Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi: Khẳng định vai trò trong đời sống báo chí tỉnh nhà

10:09, 26/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã tròn 30 năm kể từ ngày thành lập (26.9.1989 - 26.9.2019) và rất đỗi tự hào khi vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Hà Minh Đích nhân sự kiện này.    
TIN LIÊN QUAN
Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội báo Xuân, thu hút đông đảo bạn đọc đến xem.  Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ (đứng thứ ba, từ trái qua) tham quan Hội báo Xuân năm 2018.             Ảnh: T.L
Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội báo Xuân, thu hút đông đảo bạn đọc đến xem. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ (đứng thứ ba, từ trái qua) tham quan Hội báo Xuân năm 2018. Ảnh: T.L

PV: Xin ông cho biết quá trình hình thành và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi trong 30 năm qua.

Nhà báo Hà Minh Đích: Tôi nhận thấy, chặng đường 30 năm đối với Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh có nhiều cung bậc cảm xúc. Sau khi Tỉnh ủy có quyết định thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh và chỉ định Ban Thư ký lâm thời (26.9.1989), lẽ ra Hội sẽ sớm đi vào Đại hội lần thứ nhất, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên công việc chuẩn bị mất hơn 3 năm.
 
Nhiệm kỳ I của Hội sau đó lại phải kéo dài đến hơn 7 năm, trong khi Điều lệ quy định chỉ 5 năm. Thời kỳ đó, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh được coi là “Hội ba không”: Không biên chế, không trụ sở, không kinh phí và phương tiện làm việc. Phải đến nhiệm kỳ II (2000 - 2005), tổ chức Hội mới dần được củng cố, đến nhiệm kỳ III (2005 - 2010) thì bắt đầu hoạt động ổn định.
 

Giới báo chí Quảng Ngãi đạt nhiều giải thưởng cao

Qua 13 năm tổ chức Giải báo chí Quốc gia, Quảng Ngãi có 11 năm đoạt giải, với 26 giải thưởng của 55 lượt tác giả, giành đủ bộ giải thưởng từ giải A đến giải khuyến khích. Có thể nói đây là thành tựu nổi bật nhất của giới báo chí tỉnh, được đồng nghiệp cả nước ghi nhận. Đó là chưa kể đến các giải báo chí khác như: Giải báo chí vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Giải báo chí Búa Liềm Vàng, các cuộc Liên hoan Phát thanh, Liên hoan Truyền hình... Quảng Ngãi luôn có tác giả, tác phẩm được tôn vinh hằng năm.

Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị 37 ngày 18.3.2004 của Ban Bí thư “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, sau Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh lần thứ III, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đã đăng ký làm việc với lãnh đạo tỉnh để báo cáo tình hình hoạt động và những khó khăn của Hội. Ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chủ trì hai cuộc họp để cho chủ trương, cơ chế tháo gỡ những khó khăn của Hội. Kể từ đây, hoạt động của Hội bắt đầu đi vào nền nếp và phát triển, từng bước khẳng định vai trò trong đời sống báo chí và xã hội trên địa bàn tỉnh.
Toạ đàm “Nhà báo và mạng xã hội”.      Ảnh: Đăng Lâm
Toạ đàm “Nhà báo và mạng xã hội”. Ảnh: Đăng Lâm


PV: Vậy đâu là những kết quả nổi bật trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, thưa ông?

Nhà báo Hà Minh Đích: Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, Hội có công trình nghiên cứu, biên soạn “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 1930 - 2010”. Công trình này được thực hiện công phu, cung cấp những thông tin, tư liệu tương đối đầy đủ và có hệ thống về sự ra đời và các chặng đường phát triển của báo chí tỉnh nhà, từ đó nâng cao niềm tự hào, động viên giới báo chí vươn lên vun đắp sự nghiệp báo chí của tỉnh không ngừng phát triển.

Đối với hoạt động nghiệp vụ, hằng năm, Hội đều tổ chức Giải báo chí truyền thống của tỉnh hết sức nghiêm túc, chặt chẽ. Hoạt động này không những tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc, mà còn là nơi rèn bút, luyện nghề, góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng báo chí cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Từ “bệ phóng” Giải báo chí tỉnh, nhiều tác giả đã vươn tầm đến “sân chơi” danh giá hơn, đó là Giải báo chí Quốc gia.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên cũng là nét nổi bật của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh. Hội đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Đại học Phạm Văn Đồng mở lớp đại học báo chí hệ vừa học vừa làm khóa 2008 - 2012. Trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên-nhà báo, giai đoạn 2013 - 2015, giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, mỗi năm tổ chức từ 5 - 6 lớp học. Công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên - nhà báo của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh được đánh giá dẫn đầu khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, các cuộc hội thảo, tọa đàm, triển lãm ảnh, thâm nhập thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cũng được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện để hội viên nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.

Trong hoạt động xã hội, “Chương trình ly cà phê 50 ngàn” - Chương trình thiện nguyện của giới báo chí tỉnh nhà đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới báo chí và xã hội. Hàng trăm bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y, nhiều học sinh nghèo hiếu học, những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, những người bán báo dạo, người nghèo ở các vùng bị thiên tai... đã được giúp đỡ, sẻ chia kịp thời từ “Chương trình ly cà phê 50 ngàn”. Chương trình đã được Tỉnh ủy tuyên dương là một trong những “Tấm gương bình dị mà cao quý”...

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng sự bùng nổ của mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách đối với tổ chức Hội Nhà báo. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và mục tiêu hoạt động của Hội trong thời gian đến là gì?

Nhà báo Hà Minh Đích: Quả thực, truyền thông xã hội phát triển không chỉ đặt ra thách thức lớn đối với báo chí truyền thống, mà còn là thách thức với ngay tổ chức Hội Nhà báo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hội viên - nhà báo như thế nào để nâng cao bản lĩnh chính trị, làm chủ công nghệ, rèn luyện kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại, trong khi nguồn lực của tổ chức hội luôn có hạn? Việc quản lý hội viên trên không gian mạng như thế nào để giữ được phẩm chất đạo đức nghề nghiệp báo chí?... Đó là những vấn đề không dễ có ngay đáp án.

Trong khi đó, do yêu cầu nhiệm vụ, các cơ quan báo chí đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Việc sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế trong các cơ quan báo chí như thế nào để không ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống, việc làm của hội viên - nhà báo cũng là điều đòi hỏi Hội phải quan tâm.

Tặng xe đạp cho học sinh nghèo từ Chương trình “Ly cà phê 50 ngàn”. Ảnh: Đăng Lâm
Tặng xe đạp cho học sinh nghèo từ Chương trình “Ly cà phê 50 ngàn”. Ảnh: Đăng Lâm

Tôi được biết, Thường trực Ban Bí thư đã có chủ trương tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư. Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã có kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ này, với yêu cầu là phải đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị 37, nêu rõ những hạn chế, vướng mắc, những vấn đề mới đang đặt ra, đề xuất giải pháp thiết thực, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với Quảng Ngãi, đi đôi với công tác tổng kết thực hiện Chỉ thị 37, là phải tổ chức tốt Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hai nhiệm vụ này có điểm giống nhau là phải xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, đồng thời tìm ra giải pháp khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội.

Có thể nói, đây là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghiệp vụ sâu rộng; là dịp để nâng cao nhận thức của các cấp hội và toàn thể hội viên về tính chất, mục đích, nhiệm vụ của tổ chức hội; tăng cường sự đoàn kết trong báo giới; tăng cường mối quan hệ giữa báo giới và xã hội; nhằm tiếp tục vun đắp, xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh thật sự là “mái nhà chung” của người làm báo trên địa bàn Quảng Ngãi.

PV: Xin cảm ơn ông!


THANH TOÀN
(thực hiện)





 

.