Quảng Ngãi phát triển căn bản, toàn diện sau 30 năm tái lập tỉnh

02:07, 04/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt chặng đường 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1989 - 2019) với sự đồng lòng, đoàn kết, sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã tạo nên những thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản diện mạo trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng đạt những kết quả quan trọng... Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ đã dành cho Báo Quảng Ngãi cuộc trao đổi về các nội dung trên.

TIN LIÊN QUAN

PV: Sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, cùng chung tay xây dựng quê hương; xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết một số thành tựu nổi bật mà Quảng Ngãi đạt được trong 30 năm qua?

Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ngãi đã có bước phát triển căn bản, toàn diện; tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh tế và xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện.

  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ chúc mừng và trao thư khen cho các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2018.     ẢNH: TL
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ chúc mừng và trao thư khen cho các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2018. ẢNH: TL
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển, đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 đạt 54.906 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với năm 1989. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm và vượt mức 33 triệu đồng/người vào năm 2018.

Từ chỗ tổng thu ngân sách năm 1989 chỉ đạt 16 tỷ đồng, chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến nay thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp phát triển vượt bậc, với nhiều bước đột phá. Những năm 1990, nền công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp. Đến nay, Quảng Ngãi đã hình thành các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp có công suất lớn, giá trị gia tăng cao. Điển hình là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất... đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, tạo hàng nghìn việc làm cho con em địa phương. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 116.223 tỷ đồng, gấp 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm.

Quảng Ngãi đã xây dựng và đưa vào hoạt động KCN – Đô thị - Dịch vụ VSIP, các KCN Quảng Phú, Tịnh Phong và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương. Những bước đột phá này đã đưa Quảng Ngãi thành tỉnh có các sản phẩm công nghiệp có giá trị, kể cả các sản phẩm siêu trường, siêu trọng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi gần 20 quốc gia trên thế giới.
 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tặng bức trướng của BCH Đảng bộ tỉnh cho Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh.                 ẢNH: TL
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tặng bức trướng của BCH Đảng bộ tỉnh cho Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh. ẢNH: TL
Sau tái lập tỉnh, hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch không ngừng mở rộng. Hàng hóa cung ứng trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Kim ngạch xuất khẩu từ mức chỉ đạt 834 nghìn USD năm 1990, tăng lên 591 triệu USD năm 2018, gấp hơn 700 lần. Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, mở rộng đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Đan Mạch, UAE, Saudi Arabia và các quốc gia trong ASEAN.

Hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Từ một địa bàn ”trũng” về du lịch, đến nay, hằng năm có trên 1 triệu du khách trong và ngoài nước đến Quảng Ngãi. Nhiều dự án đầu tư vào du lịch, với tổng vốn đăng ký trên 3.137 tỷ đồng, doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp hơn 70 lần so với năm 1989.

Một điểm nhấn quan trọng khác là sau 30 năm tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại; tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 23%.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cùng lãnh đạo tỉnh thăm, động viên Công ty PROPERWELL (KCN VSIP Quảng Ngãi) nhân dịp ra quân sản xuất đầu năm Kỷ Hợi.       ẢNH: Thanh Nhị
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cùng lãnh đạo tỉnh thăm, động viên Công ty PROPERWELL (KCN VSIP Quảng Ngãi) nhân dịp ra quân sản xuất đầu năm Kỷ Hợi. ẢNH: Thanh Nhị
Khu vực nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Giá trị sản xuất nông - lâm và thủy sản năm 2018 đạt 15.389 tỷ đồng, gấp 5 lần so những năm đầu tái lập tỉnh. Đến năm 1997, Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đại công trình thủy lợi Thạch Nham tưới cho hơn 30.000ha đất canh tác. Đây được xem là cuộc “cách mạng xanh” trải rộng khắp làng quê, ruộng đồng Quảng Ngãi. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất và chất lượng. Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2018 đạt 248.543 tấn, gấp hơn 10 lần so với năm 1989. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...  

Lĩnh vực văn hoá, xã hội phát triển mạnh mẽ. Hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện; cơ sở vật chất từng bước đầu tư khang trang. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng chuẩn hóa về trình độ. Có 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,6%; 14/14 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 153/215 trường tiểu học, 118/167 trường THCS và 21/38 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng y tế từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã được củng cố, hoàn thiện và hầu hết đã xây dựng mới. Tổng số gường bệnh/vạn dân tăng hơn 3 lần; số bác sĩ/vạn dân tăng gần 4 lần so với năm 1989...

Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động kinh tế có chiều hướng tăng, từ mức 45% (năm 1996) lên mức 67% (năm 2018). Tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm dần qua các năm, đến năm 2018 giảm còn 3,7%. Toàn tỉnh có 16.400 người xuất khẩu lao động.

Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 7,79%.  Các chế độ chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời...

PV: Trong 30 năm qua, trên lĩnh vực xây dựng Đảng, Đảng bộ Quảng Ngãi có những điểm nhấn ấn tượng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng chí có thể đánh giá khái quát những điểm nổi bật trong công tác này cũng như những hạn chế cần khắc phục?

Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Sau tái lập tỉnh, qua các nhiệm kỳ, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy luôn chăm lo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Trong các nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, trong đó đã tập trung cho nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, như Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;  Kết luận số 17-KL/TU ngày 19.4.2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba (khóa XIX) về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016– 2020; Nghị quyết về phát triển văn hóa, xây dựng con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; ban hành Quyết định số 306-QĐ/TU ngày 25.5.2016 quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong danh sách quy hoạch dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cơ quan đảng, mặt trận, đoàn thể tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020...

Nhìn chung, công tác khảo sát, đánh giá thực trạng lao động và dự báo nhu cầu nhân lực được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện luân chuyển cán bộ thực hiện tương đối đồng bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, cập nhật thông tin, kiến thức. Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhìn chung có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính... Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị, triển khai xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đạt một số kết quả bước đầu; thực hiện tốt việc tinh giản biên chế, bảo đảm lộ trình đến năm 2021 giảm 10% theo quy định của Trung ương, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, trong công tác cán bộ còn một số hạn chế cần khắc phục; đó là: Công tác khảo sát, đánh giá thực trạng, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức và dự báo chưa sát với tình hình thực tế. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa có tính đột phá. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở những thời điểm nhất định chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ, chưa có nhiều cán bộ giỏi về chuyên môn, cấp dưới chưa bổ sung được cán bộ cho cấp trên.

Việc đánh giá cán bộ, công chức ở một số nơi vẫn còn hình thức, cảm tính, chưa tạo động lực cho cán bộ làm việc, phát huy sở trường; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đúng mức; trong đánh giá cán bộ, công chức chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu.

Tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Việc phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý tổ chức bộ máy, biên chế chưa hợp lý, chưa gắn quyền hạn với trách nhiệm. Tinh giản biên chế ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ thăm hỏi bà con đồng hương Quảng Ngãi đang sinh sống tại Hà Nội.     ẢNH: TL
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ thăm hỏi bà con đồng hương Quảng Ngãi đang sinh sống tại Hà Nội. ẢNH: TL
PV: Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi thực hiện những giải pháp nào nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo, thưa đồng chí?

Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Tôi nghĩ, thời gian đến các cấp, các ngành phải tập trung kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện toàn diện, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là 4 Kết luận, 5 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIX.

Trong công tác cán bộ cần nêu cao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tăng cường đi cơ sở, đối thoại với nhân dân, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nổi cộm, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, làm cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; cải cách hành chính quyết liệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc xây dựng chính quyền điện tử, kiến tạo, hành động, phục vụ...
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.                                           ẢNH: TL
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. ẢNH: TL
Đồng thời, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Kế hoạch 125-KH/TU của Tỉnh ủy; thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW và Kế hoạch 126-KH/TU của Tỉnh ủy; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng; xây dựng đề án, phương hướng công tác nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX theo hướng nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, thực sự tiêu biểu về đạo đức, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt.

Trong lĩnh vực kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các ngành công nghiệp truyền thống, chú trọng thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp sau dầu; các ngành công nghiệp nhẹ giải quyết nhiều lao động; các dịch vụ cảng biển, logistics... từng bước giảm phụ thuộc vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; phấn đấu năm 2020 công nghiệp địa phương chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án, nhất là các dự án lớn. Tập trung vốn hoàn thành các công trình trọng điểm, sớm phát huy hiệu quả; kiên quyết xử lý tình trạng lãng phí, tiêu cực.

Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo; chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho một số xã điểm để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Quản lý chặt chẽ nguồn thu, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ; tăng chi cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho các nhiệm vụ đột phá, nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ngoài công lập; thu hút bác sĩ, dược sĩ có trình độ cao về tỉnh công tác. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh xã hội; chăm lo đời sống người có công với cách mạng; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp...

PV: Xin cám ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này!
 
THANH TOÀN
(thực hiện)
 

.