50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Lo cho dân là trách nhiệm của Đảng (kỳ cuối)

08:05, 19/05/2019
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ cuối:  Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm

(Báo Quảng Ngãi)- Với sự năng động của cấp ủy, sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế đã góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và thu hút nguồn lực đầu tư tại các địa phương. Từ đây, giá trị sản xuất không ngừng nâng cao, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Nằm dọc sông Thoa, thường xuyên chịu cảnh ngập mặn, xói lở, nhiều diện tích sản xuất phải bỏ hoang. Thế nhưng giờ đây, vùng đất cát ở hai xã Phổ An, Phổ Quang (Đức Phổ) đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội của huyện Đức Phổ.

Ông Võ Mân, một lão nông tri điền ở Phổ Quang, chia sẻ: "Đổi thay rõ nhất là từ khi có đập ngăn mặn, rồi khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, nhà nhà đều có đất sản xuất. Như gia đình tôi trước có 6 sào ruộng, nhưng 4 sào bị bỏ hoang, vì không có nước tưới. Khi dồn điền đổi thửa xong, 6 sào ruộng phủ hết màu xanh của lúa. Vụ vừa rồi, thu hoạch 9 bao lúa/sào, tăng 5 bao so với trước. Mà giờ thu hoạch khỏe re, vì việc thu hoạch, vận chuyển lúa đều có máy làm hết". Ông Mân được biết đến như một "tỷ phú" ở vùng đất cát, vì ngoài làm nông nghiệp, ông còn nuôi tôm trên cát, với diện tích 5.000m2, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Mô hình trồng đậu phụng ở xã Phổ An (Đức Phổ) cho thu nhập 140 triệu đồng/ha.


Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình cho biết: "Việc nuôi tôm ở vùng cát có thuận lợi hơn so với vùng triều. Xã cũng xác định con tôm là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, với hơn 60ha nuôi trồng hiện nay, Phổ Quang sẽ vận động người dân cải tạo ao hồ, sử dụng nguồn nước sạch nuôi tôm để tránh dịch bệnh".  

Lãnh đạo huyện Đức Phổ đánh giá cao việc cụ thể hóa Di chúc của Bác về chăm lo đời sống cho nhân dân của xã Phổ An. Từ một xã khó khăn của vùng bãi ngang ven biển, 10 năm trở lại đây, diện mạo nông thôn Phổ An thay đổi rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông đồng bộ, với hơn 40km đường nhựa. Bên cạnh đó, xã đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như đậu phụng (140 triệu đồng/ha), nuôi bò lai (tổng đàn 3.000 con)... Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của Phổ An đạt 1.222 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người sau khi trừ chi phí đạt trên 35 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Phổ An Nguyễn Tấn Mỹ cho biết: "Hiện địa phương không còn đất sản xuất bỏ hoang. Đặc biệt, từ khi chuyển đổi 200ha cây tạp sang trồng đậu, thì thu nhập gấp 5 lần so với cây trồng khác. Ngoài ra, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, hằng năm, xã bố trí khoảng 600 triệu đồng để hỗ trợ trực tiếp cho các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân".

Thực hiện Di chúc của Bác là cách để cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tâm nguyện của Bác về nâng cao đời sống nhân dân. Chi bộ thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) là đơn vị được Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ gửi thư khen tại Hội nghị biểu dương "Những tấm gương bình dị mà cao quý" năm 2017, vì có những việc làm mang lại lợi ích cho người dân.  

Tròn 30 năm gắn bó với công tác của thôn, trong đó có 18 năm làm trưởng thôn và 12 năm làm Bí thư Chi bộ thôn An Ba, ông Huỳnh Văn Nhung luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì sự phát triển của quê hương. Ông là người khởi xướng đưa một loại giống, một chế độ canh tác vào sản xuất. Từ 9ha thử nghiệm năm 2017, đến nay gần 55ha lúa ở An Ba đã áp dụng phương thức canh tác mới với chỉ một giống lúa DDH6-1.

Nhìn cánh đồng vuông vức chỉ một loại giống trông rất đẹp mắt, ông Nhung bộc bạch: "Năng suất lúa hiện nay đạt 75 tạ/ha không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà cả hiệu quả xã hội. Đó là góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong chuyển đổi phương thức canh tác và đầu tư trong sản xuất. Ban đầu chỉ có 120 hộ tham gia mô hình chuyển đổi, thì đến nay đã tăng gấp đôi".

Chi bộ thôn An Ba hiện có 47 đảng viên. Với phương châm hành động “Chọn việc làm thiết thực, có lợi cho dân”, trong mọi công trình, phần việc, nhiệm vụ của thôn, chi bộ luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên; vận động nhân dân thi đua lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập... Thông qua các mô hình, hoạt động của các hội, đoàn thể, sự đoàn kết, gắn bó ở An Ba ngày càng bền chặt, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên, các nhiệm vụ do chi bộ đề ra đều đạt kết quả cao.

Tư tưởng của Bác về nhân dân mãi là nguồn mạch của sự sáng tạo, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động, soi đường cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt hơn việc chăm lo đời sống cho nhân dân thông qua các chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, nghị quyết. Chúng ta học tập Bác ở tầm tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự nhất quán từ lời nói đến hành động, suốt đời gắn bó máu thịt với dân và vì dân mà làm, mà hành động. Sẽ là thiết thực và có ý nghĩa biết bao, nếu mỗi đảng viên chúng ta thường xuyên tự mình ôn lại và suy nghĩ những lời Bác dạy, để từ đó mỗi người phải luôn cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc. Bởi lẽ: “Làm cán bộ, tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VIẾT CHỮ

Kiên định mục tiêu, lý tưởng cao đẹp

Năm năm làm công dân TP.Quảng Ngãi, nhưng sự kỳ vọng vào sự phát triển của người dân 13 xã, phường sáp nhập vào thành phố chưa lúc nào vơi. Ông Trần Văn Sự, ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, chia sẻ: "Khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, Nghĩa Hà là xã kém nhất về hạ tầng, còn bây giờ đường sá khác xưa nhiều lắm. Trường học xây mới, có khu vui chơi sinh hoạt... Năm năm chưa phải là dài, nhưng sự thay đổi đó ai cũng thấy rõ. Chúng tôi ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố trong việc chăm lo cho các xã mới sáp nhập".

Thành phố Quảng Ngãi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã mới sáp nhập, nhất là các xã ven biển, nhằm mở rộng không gian đô thị ven sông và hướng biển; tạo nên chuỗi đô thị vệ tinh, phát triển các khu vực lân cận. Quan trọng hơn là mở ra cơ hội để phát triển du lịch – dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An Trần Ngọc Xôn cho biết: "Tính đến nay, thành phố đã đầu tư gần 85 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình “ý Đảng, lòng dân” tại Nghĩa An. Sau 5 năm sáp nhập, diện mạo của Nghĩa An thực sự khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên".

Từ nguồn vốn của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh có ý nghĩa rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,6%; thu ngân sách đạt trên 20.100 tỷ đồng; trên 7.000 hộ nghèo được trao sinh kế hỗ trợ sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,8 triệu đồng/năm...

Đảng viên Tô Chấn, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) có hơn 50 năm tuổi Đảng, là người chứng kiến những đổi thay của tỉnh theo từng giai đoạn lịch sử, chia sẻ: "Phải nói từ khi KKT Dung Quất hình thành, thì Quảng Ngãi như bước sang một trang sử mới. Thu hút đầu tư nhiều hơn, doanh nghiệp phát triển hơn, hàng vạn lao động có việc làm ổn định, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng nâng lên rõ rệt. Đó là minh chứng rõ nhất của việc thực hiện Di chúc của Bác về chăm lo đời sống cho nhân dân".

Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao đẹp của Đảng ta. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta nguyện làm theo lời Người căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm", để chăm lo cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn.

 Bài, ảnh: THANH THUẬN


.