KỶ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 - 7.5.2019):
Kỳ tích vẻ vang "lừng lẫy năm châu"

02:05, 07/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách nay tròn 65 năm, tại Điện Biên Phủ đã chứng kiến một cuộc “đụng đầu lịch sử" giữa quân và dân ta với quân đội của thực dân Pháp. Bằng ý chí quyết giành độc lập tự do cho dân tộc, bằng nghệ thuật quân sự độc đáo, cùng sự chỉ huy của vị Tổng Tư lệnh thiên tài Võ Nguyễn Giáp, chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”, giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống lại  thực dân Pháp (1946 - 1954).

TIN LIÊN QUAN

Được ôm ấp bởi cánh đồng Mường Thanh xanh mướt giữa bốn bề đồi núi; dòng Nậm Rốm hiền hòa tô điểm cho thành phố trẻ Điện Biên Phủ đang chuyển mình qua thời gian. Mỗi tấc đất của thành phố này là những di tích của chiến trường năm xưa còn hiện hữu.

Đồi A1 – vụ nổ ngàn cân

Trong những bài học lịch sử, trong những trang sách thời phổ thông về cuộc chiến, những thế hệ lớn lên trong hòa bình đã từng biết đến sự khốc liệt, nhưng cũng đầy tự hào về những trận đánh nơi chiến trường Điện Biên Phủ. Những cái tên như: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc lập... gắn với sự kiện lịch sử oai hùng. Có dịp đặt chân đến mảnh đất này, tham quan những địa điểm gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mỗi người đều cảm thấy bùi ngùi xúc động và tự hào. Qua đó hiểu thêm về  ý chí, lòng dũng cảm của quân và dân ta khi tấn công đến tận sào huyệt, pháo đài “không thể công phá” của quân đội Pháp được kiên cố bằng hệ thống boong ke, hầm hào trong lòng chảo Mường Thanh. Ở đó cũng là nơi nằm lại của không biết bao nhiêu người lính Cụ Hồ, họ đã ra đi để dân tộc được hồi sinh.

Thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đỉnh đồi D1.
Thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đỉnh đồi D1.

Là một quả đồi không quá cao, nhưng đồi A1 là vị trí tối quan trọng trong chiến lược phòng thủ của quân Pháp. Bởi, điểm cao này chỉ cách hầm chỉ huy quân đội Pháp tại chiến trường chỉ chừng hơn cây số. Được xem là cánh cửa cuối cùng để vào sào huyệt chỉ huy.
 
Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành cứ điểm đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ, với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh, với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công.
 
Đồng thời, quân Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực, để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Vì vậy, nơi đây đã xảy ra những trận đánh giằng co vô cùng khốc liệt giữa hai bên.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm (qua 3 đợt), trong đó tại đồi A1 chiếm hơn 2/3 thời gian (bắt đầu từ 31.3 - 6.5.1954). Đây là trận chiến gay go, quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân Pháp cho rằng: Đồi A1 là cối xay thịt của quân đội Việt Minh.
 
Trong suốt giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch, Trung đoàn 174 đã tiến hành 4 đợt tiến công liên tục, nhưng chỉ chiếm được một nửa đồi. Để giành được quả đồi, quân ta đã mất đi cả một tiểu đoàn 300 người, chỉ còn 7 người tiếp tục chiến đấu và sử dụng hết hỏa lực. Đến ngày 6.5.1954, ta mới giành được thắng lợi bằng cách cho nổ tung quả đồi bằng khối bộc phá lên đến một tấn thuốc nổ.


Lòng quyết tâm còn cao hơn núi

Trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, di tích hầm chỉ huy của tướng Pháp De Castries tại Điện Biên Phủ được xây dựng kiên cố hiện nay vẫn còn gần như nguyên vẹn. Nơi mà 65 năm về trước được xem là pháo đài “bất khả xâm phạm”- là nơi thách thức lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến thắng quân xâm lược, giành độc lập của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX.

 Di tích Hầm tướng De Castries.
Di tích Hầm tướng De Castries.


Đây là cơ quan đầu não của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì vậy, cứ điểm này được xây dựng vững chắc, có khả năng chống chọi hỏa lực mạnh, ngoài ra còn được bảo vệ bằng tất cả các vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ. Thế nhưng, không gì có thể chiến thắng  ý chí, khát vọng mãnh liệt giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Từ đồi A1, tiếng nổ của bộc phá cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại căn hầm này, lúc 17 giờ, ngày 7.5 cách nay tròn 65 năm, tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật (Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) bắt sống tướng De Castries và Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy – “pháo đài không thể công phá” của quân viễn chinh Pháp.

Chiến tranh đã lùi xa. Tại Di tích chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn đó hệ thống hầm hào, công sự, xác xe tăng, máy bay... như để nhắc nhớ sự khốc liệt của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, là niềm tự hào và là nguồn sức mạnh để quân và dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất nước nhà.  


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN 


.