Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển

04:10, 18/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung trao đổi của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Đức On với phóng viên Báo Quảng Ngãi, nhân dịp Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ngãi, lần thứ III - năm 2019.
TIN LIÊN QUAN

PV: Xin ông cho biết đôi nét về điều kiện tự nhiên và con người ở vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh?

Ông NGUYỄN ĐỨC ON: Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố; trong đó có 6 huyện miền núi, dân số 1.304.379 người, có 4 dân tộc chính (Kinh, Hrê, Cor, Ca Dong). Đồng bào các DTTS có 51.324 hộ, với 194.369 khẩu, chiếm 14,90% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh. Đây là vùng đất có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao hiểm trở, là địa bàn xung yếu cả về kinh tế và an ninh quốc phòng của tỉnh; là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó và một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ; kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc; đã làm nên các cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi ở miền Nam, góp phần viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương Quảng Ngãi và dân tộc Việt Nam. Trong lao động sản xuất và đời sống, đồng bào các DTTS trong tỉnh luôn cần cù, chịu khó, sáng tạo; kiên trì, bền bỉ vượt qua khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor.         Ảnh: Đăng Lâm
Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor. Ảnh: Đăng Lâm
PV: Vậy trong giai đoạn 2014- 2019, tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi và vùng đồng bào các DTTS của tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông NGUYỄN ĐỨC ON: Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của trung ương, của tỉnh đối với khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS. Đồng bào các DTTS của tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần vượt khó, sáng tạo trong lao động; hưởng ứng nhiệt tình các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia ngày càng sâu rộng vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các phong trào, các cuộc vận động lớn, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... đã thu hút sự tham gia tích cực của người dân.     
      
Vùng đồng bào các DTTS và miền núi của tỉnh đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Chương trình cử tuyển đã tạo nguồn và hình thành đội ngũ cán bộ các cấp là người DTTS, góp phần quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát và xử lý các dịch bệnh trong cộng đồng luôn được quan tâm. Lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao chuyển biến tích cực; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì; công tác bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa, di tích lịch sử được chú trọng...

Tuy nhiên, khu vực miền núi và vùng DTTS của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể là, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào các DTTS sinh sống ít, không tập trung; tập quán sản xuất còn manh mún, chậm thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các DTTS chiếm tỷ lệ cao (54,61% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh)... Mê tín dị đoan, nghi kỵ đồ độc, học sinh bỏ học, tranh chấp, khiếu kiện đông người, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép... vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

PV: Trên cơ sở những hạn chế, tồn tại nêu trên, tỉnh có những định hướng như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các DTTS và miền núi của tỉnh, thưa ông?

Ông NGUYỄN ĐỨC ON: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài; đồng thời cũng là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay của chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS, tỉnh ta cần kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ trong tất cả các chương trình, chính sách. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào các DTTS để phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng - an ninh; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của đồng bào các DTTS và miền núi. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của đồng bào các DTTS.
 Nắng về trên bản làng Cor .               Anh: TL
Nắng về trên bản làng Cor . Anh: TL
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào các DTTS, như Chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư; chính sách giao đất, giao rừng; các chính sách tín dụng ưu đãi, xuất khẩu lao động để đồng bào các DTTS đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống...

Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ văn hóa, y tế, giáo dục...; quy hoạch, bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS. Đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị các cấp ở vùng DTTS, nhất là hệ thống cơ quan hành chính.

Phấn đấu đưa khu vực miền núi và vùng đồng bào các DTTS của tỉnh trở thành khu vực có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn; rút ngắn khoảng cách với các khu vực khác trong tỉnh, nhưng vẫn giữ được môi trường thiên nhiên, sinh thái tự nhiên, bảo đảm cho sự phát triển bền vững không chỉ cho khu vực miền núi, mà còn cho cả tỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thay đổi khá toàn diện

Sau 5 năm kể từ Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II, vùng đồng bào các DTTS ở tỉnh ta đã có bước thay đổi khá toàn diện; tỷ lệ giảm hộ nghèo và tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2014 - 2019 ở khu vực miền núi và vùng đồng bào các DTTS của tỉnh luôn vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư hoàn thiện; quy mô tổng sản phẩm vùng đồng bào các DTTS tăng lên đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; văn hóa - xã hội có những bước tiến mới, đồng bộ với phát triển kinh tế và quản lý, bảo vệ môi trường.

T.Hải - T.Nhị
(thực hiện)

 

.