Đổi mới hoạt động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

08:07, 11/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung mà Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc nhấn mạnh, khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi trước thềm Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019 - 2024.  
TIN LIÊN QUAN

PV: Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, MTTQ và các thành viên có nhiều đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động, đồng chí có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?

Đồng chí NGUYỄN CAO PHÚC: Thực hiện Chương trình hành động của Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XIII, MTTQ  các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ phát động đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và những mô hình, điển hình tiên tiến được phát huy, nhân rộng.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc thăm hỏi đối tượng người có công ở xã Đức Tân (Mộ Đức).
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc thăm hỏi đối tượng người có công ở xã Đức Tân (Mộ Đức).
Nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã vận động trên 290 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội; riêng Quỹ Vì người nghèo đã vận động hơn 126 tỷ đồng. Từ đó, MTTQ các cấp đã hỗ trợ và thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,73% (năm 2014) theo chuẩn nghèo cũ, còn 9,39% vào năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều; xây dựng và sửa chữa 207 nhà tình nghĩa và trao 104 sổ tiết kiệm, với số tiền 202 triệu đồng cho các đối tượng chính sách... Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp trên 162 nghìn ngày công, hơn 420 tỷ đồng, hiến trên 457.651m2 đất... để xây dựng cơ sở hạ tầng. Quảng Ngãi hiện có 59/164 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh đạt bình quân 13,7 tiêu chí NTM/xã.

Chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2024 là, mỗi xã, phường, thị trấn (kể cả xã NTM) có ít nhất một công trình, phần việc cụ thể tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh do MTTQ chủ trì thực hiện. Mỗi năm, MTTQ các cấp phấn đấu vận động Quỹ Vì người nghèo đạt trên 75 tỷ đồng, để hỗ trợ xây dựng ít nhất 500 nhà đại đoàn kết; phối hợp tổ chức 20 hội chợ cấp tỉnh và 45 hội chợ cấp huyện, 40 - 50 phiên chợ hàng Việt trong cả nhiệm kỳ... Ngoài ra, cấp tỉnh, chủ trì giám sát ít nhất 3 nội dung và tổ chức phản biện ít nhất 10 dự thảo; cấp huyện giám sát ít nhất 2 nội dung và phản biện ít nhất 6 dự thảo; cấp xã giám sát ít nhất 1 nội dung và tổ chức phản biện ít nhất 3 dự thảo.

Công tác dân tộc, tôn giáo và đối ngoại nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức thành viên được đổi mới, linh hoạt, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động giám sát, phản biện theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị được MTTQ và các tổ chức thành viên chủ động triển khai và chọn lọc nội dung thiết thực.

Thông qua hoạt động giám sát, MTTQ và các tổ chức thành viên đã phát hiện và kiến nghị các cấp ủy, chính quyền khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hoạt động phản biện cũng được MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp triển khai ngày càng nền nếp, tập trung vào các dự thảo chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và của địa phương.

PV: Vậy đâu là những hạn chế trong công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua và nguyên nhân, cũng như bài học kinh nghiệm có được là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí NGUYỄN CAO PHÚC: Công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là: Phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên một số lĩnh vực chưa thật sự thu hút, thiếu chiều sâu, còn nặng về hình thức. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có lúc chưa kịp thời. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động hiệu quả mang lại chưa cao. Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ còn hạn chế...

Nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ của MTTQ các cấp còn hạn chế về năng lực. Phương thức hoạt động của MTTQ chưa phong phú, chưa có sự đổi mới mạnh mẽ, thiếu linh động, còn mang tính rập khuôn. Nhiệm vụ của MTTQ có nhiều nội dung mới và phức tạp, nên quá trình tiếp cận và triển khai công việc hiệu quả mang lại chưa cao. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của MTTQ...

Để thực hiện hiệu quả công tác Mặt trận trong giai đoạn mới, chúng ta phải tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tranh thủ sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng và trách nhiệm phối hợp trên tất cả các lĩnh vực, gắn với sự ủng hộ về cơ chế, chính sách của Thường trực HĐND, UBND đối với công tác Mặt trận... Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp trong tỉnh theo hướng gần dân, sát dân và trọng dân. Xây dựng cơ quan Thường trực MTTQ các cấp vững mạnh, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận có năng lực và phẩm chất, uy tín cao, đoàn kết nhất trí, làm trung tâm đoàn kết toàn dân. Phát huy hiệu quả của hoạt động MTTQ thông qua sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân...

Ngày hội
Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" của đồng bào Cor ở huyện Tây Trà. ẢNH: TL
PV: Thưa đồng chí, trước những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ nào?

Đồng chí NGUYỄN CAO PHÚC: Hiện nay, MTTQ được giao thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ, trong đó có những chức năng, nhiệm vụ mới và cần được triển khai có hiệu quả. Thực tiễn này đặt ra cho MTTQ và các tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ 2019 - 2024 là phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Một nhiệm vụ trọng tâm nữa là, tập trung giám sát và phản biện xã hội. Trong đó, nội dung ưu tiên giám sát là các hoạt động quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Đồng thời, tập trung phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục chỉ đạo MTTQ các cấp phối hợp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tăng cường lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước các cấp, để kiến nghị sửa đổi, đảm bảo hài hòa lợi ích và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới- Hợp tác - Phát triển”, MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi toàn hệ thống MTTQ các cấp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân..

PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
THANH THUẬN
(thực hiện)




 

.