Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi: Khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam (kỳ 1)

02:08, 25/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cách đây tròn 60 năm đã làm nức lòng nhân dân cả nước, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Thắng lợi đó là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ; thể hiện tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của đồng bào Cor ở Trà Bồng và các dân tộc anh em ở miền Tây Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Sự chủ động, quyết đoán của Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, vào những ngày cuối tháng Tám của mùa thu lịch sử cách đây tròn 60 năm (28.8.1959 – 28.8.2019), đồng bào Cor ở Trà Bồng và các dân tộc anh em ở miền Tây Quảng Ngãi đã nổi dậy đấu tranh chống lại ách thống trị bởi chính quyền tay sai của Mỹ và đã giành thắng lợi.


Dẫu thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ còn sống, thì cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn mãi vang vọng trên vùng đất quế như vừa diễn ra hôm qua. Có lẽ vì thế mà trong những ngày cuối tháng Tám này, trên khắp các nẻo đường, khu dân cư, đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà đều phấn khởi, ngời sáng niềm tin và tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương...

Khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc

Đồng chí Phạm Thanh Biền, nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi là một trong những người trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 98, sức khỏe tuy yếu, trí nhớ không còn tốt như trước, nhưng khi nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc “Đồng khởi” ở miền núi Quảng Ngãi cách đây 60 năm, thì đôi mắt ông ngời sáng, gương mặt trở nên cương nghị.

Ông đưa cho chúng tôi cuốn sách “Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi” do ông và ông Nguyễn Hữu Nghĩa (tức Nguyễn Công Say, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 1962 - 1963) đồng chủ biên, rồi nói: “Thông tin về cuộc khởi nghĩa ở trong đó. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, thành công của cuộc khởi nghĩa là nhờ Tỉnh ủy thực hiện tốt tinh thần đoàn kết dân tộc, biết khơi dậy tinh thần yêu nước nồng nàn trong các dân tộc anh em”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trà Lãnh Hồ Văn Giới giới thiệu di tích lịch sử đồn Eo Chim cho thanh niên trong xã. Ảnh: BS.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trà Lãnh Hồ Văn Giới giới thiệu di tích lịch sử đồn Eo Chim cho thanh niên trong xã. Ảnh: BS.

Tinh thần yêu nước, khát vọng tự do của đồng bào các dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi được thể hiện rõ nét tại Đại hội nhân dân các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi, diễn ra ở Gò Rô, xã Trà Phong (nay thuộc huyện Tây Trà), với 200 đại biểu là đồng bào Cor, Ca Dong, Hrê và Kinh, từ ngày 7 - 10.7.1958.

Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” bàn kế sách đánh giặc của người dân 4 huyện miền núi trong tỉnh lúc bấy giờ. Đại hội đã ra lời kêu gọi: “Các dân tộc anh em phải đoàn kết xung quanh Bác Hồ, đồng lòng hợp sức để đánh đổ Mỹ - Diệm. Mọi người không phân biệt dân tộc, già trẻ, gái trai phải tham gia lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự... sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền”.

“Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã nổ ra kịp thời, có sự chuẩn bị, có lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ, đi đúng đường lối cách mạng, thực hiện đúng Nghị quyết 15 của Trung ương, đóng góp kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện Nghị quyết 15 ở Nam Trung Bộ”.

Phát biểu của đồng chí VÕ CHÍ CÔNG,
Bí thư Khu ủy 5 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (2.1960)

Chớp lấy thời cơ

Trước sự đàn áp phong trào cách mạng của địch, tháng 2.1958, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chủ động tổ chức hội nghị tại Di Ngâu, xã Trà Trung (Trà Bồng) để thảo luận dự thảo “Đề cương cách mạng Việt Nam ở miền Nam” và quán triệt nội dung chỉ đạo của trung ương: “Con đường cách mạng miền Nam chỉ có thể dùng bạo lực cách mạng của quần chúng chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thủ...”.

Sau đó, Tỉnh ủy cử đoàn công tác về Khu ủy Nam Trung Bộ báo cáo kết quả hội nghị và xin ý kiến chỉ đạo. Thời gian đi và về mất gần 3 tháng. Tại đây, lãnh đạo Khu ủy Nam Trung Bộ căn dặn: “Nhận định của tỉnh là đúng... Nhưng phải tiến hành hết sức khéo léo, không kích thích địch có những phản ứng quyết liệt, gây tổn thất cho phong trào chung...”.

Chớp lấy thời cơ đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị lần thứ 11 (tháng 5.1958), tại nóc ông Cương, xã Trà Bùi để kiện toàn công tác tổ chức và đưa ra kế sách đánh địch. Lúc bấy giờ, không khí phấn khởi, quyết tâm đánh địch tràn ngập trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, tập hợp thanh niên ở đồng bằng đưa lên, kết hợp với già làng, thanh niên người Cor để xây dựng các đội vũ trang, các đội “quyết tử” diệt ác dưới danh nghĩa “trả thù nhà”...

Đầu năm 1959, các phương án đấu tranh tiếp tục được kiện toàn và chỉ chờ lệnh là xung trận. Đó là thành lập đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh, với tên gọi là đơn vị 339; cán bộ, chiến sĩ phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Lần lượt sau đó là sự ra đời của đơn vị 89, 229, đánh dấu sự lớn mạnh trong phong trào cách mạng của Quảng Ngãi lúc bấy giờ.

“Bên cạnh sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Tỉnh ủy, thì sự ra đời Nghị quyết 15 của Đảng (khóa II) được xem là ngọn đuốc soi đường để Tỉnh ủy Quảng Ngãi bổ sung hoàn thiện phương án khởi nghĩa. Bởi lẽ, nghị quyết đã vạch rõ: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân...”, đồng chí Phạm Thanh Biền nhấn mạnh.

Tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã nhanh chóng đến với đồng bào Cor huyện Trà Bồng và họ đã truyền tai nhau: “Đã có lệnh trên cho đánh Mỹ rồi. Đảng cho đánh rồi, hãy sẵn sàng”. Và khi thời cơ đã chín muồi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định cho khởi nghĩa Trà Bồng ngay từ tờ mờ sáng 28.8.1959, với sự hỗ trợ của đơn vị vũ trang 339, đã nổi dậy phá chính quyền của địch, diệt trừ gian ác, vũ trang toàn dân... Chính quyền cách mạng ở thôn, xã được thành lập. “Khắp núi rừng Trà Bồng đã vang dậy tiếng trống, mõ, tù và của đồng bào, xen lẫn tiếng súng của lực lượng thanh niên vũ trang xuống đường chống Mỹ - Diệm”, ông Trần Văn Non, chiến sĩ của đơn vị 339 kể.

Thương binh hạng 2/4 Lê Văn Năm, chiến sĩ đơn vị 339, hiện đang sinh sống ở xã Trà Sơn cho biết thêm: Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân Trà Bồng và các lực lượng vũ trang đã lần lượt đánh địch bật khỏi đồn Đá Líp, Tà Lạt, Tầm Rưng, Nước Vót, Eo Reo, Eo Chim và trung tâm quận lỵ, với các loại vũ khí thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu thì quật cường. Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra khắp các huyện miền Tây Quảng Ngãi, với tinh thần tiến công như vũ bão, diệt ác, phá kìm, thiết lập chính quyền cách mạng.

Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi buổi đầu chỉ như ngọn lửa nhỏ, nhưng với tinh thần nhiệt huyết cách mạng của các dân tộc anh em đã nhanh chóng bùng lên, liên tục quật bão lửa vào quân thù, buộc chúng phải rút lui; mở đầu cho phong trào Đồng khởi long trời lở đất ở miền Nam trong những năm 1959 - 1960.

Tầm nhìn chiến lược

Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ cho rằng, con đường cách mạng miền Nam là không thể đấu tranh chính trị đơn thuần, mà cần có sự hỗ trợ của vũ trang. Vì thế, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã cử cán bộ trực tiếp xin ý kiến của Khu ủy 5 cho xây dựng lực lượng vũ trang và tiến hành khởi nghĩa khi có điều kiện. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử, việc xin ý kiến trên là một quyết định táo bạo, vì nó liên quan đến phong trào cách mạng của toàn miền Nam. Và rồi, đó là nhận định đúng, phù hợp với thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ, nên khi Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chớp thời cơ thành lập ngay lực lượng vũ trang với 3 đơn vị tập trung của tỉnh.


B.SƠN - X.THIÊN - M.HẠ
--------------
*Kỳ cuối: Bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam
 

.