Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

03:10, 19/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.
TIN LIÊN QUAN

Trong thời điểm các cấp ủy triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì việc ban hành và thực hiện Quy định 205 càng cần thiết đối với công tác chuẩn bị nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo.

Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ (CB) và chống chạy chức, chạy quyền, Quy định này chia nhiều nhóm nội dung.

Thứ nhất là, cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực theo 6 chủ thể là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác CB để gắn trách nhiệm, nêu những việc phải làm, không được làm đối với từng nhóm chủ thể này.

Thứ hai là, quy định về hành vi: Nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Trong một số văn bản của Đảng đã nêu vấn đề này, nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Việc chỉ rõ như trong quy định làm cơ sở cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý và giúp cho CB, đảng viên, nhân dân, MTTQ và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào đó để phát hiện, tố giác, phản ánh.

Thứ ba là, bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Bộ Chính trị đã có Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngoài hình thức xử lý theo Quy định 102, người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, thì còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch CB, với thời hạn tương ứng là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, CB, kiểm tra, thanh tra. Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật...

Thứ tư là, đề cao trách nhiệm nêu gương của CB, đảng viên, nhấn mạnh tính tự giác. Những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác CB phải tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý khi có người thân là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác CB. Nhân sự thì phải tự giác không ứng cử, hoặc nhận đề cử khi thấy mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khỏe...
 
Đây cũng chính là việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của CB, đảng viên, thực hành xây dựng Đảng về đạo đức, hình thành nét văn hóa, lòng tự trọng của CB, đảng viên trong vấn đề này. Quy định này cũng nghiêm cấm nhân sự trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phát tán thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật, nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác CB.

Thứ năm là, quy định này có những nội dung nhằm đảm bảo tính khách quan cho những người thực thi nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn tiêu cực, “lợi ích nhóm,” “hoàng hôn nhiệm kỳ” có thể xảy ra trong công tác CB.

Công tác CB là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ CB các cấp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng. Do đó, Quy định 205 đã đề ra cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực trong công tác CB với những biện pháp cụ thể, cần thiết và khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều mà CB, đảng viên và nhân dân mong đợi nhất là làm sao để Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác CB và chống chạy chức, chạy quyền đi vào đời sống.

THANH THUẬN
 

.