẻ, họ đang tràn đầy niềm tin yêu, căng tràn nhựa sống. Lời bài ca như thơ, như họa, chứ đâu chỉ có nhạc! Nhưng giọng nữ ca sĩ kia thì khó đoán, chẳng rõ là Lê Dung, Vũ Hoa hay Anh Thơ, Tân Nhàn; chỉ biết đó là giọng ca quen lắm, gần gũi, thân thuộc lắm; đã không ít lần làm say đắm, mê mệt biết bao thế hệ người Hà Nội.

Hà Nội đang trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10). Ngày này hơn sáu thập kỷ trước, hàng triệu người dân Hà Nội ăn mặc áo quần lễ hội, rảo bước trên đường phố mừng vui đón chào đoàn quân từ “năm cửa ô” tiến về tiếp quản Hà Nội.

Đó là, “Một ngày thu non sông chiến khu về/ Đường vang tiếng hát cuốn dòng người/ Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê đón Cha về/ Kín trời phấp phới vàng sao” (nhạc phẩm Người Hà Nội) mà Nguyễn Đình Thi đã dự báo từ năm 1947. Những ngày thu tháng 10 năm ấy được nhà thơ Tố Hữu diễn tả bằng hình ảnh thật đẹp đẽ, hoành tráng: “Trên đường ta về lại Thủ đô/ Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”.

Để có ngày vui khải hoàn, Hà Nội và cả nước đã phải gồng mình lên, chịu đựng biết bao gian khổ, hy sinh với 9 năm trường kỳ kháng chiến (1946 - 1954) - cuộc chiến “ba ngàn ngày không nghỉ”. Quân và dân Hà Nội hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, nhất tề đứng lên cầm gươm, súng, giáo mác đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do.

Đó là những ngày: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên/ Hà Nội vùng đứng lên, sông Hồng reo”, “Bùng cháy khắp phố, ta ơi/ Vùng lên, chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu”. (Nguyễn Đình Thi). Và đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược của dân tộc Việt Nam là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (5.1954), “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genevơ, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương!

Quảng trường Ba Đình, trước Tòa nhà Quốc hội là nơi được nhiều người dân trong và ngoài nước lựa chọn khi đến Thủ đô Hà Nội.   ẢNH: HOÀNG HÀ
Quảng trường Ba Đình, trước Tòa nhà Quốc hội là nơi được nhiều người dân trong và ngoài nước lựa chọn khi đến Thủ đô Hà Nội. ẢNH: HOÀNG HÀ

Phát huy tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng, Hà Nội vẫn bền gan, vững chí, chắc tay súng, vững tay búa, tay cuốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; sẵn sàng chi viện lớn cho đồng bào miền Nam ruột thịt, đánh thắng chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ.

Nhân dân Hà Nội đã tiễn đưa hàng chục vạn người con ưu tú của mình đi chiến trường đánh Mỹ với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hà Nội luôn đi đầu, là cái nôi của các phong trào: “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”, “Cánh đồng 5 tấn”, “Chiếc gậy Trường Sơn”... Ở hậu phương, quân và dân Hà Nội lại viết tiếp trang sử lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không” mùa đông năm 1972: “Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/ Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”. Đầu năm 1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân về nước, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hơn 30 năm qua, tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hà Nội luôn kiên định về lập trường tư tưởng, sáng tạo, quyết đoán trong hành động, chung sức xây dựng và bảo vệ Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Đi giữa mùa thu Hà Nội, trời cao trong xanh, đầy nắng và gió, ta tự hào hai tiếng Việt Nam vang lên trên diễn đàn quốc tế. Tự hào về Hà Nội, trái tim hồng của cả nước, Hà Nội anh hùng và nhân ái. Bất giác, tôi nhớ lời ca hào sảng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô/ Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”.

Duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao

Hà Nội tự hào về tăng trưởng GDP liên tục 7,5 - 8%/năm, chỉ số PCI xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 cả nước; chỉ số hài lòng của người dân đối với chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/năm (năm 2018) tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010. Hà Nội vừa kết thúc thắng lợi cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố (HN-19), qua đó góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống.

 

(Theo Báo Hà Nội mới)




 

 


.